Bác sĩ cảnh báo các bệnh về da sau mưa bão
Trong và sau bão, do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh, nên tại những vùng bị ảnh hưởng bởi bão, người dân đang và sẽ phải đối diện với một số bệnh ngoài da như nấm kẽ chân, kẽ tay, ghẻ, viêm nang lông, viêm da tiếp xúc, nước ăn chân (do nấm ký sinh gây ra), mẩn ngứa...
Những bệnh nấm da thường gặp, bao gồm: Hắc lào, lang ben, nấm kẽ, nấm móng, nấm da đầu,...
Để giúp người dân chủ động triển khai các phương án phòng, chống bệnh về da trong tình huống mưa bão kéo dài để lại những hệ lụy không mong muốn. Đồng thời, nhằm giúp người dân trang bị kiến thức cần thiết để xử lý các loại bệnh về da cũng như các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện thời tiết hiện tại. PV đã có cuộc trao đổi với bác sỹ Ngô Thị Kim Hương của Phòng khám Da liễu bác sĩ Thái Hà (Hà Nội).
Qua trao đổi về hướng điều trị và phòng, chống các bệnh về da sau bão lũ, bác sỹ Ngô Thị Kim Hương cho biết: Cơn bão Yagi đã để lại hậu quả nặng nề cho người dân Hà Nội nói riêng và nhiều tỉnh thành miền Bắc nói chung. Sau bão là những đợt mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún... Bão lũ và những hệ lụy của bão đã tạo điều kiện “thuận lợi” để các mầm bệnh phát sinh và bùng phát. Ngoài các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, tả, lỵ, thương hàn, thì các bệnh Da liễu cũng tăng lên.
Trong những ngày qua, tại nhiều vùng trong khu vực Bắc Bộ, người dân đang phải đối diện với một số bệnh về da mới phát sinh, cũng như các bệnh da có sẵn bị nặng lên do mưa bão, ngập lụt, đi lại khó khăn gây cản trở việc thăm khám, điều trị các bệnh lý da mạn tính. Những bệnh về da thường thấy trong dịp này, bao gồm:
Nhiễm khuẩn da
Một trong các bệnh về da cần chú ý sau đợt mưa bão kéo dài này, đó là các bệnh nhiễm khuẩn da, như: Chốc, nhọt, viêm nang lông, viêm mô bào,... Bởi mưa lũ, ngập úng, điều kiện vệ sinh kém, da xây xát, cùng với hàng rào bảo vệ da bị tổn thương khi ngâm trong nước lâu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng ngoài da. Biểu hiện là da có các sẩn, cục sưng nóng đỏ đau, có thể có ngòi mủ hoặc bọng mủ, đóng vảy tiết.
Để điều trị, người dân cần dùng dung dịch sát khuẩn/ kháng sinh tại chỗ, trường hợp nặng cần dùng kháng sinh toàn thân. Cần vệ sinh cơ thể ngay khi có thể và luôn giữ khô da nếu được.
Nhiễm nấm da
Nấm da là căn bệnh phổ biến sau mỗi đợt mưa bão kéo dài. Đây là bệnh có thể lây truyền từ người sang người, nếu trong gia đình có người bị bệnh thì khả năng lây là rất cao nếu dùng chung đồ, ngủ chung hoặc không chú ý đến vấn đề vệ sinh cá nhân. Khi bị nhiễm nấm da, người dân cần tìm đến những chuyên gia Da liễu để được tư vấn và sử dụng thuốc đúng cách. Tốt nhất không nên tự ý mua thuốc về bôi hoặc uống, trong trường hợp xấu nhất chỉ khiến bệnh ngày càng nặng hơn.
Theo bác sỹ Ngô Thị Kim Hương, vị trí nhiễm nấm sẽ định hình các dạng thức nấm bàn chân, nấm bẹn, nấm thân mình, nấm bàn tay. Nấm bàn chân thường hay gặp ở kẽ ngón, có thể lan cả bàn chân. Triệu chứng là viêm đỏ, dày da vùng kẽ ngón chân hoặc toàn bộ lòng bàn chân hoặc xuất hiện mụn nước, bọng nước kèm ngứa nhiều. Nguyên nhân là mưa lũ, ngập lụt, người dân thường xuyên ngâm chân trong nước, nước bẩn làm gia tăng tỉ lệ nhiễm nấm bàn chân.
