Xung đột Nga-Ukraine: Điều gì xảy ra tiếp theo sau loạt động thái không mang lại đột phá?

Admin
Bất kể tình trạng của quá trình đàm phán như thế nào, hay bao giờ thì đàm phán Nga-Ukraine tiếp tục, vẫn có một số rào cản lớn đối với tiến trình này.

Một loạt các hoạt động ngoại giao đáng chú ý gần đây nhằm hóa giải cuộc xung đột Nga-Ukraine – bao gồm cuộc đàm phán trực tiếp giữa Moscow và Kiev và cuộc điện đàm dài giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin – đã kết thúc mà không có đột phá nào.

Mục tiêu chính do Ukraine và phương Tây đề ra – lệnh ngừng bắn trong 30 ngày – đã không đạt được. Các cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine vẫn tiếp tục, trong khi Kiev bắt đầu một chiến thuật mới với UAV/drone, nhắm vào các mục tiêu của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội sau cuộc trò chuyện kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ với ông Putin, ông Trump ám chỉ rằng Mỹ có thể rút lui khỏi các nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình, chuyển gánh nặng sang một bên trung gian khác, chẳng hạn như Vatican.

Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Liệu sẽ còn nhiều cuộc đàm phán nữa không? Một bản ghi nhớ cho các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai mà ông Putin đề cập sau cuộc điện đàm trông sẽ như thế nào?

Xung đột Nga-Ukraine: Điều gì xảy ra tiếp theo sau loạt động thái không mang lại đột phá?- Ảnh 1.

Ông Putin, ông Trump và ông Zelensky. Ảnh: India Today

"Điểm cộm nhất"

Không có thông tin nào từ Kiev hay Moscow về một cuộc đàm phán mới. Nhưng Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb hôm 21/5 cho biết rằng các bên có thể sẽ tổ chức "các cuộc đàm phán cấp kỹ thuật" vào tuần tới, có thể là tại Vatican.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người cũng đã nói chuyện qua điện thoại với ông Trump vào ngày 19/5, cho biết vào ngày hôm sau rằng "Ukraine sẵn sàng cho bất kỳ hình thức đàm phán nào mang lại kết quả".

Đồng thời nhà lãnh đạo Ukraine cũng cảnh báo, "Nếu Nga tiếp tục đưa ra các điều kiện không thực tế và phá hoại tiến trình, thì phải có hậu quả nghiêm trọng".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 21/5 bác cáo buộc của Ukraine và châu Âu rằng Nga đang cố tình trì hoãn các cuộc đàm phán hòa bình. Ngược lại, Nga hoan nghênh "sự sẵn sàng và nỗ lực của tất cả các bên muốn đóng góp vào một giải pháp nhanh chóng", ông Peskov cho biết.

Mặc dù vẫn chưa có quyết định nào về địa điểm tổ chức cuộc họp tiếp theo, và Nga chưa nhận được bất kỳ đề xuất cụ thể nào từ Vatican, nhưng ông Peskov cho biết "mọi người đều đang làm việc một cách năng động" và Moscow sẽ thông báo khi có tiến triển.

Bất kể tình trạng của quá trình đàm phán như thế nào, hay bao giờ thì đàm phán Nga-Ukraine tiếp tục, vẫn có một số rào cản lớn đối với tiến trình, trong đó "điểm cộm nhất" là về lãnh thổ.

Theo các quan chức Ukraine đã nói chuyện với nhiều cơ quan truyền thông với điều kiện giấu tên, phái đoàn Nga tại Istanbul cho biết sẽ không có lệnh ngừng bắn cho đến khi Ukraine rút quân khỏi các khu vực mà Moscow đã tuyên bố sáp nhập, bao gồm Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson.

Kiev gọi yêu cầu đó là không thể chấp nhận được, và ông Zelensky đã nhắc lại trong tuần này rằng Ukraine sẽ không rút quân khỏi lãnh thổ của chính mình.

Tiến trình của Nga trong việc giành quyền kiểm soát các phần còn lại của 4 khu vực – mà họ không nắm giữ – đang diễn ra chậm chạp và cực kỳ tốn kém. Thủ phủ Kherson và Zaporizhzhia vẫn nằm trong tay Kiev.

"Quân đội Nga sẽ không thể kiểm soát được các phần còn lại của 4 khu vực. Trước hết, đây là vạt lãnh thổ rất rộng lớn, và ngay cả với tốc độ của năm ngoái, các lực lượng Nga cũng không thể chiếm được hoàn toàn dù chỉ một khu vực – chẳng hạn như Donetsk", ông Yan Matveyev, một nhà phân tích quân sự Nga sống ở nước ngoài, cho biết.

Viễn cảnh Nga chiếm được thành phố Kherson, nằm bên kia sông Dnipro so với các vị trí hiện tại của họ, "có vẻ hoàn toàn viển vông và không thể xảy ra", ông Matveyev nói với mạng truyền hình số Current Time hôm 21/5.

Xung đột Nga-Ukraine: Điều gì xảy ra tiếp theo sau loạt động thái không mang lại đột phá?- Ảnh 2.

Quang cảnh đổ nát ở Kupyansk, vùng Kharkiv, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: The Guardian

Đồng thời, sau một cuộc phản công được nói đến rất nhiều vào năm 2023 nhưng cuối cùng đã thất bại, cơ hội để Ukraine giành lại một phần lãnh thổ đáng kể trong thời gian tới được coi là rất mong manh.

