Nghề chăn trâu làm giàu giữa phố

Admin
(PNTĐ) - Ở Hà Nội, chăn trâu ở thành phố nhàn hơn ở quê nhưng lại đem tới mức thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Nếu làm tốt có thể được người thuê trả thêm tháng lương thứ 13. Nhiều người thay vì phải đi làm những công việc tay chân vất vả đã chọn gắn bó hàng chục năm trời với việc chăn trâu thuê giữa lòng thành phố nuôi con ăn học.
Nghề chăn trâu làm giàu giữa phố - ảnh 1
Khu vực sông Hồng dưới chân cầu Long Biên tập trung hàng chục đàn trâu mỗi ngày, đi theo đó là những người làm nghề chăn trâu được trả lương từ  8 - 10 triệu đồng/tháng.

Nộp hồ sơ ngay dưới gầm cầu 
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Tiến (56 tuổi, ngụ huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) ngày nào cũng tất tả từ 6h sáng đi từ nhà tới chân cầu Long Biên, Hà Nội để đưa đàn trâu gần 150 con ra bãi sông Hồng cho ăn, trông coi. Công việc này đã gắn bó với vợ chồng ông suốt 15 năm qua và đem tới thu nhập nuôi sống cả gia đình. Nói về cơ duyên với nghề này, ông Tiến cho biết, bản thân đã từng trải qua nhiều nghề khác nhau như phụ hồ, ve chai… nhưng công việc bập bõm, thu nhập không ổn định. Trong một lần lang thang ở khu vực gần chân cầu Long Biên, ông Tiến nhìn thấy đàn trâu đông đúc mới “tiện miệng” hỏi thì được biết người chủ đàn trâu này đang có nhu cầu thuê người chăm sóc.

“Tưởng đó chỉ là câu chuyện đùa nhưng lại đem tới công việc cho vợ chồng tôi suốt 10 năm qua. Chủ đàn trâu là người kinh doanh, không có thời gian chăm sóc. Thời điểm tôi hỏi, người được thuê chăn trâu xin nghỉ việc về quê chăm người ốm. Khi nghe mức lương 5 triệu đồng/tháng ở thời điểm đó khiến tôi giật mình. Bởi đi phụ hồ vất vả cả tháng cũng chỉ thu nhập từng đó trong khi công việc chăn trâu nhàn hơn. Ban sáng lùa đàn trâu dọc bãi sông Hồng cho chúng ăn, trông coi không để mất con nào hay để chúng phá phách hoa màu của người dân. Khi thấy có điều gì bất thường thì gọi điện báo cho chủ và cùng phối hợp giải quyết”- ông Tiến chia sẻ.

Giá trị đàn trâu là rất lớn. Mỗi con bán ra thị trường từ 40 – 50 triệu đồng nên khi xin việc chăn trâu, vợ chồng ông Tiến cũng phải nộp hồ sơ. Người đàn ông này kể: “Hồ sơ cũng chỉ gồm sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương, giấy tờ tuỳ thân bản sao để chủ đàn trâu biết mình là ai, ở đâu để nếu có xảy ra vấn đề gì còn biết nơi tìm đến giải quyết. Khi ấy, vợ chồng tôi nộp hồ sơ cho chủ đàn trâu ngay dưới chân cầu Long Biên rồi nhận công việc luôn. Thấm thoắt cũng đã được 15 năm…” - ông Tiến kể.

Mức lương khởi điểm trong nghề chăn trâu của vợ chồng ông Tiến là 5 triệu đồng/người/ tháng. Trải qua 15 năm, hiện mức lương ấy đã tăng lên 10 triệu đồng đồng/người/tháng. Ngoài ra, vợ chồng ông cũng có thể kiếm thêm từ việc cho thuê trâu chụp ảnh. Bởi có rất nhiều cặp vợ chồng chọn khu vực cầu Long Biên làm nơi chụp ảnh cưới. Nhiều đôi rất hứng thú chụp ảnh chung với trâu, nhất là mấy chú trâu trắng đáng yêu. Có vài lần đàn trâu đã tắm sạch sẽ và cho cô dâu, chú rể mượn để chụp ảnh cưới. Xong việc họ bồi dưỡng cho chàng “mục đồng” ít tiền công. Đây cũng là nguồn thu nhập chính nuôi sống vợ chồng ông và 2 người con ăn học ở Thủ đô suốt những năm qua. 

