Tham dự Chương trình có các đồng chí lãnh đạo TW Hội LHPN Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo UBND, các sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Hội LHPN 5 huyện và 10 xã thực hiện Dự án 8.
Đặc biệt là sự có mặt của Ban giám hiệu và 100 em học sinh đến từ 10 trường THCS thuộc 5 huyện thực hiện Dự án 8 bao gồm: Xã An Phú, huyện Mỹ Đức; xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ; xã Đông Xuân, Phú Mãn, huyện Quốc Oai; xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân, huyện Thạch Thất; xã Vân Hoà, Ba Trại, Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP Hà Nội.
Diễn đàn “Thủ lĩnh của sự thay đổi” năm 2024, với mục tiêu để các em học sinh là những thành viên nòng cốt trong Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” trong các trường học được chia sẻ kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng tự bảo vệ, ứng phó với các tình huống bạo lực, xâm hại thường gặp trong cuộc sống và chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho bản thân. Qua đó các em nhận thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân, cũng như của gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Diễn đàn cũng là cơ hội để các cơ quan chức năng, nhà trường lắng nghe những khó khăn, lo lắng, băn khoăn các em gặp phải trong trường học và cuộc sống; đồng thời trao đổi thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản tuổi dậy thì để giúp đỡ, hỗ trợ và đề xuất những giải pháp hỗ trợ, tăng cường vai trò của các ban, ngành, đoàn thể, trường học đối với các em.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cho biết, trong những năm gần đây, vấn đề bình đẳng giới, tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được quan tâm của toàn xã hội. Các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em có thể là về thể chất, lời nói và tinh thần gây ra nhiều bức xúc trong xã hội và đã trở thành mối quan tâm lo lắng của rất nhiều gia đình, nhà trường và xã hội.
Cùng với đó là sự nở rộ của các loại văn hóa phẩm, mối quan hệ rộng mở, lối sống phóng khoáng, tuổi trưởng thành được "trẻ hóa", sự thiếu hiểu biết về những thay đổi tâm lý, sinh lý tuổi dậy thì,… khiến thanh thiếu niên, nhất là trẻ em gái vị thành niên đứng trước nhiều nguy cơ, đặc biệt là việc mang thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Nguyên nhân bắt nguồn từ sự quan tâm giáo dục chưa đúng mức, kịp thời của gia đình, trường học và cộng đồng, bên cạnh đó là thói quen ngại chia sẻ, thiếu những kiến thức liên quan về giới, về sức khỏe sinh sản, đặc biệt là tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi – nơi vẫn còn tồn tại những tư tưởng, suy nghĩ, nếp sống không còn phù hợp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đời sống của trẻ em.
Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” đã được triển khai trên địa bàn 14 xã dân tộc thiểu số và miền núi tại 5 huyện trên địa bàn thành phố.
Sau 3 năm thực hiện, Hội LHPN Hà Nội đã phối hợp với các ngành đơn vị liên quan và 5 huyện tiến hành thành lập 14 tổ/nhóm truyền thông tuyên truyền nâng cao kiến thức giới, bình đẳng giới; thành lập và duy trì 10 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại 10 trường THCS tại địa bàn 5 huyện thực hiện Dự án; tổ chức Ngày hội bình đẳng giới với phụ nữ dân tộc thiểu số”; Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới”; tổ chức truyền thông, tập huấn kiến thức, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực xâm hại, phụ nữ, trẻ em, kiến thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản…
Thông qua việc triển khai thực hiện Dự án 8 đã từng bước nâng cao nhận thức, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ và trẻ em; bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc, nhất là ở địa bàn đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại diễn đàn, các em học sinh đã thảo luận tích cực, tự tin nói lên tiếng nói của mình; đồng thời các chuyên gia, đại diện các ban, ngành tham gia đóng góp ý kiến, tư vấn kiến thức chuyên môn để các em học sinh được nâng cao kiến thức và hiểu rõ hơn về bình đẳng giới, phòng, chống xâm hại và chăm sóc sức khoẻ sinh sản nói chung.
Qua diễn đàn, các em học sinh nhận thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân, cũng như của gia đình, nhà trường và cộng đồng.