"Nga muốn những gì họ hiện không có… còn Ukraine muốn những gì họ không thể giành lại về mặt quân sự", Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết khi phát biểu tại một phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 20/5. "Và đó chính là điểm cộm nhất của thách thức".

Lùi bước

Câu hỏi tiếp theo là, đối mặt với khoảng cách ngày càng lớn giữa lập trường của Nga và Ukraine, liệu Mỹ có đang lùi bước khỏi nỗ lực trung gian hòa bình không?

Thời gian gần đây Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ từ bỏ các cuộc đàm phán gây thất vọng nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine. Cuộc điện đàm hôm 19/5 giữa ông và ông Putin dường như cho thấy rõ hơn về điều đó.

Sau cuộc điện đàm, ông Trump đã nói với Tổng thống Zelensky và các nhà lãnh đạo châu Âu khác rằng, Nga và Ukraine sẽ phải tự tìm ra giải pháp cho cuộc chiến, viện dẫn rằng chỉ có "các bên tham chiến" mới biết rõ nhất chi tiết để mà đàm phán.

Ông Zelensky nêu địa điểm tiềm năng tổ chức đàm phán với Nga, yêu cầu ông Trump một điềuĐỌC NGAY

Đồng thời, nhà lãnh đạo Mỹ cũng trích dẫn cơ hội tiến triển trong đàm phán như một lý do để Washington tránh áp đặt thêm các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga ngay bây giờ, ngay cả khi Liên minh châu Âu (EU) công bố gói trừng phạt thứ 17 đối với Moscow và Vương quốc Anh cũng tham gia làn sóng trừng phạt mới.

Ông Trump thường thích gây sức ép tài chính: Ông thường xuyên đe dọa áp thuế và trừng phạt đối với cả đồng minh và đối thủ. Nhưng trong một tuyên bố với tờ New York Times, một quan chức Nhà Trắng cho biết trường hợp này lại khác.

Các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga sẽ cản trở các cơ hội kinh doanh, và Tổng thống Trump muốn tối đa hóa các cơ hội kinh tế cho người Mỹ, vị quan chức giấu tên cho biết.

Các quan chức Mỹ, bao gồm cả Ngoại trưởng Marco Rubio, đã phản bác những lời chỉ trích bằng cách chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt hiện tại đối với Nga, phần lớn được áp dụng sau cuộc xung đột năm 2022, vẫn được áp dụng, cũng như việc chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine.

"Khi ông Vladimir Putin thức dậy sáng nay, ông ấy vẫn phải chịu lệnh trừng phạt như mọi khi kể từ khi cuộc xung đột này bắt đầu", ông Rubio nói với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 20/5, đồng thời nói thêm rằng Ukraine vẫn đang nhận vũ khí từ Mỹ và các đồng minh.

Ông Trump đang "cố gắng chấm dứt một cuộc chiến đẫm máu, tốn kém mà không bên nào có thể giành chiến thắng", Ngoại trưởng Mỹ nói.

Tuy nhiên, ẩn ý trong cuộc gọi của ông Trump với ông Zelensky và các nước châu Âu sau cuộc điện đàm với ông Putin là: Kỷ nguyên nỗ lực ngoại giao, chi tiêu vào vũ khí mới cho Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga của Mỹ đang nhanh chóng kết thúc.

Một số quan chức châu Âu cho biết, thông điệp mà họ nhận được từ cuộc gọi là họ không nên mong đợi Mỹ sẽ sớm tham gia cùng họ trong việc gây thêm áp lực tài chính lên ông Putin.

Một câu hỏi nữa còn bỏ ngỏ nữa là khi nào Nga sẽ đưa ra bản ghi nhớ mà ông Putin nhắc đến sau cuộc điện đàm với ông Trump?

Theo nhà lãnh đạo Nga, tài liệu này sẽ nêu rõ các nguyên tắc và thời gian cho một thỏa thuận hòa bình có thể xảy ra, cũng như các vấn đề khác, "bao gồm cả lệnh ngừng bắn tạm thời tiềm năng, nếu đạt được các thỏa thuận cần thiết".

Không rõ khi nào điều đó có thể xảy ra. "Không có thời hạn cho quá trình đó và không thể có bất kỳ thời hạn nào", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 20/5. "Rõ ràng là mọi người đều muốn thực hiện điều này càng nhanh càng tốt, nhưng tất nhiên, vấn đề nằm ở các chi tiết".

Ông Mykhaylo Podolyak, một cố vấn cấp cao của ông Zelensky, dự đoán rằng các yêu cầu của Nga sẽ không thay đổi.

Theo vị quan chức này, “bản ghi nhớ” của Moscow sẽ bao gồm những điều ai cũng có thể đoán được, như Ukraine không gia nhập NATO, không phát triển công nghiệp quốc phòng, không có quân đội…

"Điều này bao gồm việc loại bỏ cái họ gọi là nguyên nhân gốc rễ – mà theo quan điểm của họ, điều đó có nghĩa là Ukraine phải chấm dứt tồn tại", ông Podolyak nói với RBC-Ukraine hôm 21/5.

Minh Đức (Theo RFE/RL, NY Times)

Tham khảo thêm
Nga bác cáo buộc “câu giờ”, hé lộ thêm chi tiết về cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông TrumpNga bác cáo buộc “câu giờ”, hé lộ thêm chi tiết về cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Trump
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Sau điện đàm với ông Trump, ông Putin nói “một lệnh ngừng bắn với Ukraine là có thể”Sau điện đàm với ông Trump, ông Putin nói “một lệnh ngừng bắn với Ukraine là có thể”