Nghề chăn trâu làm giàu giữa phố - ảnh 2
Ngô Thị Hải (54 tuổi, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) gắn bó với nghề chăn trâu suốt 30 năm. Đàn trâu của bà hiện đã có số lượng hơn 200 con, hàng ngày được chăn thả dưới chân cầu Long Biên. 

Nói về đàn trâu mình đang chăn, ông Tiến cho biết: “Đây là nhóm trâu mới sinh sản, còn yếu nên không phải đi chăn xa, chỉ quanh quẩn gần khu chuồng. Chăn nhóm trâu này cũng rất nhàn nhưng cũng cần phải biết cách. Trâu ăn ở đâu là người luôn phải túc trực tại đó. Trong đàn trâu này có một số con rất dữ, có thể phá phách hoa màu, lều trại của người dân bất cứ lúc nào. Chính vì thế vợ chồng tôi phải chăn làm sao cho chúng ăn no, tắm sạch mà không làm ảnh hưởng đến ai. Thời tiết mùa đông lạnh, lại có nhiều ruồi, đàn trâu thường lười đi ăn, chỉ muốn nằm một chỗ. Nếu người chăn cứ mặc kệ thì trâu bị đói sẽ gầy, thậm chí ốm chết. Trâu phải được lùa đi ăn cho đủ số lượng cỏ, rồi tắm rửa mát mẻ trước khi về chuồng, như thế mới nhanh béo, nhanh được bán lấy thịt”.

Tại khu biệt thự Sudico Hoài Đức có giá hàng chục tỷ đồng mỗi căn bị bỏ hoang cỏ mọc um tùm nhiều năm nay cũng trở thành bãi chăn trâu lý tưởng cho nhiều người. Ông Nguyễn Đức, nhà ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức nhận thấy cơ hội nên đã bỏ ra gần 500 triệu đồng đầu tư mua đàn trâu hơn 100 con chăn thả ở khu vực này rồi thuê người chăm sóc suốt 3 năm qua. 

Ông Đức cho biết: “Thuê người chăn trâu không cần về ngoại hình hay giao tiếp mà chỉ cần họ chăm chỉ, có chút kinh nghiệm nhìn có thể đoán biết được con trâu là có thể đang bị mắc bệnh là được. Hàng tháng tôi phải thuê 2 người chia ca theo tuần để chăn trâu, mỗi người được trả lương 8 triệu đồng/tháng”.

Theo ông Đức, 3 năm qua ông đã “xuất” đi được 3 lứa trâu. Mức lợi nhuận sau khi trừ tất cả chi phí cũng được từ 400 - 500 triệu đồng mỗi năm. Ông Đức chia sẻ: “Nghề chăn trâu không khó nhưng không phải ai cũng làm được. Thứ nhất, nếu người nào không chịu khó thì không thì làm được vì chỉ cần lơ là là có thể để trâu đi lạc, mất một con thì có khi phải bỏ công nửa năm trời để đền. Từ lúc thả trâu ở đây, đàn trâu của tôi bị trộm 2 lần, mất 6 con trâu. Hôm đó mưa, trời chập tối, trâu ăn cạnh bờ sông, tôi thấy một chiếc xe tải đi vào nhưng lại chủ quan nghĩ là xe chở ống nước, ống điện nên thôi. Đi tìm đến tận 12h đêm mà không thấy trâu đâu. Thứ nữa là cả ngày chỉ có một mình, quanh quẩn với đàn trâu nên đòi hỏi người chăn phải chấp nhận điều này…”.
Ăn Tết cùng trâu
Cũng vì đặc thù công việc nên nhiều người chăn trâu dù đến ngày nghỉ lễ, Tết nhưng vẫn phải làm việc bởi “trâu bò đâu có Tết mà chúng chỉ biết đói và ăn”. Vợ chồng bà Ngô Thị Hải (54 tuổi, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) gắn bó với đàn trâu hơn 200 con suốt 30 năm qua thì cũng từng ấy năm cả hai vợ chồng đón Tết cùng đàn trâu. 

