“Bà đầm thép” nêu cách Nga đối phó với những thách thức của nền kinh tế

Admin
Các đối tác kinh doanh của Nga ở nhiều quốc gia khác nhau đang chịu “áp lực to lớn” nhưng một hệ thống thanh toán toàn cầu mới sẽ dần xuất hiện.

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) nói với các doanh nghiệp rằng họ nên sử dụng “các giải pháp đa lựa chọn” bao gồm tiền điện tử và các tài sản kỹ thuật số khác để tạo điều kiện thanh toán với các đối tác nước ngoài nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moscow theo sau xung đột Nga-Ukraine, EurActiv đưa tin hôm 4/7.

Theo cổng thông tin này, hoạt động thương mại đang bùng nổ của Nga với Trung Quốc, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác, vốn không áp đặt lệnh trừng phạt lên Moscow, đã gặp phải những trở ngại lớn trong vài tuần qua.

Các lệnh trừng phạt gần đây của phương Tây đã nhắm vào các tổ chức tài chính lớn của Nga, bao gồm Sở giao dịch Chứng khoán Moscow và “phiên bản Nga” của hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina thừa nhận rằng vấn đề thanh toán là một trong những thách thức chính đối với nền kinh tế Nga.

Thế giới - “Bà đầm thép” nêu cách Nga đối phó với những thách thức của nền kinh tế

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina. Ảnh: EPA-EFE

“Công nghệ tài chính mới tạo ra cơ hội cho các chương trình chưa từng tồn tại trước đây. Đây là lý do tại sao chúng tôi đã làm dịu đi quan điểm của mình về việc sử dụng tiền điện tử trong thanh toán quốc tế, cho phép sử dụng tài sản kỹ thuật số trong các khoản thanh toán đó”, bà Nabiullina cho biết khi phát biểu tại một hội nghị tài chính ở St. Petersburg.

“Các lựa chọn thay thế khác nhau đang được thảo luận. Các doanh nghiệp đã trở nên rất linh hoạt, dám nghĩ dám làm. Họ tìm cách giải quyết vấn đề này và thậm chí thường không chia sẻ chúng với chúng tôi”, bà Nabiullina, người thường được mệnh danh “cánh tay phải” của Tổng thống Nga Putin, cho hay.

Theo “bà đầm thép”, các đối tác kinh doanh của Nga ở nhiều quốc gia khác nhau đang chịu “áp lực to lớn” nhưng một hệ thống thanh toán toàn cầu mới không liên quan đến các tổ chức phương Tây sẽ dần xuất hiện, vì nhiều quốc gia cảm thấy dễ bị tổn thương khi chỉ sử dụng một hệ thống thanh toán quốc tế mà không có giải pháp thay thế.

Bà Nabiullina còn cho biết, Nga và các quốc gia khác trong nhóm BRICS đang thảo luận về hệ thống thanh toán BRICS Bridge, một hệ thống được thiết kế để kết nối hệ thống tài chính của các quốc gia thành viên. Nhưng bà nói thêm rằng các cuộc thảo luận rất khó khăn và sẽ mất thời gian để tạo ra một hệ thống như vậy.

Ông Andrei Kostin, người đứng đầu công ty cho vay lớn thứ hai của Nga VTB có các chi nhánh ở Thượng Hải bị trừng phạt, và đang ngồi cạnh bà Nabiullina, nói rằng mọi thông tin về cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho thanh toán quốc tế phải được pháp luật coi là “bí mật nhà nước” do tính nhạy cảm của nó.

“Tôi có thể thấy rất rõ rằng ngay lúc này ở đâu đó tại Đại sứ quán Mỹ, một quan chức đang ngồi viết ra mọi tuyên bố công khai của chúng tôi. Có lẽ người này thậm chí còn ngồi ở đây. Dù chúng tôi thực hiện những bước nào, chúng tôi có thể thấy rằng phản ứng từ các nước phương Tây rất nhanh chóng”, ông Kostin nói.

Nhóm BRICS gần đây đã mở rộng và hiện bao gồm 10 quốc gia. Các thành viên ban đầu – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – đã chào đón sự tham gia của Ai Cập, Ethiopia, Iran, UAE…

Minh Đức (Theo EurActiv, Bitcoin.comNews)