5 giải pháp giúp con thích học

Admin
(PNTĐ) - Có nhiều em nhỏ chán học, không hẳn là do các em lười hay không muốn tìm hiểu kiến thức mới. Dưới đây là bí quyết để cha mẹ giúp con thích học...

Nhiều cha mẹ thường tự hỏi, tại sao thời trước, mình khó khăn thế mà vẫn có tinh thần hiếu học, bằng mọi giá để học lấy con chữ. Còn thời nay, con trẻ chả thiếu thứ gì mà lại không ham học?

Theo Seroto Foundation - tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, nguyên nhân đầu tiên là trẻ coi việc học là sự ép buộc của ba mẹ, thầy cô,... Trẻ không thấy lợi ích của việc học cho bản thân, vì thế chỉ học được chăng hay chớ.

Nguyên nhân nữa có thể do việc học thiếu hấp dẫn với trẻ, trẻ cảm thấy học tập thật đơn điệu, khô khan và cứng nhắc. Hay trẻ thường xuyên gặp thất bại trong học tập (khả năng của trẻ chưa được vun bồi, rèn luyện hoặc do mong cầu, kì vọng của ba mẹ và thầy cô với trẻ quá cao, vượt quá khả năng của trẻ, khiến trẻ không thể đạt được kỳ vọng hết lần này đến lần khác) cũng khiến con chán học.

Một nguyên nhân khác cha mẹ cần chú ý đó chính là thái độ chưa đúng đắn của người giáo dục (chẳng hạn cha mẹ mắng thô bạo, lạnh lùng hoặc cưng chiều). Khi dùng biện pháp mạnh có thể khiến trẻ chuyển sự bất mãn đối với người giáo dục sang, từ bỏ việc học. Thái độ lạnh lùng khiến trẻ nảy sinh cảm giác lẻ loi trong học tập, khi gặp khó khăn không được giúp đỡ. Còn khi cha mẹ cưng chiều lại khiến trẻ lúc nào cũng được thỏa mãn, không cần dụng tâm làm gì, thiếu sự tư duy, kiên trì, nhanh nản lòng…

5 giải pháp giúp con thích học - ảnh 1
Ảnh minh họa

Seroto Foundation đưa ra 5 giải pháp giúp cha mẹ đồng hành, khiến con yêu thích việc học.

1. Giúp trẻ hiểu mục đích của việc học

Đầu tiên, chúng ta cần cho trẻ hiểu: Việc học là của con, học giúp con điều gì? Học giúp con trở thành người trưởng thành và tử tế, học để con thực hiện ước mơ, học giúp con tìm hiểu và khám phá thế giới,... Việc nhận thức đúng vô cùng quan trọng, đặc biệt là giai đoạn trước khi vào lớp 1.

2. Tạo hứng thú cho trẻ khi học

Cha mẹ, người giáo dục cần tạo hứng thú cho trẻ, kết hợp học mà chơi, chơi mà học. Cha mẹ chia nhỏ các mục tiêu học tập để trẻ thấy hứng khởi mỗi khi đạt được. Ví dụ, học toán không phải chỉ ngồi cộng, trừ nhân chia mấy phép tính khô khan mà ta có thể dùng các trò chơi, câu đố, hình ảnh trực quan như: Con gà, con chim, cái kẹo, đi chợ...). Để làm được điều này cha mẹ cần thấu hiểu trẻ để đưa ra những hoạt động phù hợp. Chẳng hạn, con năng động thì cha mẹ nên sử dụng các trò chơi động để con có thể hoạt động mà vẫn học được. Khi trẻ đạt được mục tiêu hay trẻ đã cố gắng hoàn thành mục tiêu (ngay cả khi trẻ chưa hoàn thành), cha mẹ nên ghi nhận những điều con đã nỗ lực, cố gắng để khích lệ, cổ vũ và thỏa mãn nhu cầu tự tôn của trẻ.

3. Tạo môi trường học tập tốt

Phương pháp tiếp theo là tạo môi trường học tập tốt bằng việc hạn chế những thứ làm trẻ xao nhãng, mất tập trung như môi trường ồn ào, hỗn loạn, nhiều thứ cám dỗ: Đồ chơi, tivi, điện thoại… Cha mẹ cũng cần nói với trẻ rõ ràng, học ra học, chơi ra chơi. Khi học thì con tập trung học cho tốt, sau khi học xong thì sẽ có thời gian nghỉ ngơi. Những người xung quanh cũng nên tôn trọng khi trẻ học, tránh làm ồn, ảnh hưởng tới môi trường học của trẻ.

4. Kịp thời lắng nghe, gỡ khó cho con

Cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện, lắng nghe trẻ để biết con có những khó khăn gì để kịp thời hỗ trợ (ví dụ như con có mâu thuẫn với bạn nên không có tâm trí nào để ngồi học; con không thích phương pháp dạy học nên không thích học môn này; hay dạng bài toán logic này là điểm yếu của con,...), từ đó có cách tháo gỡ phù hợp. Tránh vội vã “kết tội” ngay là con lười học, học kém... khi con có kết quả học tập chưa như mong muốn.

5. Cha mẹ thay đổi

Cha mẹ hay người giáo dục trẻ cần điều chỉnh tâm thế của mình. Chúng ta hãy giảm mong cầu, kỳ vọng và luôn tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ trẻ chứ không phải áp đặt, kiểm soát trẻ, để trẻ có tâm lý thoải mái nhất khi học, thấy được mình cần học. Từ đó, giúp trẻ tiến tới yêu thích việc học chứ không phải là bị ép học, bị áp lực.