Nghề chăn trâu làm giàu giữa phố - ảnh 3

Công việc chăn trâu không vất vả nhưng đòi hỏi phải có sự tỉ mì, cần cù mới hoàn thành tốt công việc.

Vì số lượng đàn trâu đông, ngoài việc thuê 3 người chăm hai vợ chồng bà Hải còn phải trực tiếp làm việc cùng. Bà Hải nhớ lại: “Năm 1991, tôi vay được 1,8 triệu nên đã mua 1 con trâu cái, với ý định để đi cầy thuê cho bà con ngoài bãi. Nhưng không ngờ con trâu lái đó lại mắn đẻ, cứ sòn sòn. Có vốn, tôi tiếp tục mua thêm được 6 con trâu cái nữa. Từ con trâu cái ban đầu, tôi đã gây dựng được đàn trâu hơn 200 con như ngày nay. Sau tròn 30 năm làm cái nghề chăn dắt vất vả này, cuộc sống quả cũng có khấm khá. Con cái được học hành, mình thì xây được nhà cửa”.

Bản tính của trâu là hoang dã, lại không được xỏ mũi bằng thừng nên cứ mở chuồng ra là chúng thi nhau chạy. Nếu không đủ sức để chạy theo chúng hoặc đưa ra những mệnh lệnh để chỉ huy thì mỗi con sẽ đi một hướng, vô cùng khó quản. Mỗi buổi sáng đều vất vả mất hơn 1h đồng hồ lúc nào trâu ăn ổn định êm đàn rồi thì mình mới nhàn được. Chiều đến thì lại phải lo thu đàn về. Ngoài bãi sông nhiều bụi cây nếu một vài con nghé lạc đàn, lấp sau những đám bụi mình không tìm thấy thì đêm xuống sẽ nguy hiểm hoặc bị chó cắn hay bắt trộm.

“Từ ngày chăn trâu nhà tôi không bao giờ có nghỉ Tết. Ngày thường thì nhà tôi đều có 3 thợ chăn lương tháng 6 triệu, cơm nuôi. Nhưng Tết đến là họ về quê, có trả thêm tiền họ cũng không ở lại ăn Tết với mình. Vì thế mồng một Tết, tôi vẫn phải lùa trâu ra bãi cho chúng ăn cỏ. Với áp lực đàn lúc nào cũng khoảng trên dưới 200 con, nhất là lũ trâu lái có con nhỏ đang cho bú thì không thể nhốt chúng lại để mình chơi Tết được”- bà Hải kể

Nhìn đàn trâu đông đúc trước mặt, bà Hải cho hay: “Ngày mùa đông thì 9h sáng gia đình phải mở chuồng cho trâu đi ăn, khoảng 5h chiều là lùa trâu về, kiểm đếm xong xuôi cũng tối muộn. Đến đêm, người chăn còn phải thức để đi tuần mấy chập không sợ trộm vào bắt mất trâu. Kinh nghiệm nuôi đàn trâu lớn chỉ cần theo dõi nó sát sao hàng ngày, trâu ốm thì tự chữa, nếu nặng quá thì nên mời ngay các y bác sĩ về điều trị. Và trên hết là tấm lòng của người chủ đối với con trâu. Cũng nhờ con trâu mà làm nên sự nghiệp cho mình, nên mình phải coi nó là một người bạn thân thiết, lúc nào cũng gắn liền với mình. Tuy rằng nó là con vật, nhưng mình gần gũi nó, người chăn nói là trâu hiểu hết người chăn muốn chúng điều gì”.