Nấm bẹn là nhiễm nấm ở da vùng bẹn. Triệu chứng là xuất hiện các mảng da đỏ, ngứa, tróc vảy, diễn tiến lan rộng dần, bờ thương tổn đỏ hoặc có mụn nước và có hình đa cung. Nguyên nhân là mùa mưa, lũ, lụt thì quần áo dễ ẩm ướt nên vùng bẹn vốn kém thông thoáng trở nên nóng ẩm hơn, là môi trường thuận lợi vi nấm phát triển.
Nấm thân mình biểu hiện là các dát, đám đỏ tròn, đa cung bong vảy, mụn nước, mụn mủ vùng rìa có thể ở bất cứ chỗ nào trên thân mình, thường gặp ở những vùng ẩm ướt. Do vậy vào mùa mưa lũ cũng sẽ dễ xuất hiện hơn.
Đối với những bệnh về nấm da, người dân cần chú ý đảm bảo sự khô ráo trên thân mình, chân, tay, vệ sinh sạch vùng da khi có thể. Điều trị bằng các thuốc bạt sừng, chống nấm dưới sự hướng dẫn và thăm khám của bác sĩ Da liễu.
Trong trường hợp ở lâu trong vùng lũ, lụt, mưa bão thì sau khi thoát khỏi tình trạng này, cần tắm sạch bằng xà phòng hoặc sữa tắm có tính chất axit một chút, làm khô ráo thân mình, nhất là các nếp gấp như kẽ chân, bẹn, nách. Nếu có các triệu chứng như trên liên hệ bác sĩ Da liễu gần nhất để khám và điều trị.
Bệnh ghẻ, chấy rận
Bên cạnh đó, người dân cần chú ý tới bệnh ghẻ, chấy rận: Do vệ sinh kém, môi trường sống chật chội làm gia tăng nguy cơ bệnh ghẻ, chấy rận và lây lan. Bệnh ghẻ do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei (còn gọi là cái ghẻ) gây ra. Bệnh ghẻ là các nốt đỏ, mụn nước ở các vùng nếp kẽ như: lòng bàn tay, kẽ tay, nách, bụng, vùng sinh dục,… và ngứa rất nhiều về đêm.
Bệnh ghẻ có tính lây nhiễm cao nên nhiều người trong cùng gia đình có thể bị bệnh. Bệnh gây ngứa rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày, có thể gặp các biến chứng như nhiễm trùng, chốc hóa. Để điều trị, người dân cần chấm dung dịch D.E.P, thuốc diệt kí sinh trùng, chống ngứa. Cần điều trị cho tất cả các thành viên trong gia đình. Khi dùng thuốc cần có sự tư vấn của bác sĩ Da liễu, nhất là khi dùng thuốc trị ghẻ trên diện rộng, tránh độc cho cơ thể.
Chấy rận do kí sinh trùng chấy (Pediculus humanus capitis) gây ra. Chúng thường xuất hiện ở da đầu, lông mày, lông mi và vùng lông trên cơ thể. Một số biểu hiện thường gặp như: Ngứa nhiều, vết cắn nhỏ, trứng chấy, chấy, rận trưởng thành. Điều trị bằng dầu gội/ thuốc xịt diệt côn trùng, dùng lược chuyên dụng loại bỏ trứng chấy và chấy trưởng thành ở tóc.
Viêm da tiếp xúc
Bác sỹ Ngô Thị Kim Hương cho biết, ở thời điểm sau bão lũ, người dân cần tập trung điều trị và phòng, tránh các bệnh viêm da tiếp xúc. Bởi nước lũ thường chứa các hóa chất từ các ngành công nghiệp hoặc hộ gia đình như chất thải, các kim loại nặng, chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu.
Viêm da tiếp xúc xảy ra khi da tiếp xúc với các chất có trong nước lũ, thường gặp ở các vùng da tiếp xúc trực tiếp với nước như chân, tay, ... với biểu hiện là các dát sẩn đỏ, có thể có mụn nước, sưng nề gây ngứa, rát và khó chịu nhiều cho người bệnh.
Việc sử dụng các chất sát khuẩn, tẩy rửa thường xuyên sau đợt mưa bão cũng làm tăng nguy cơ viêm da tiếp xúc ở những người có cơ địa dị ứng từ trước. Do đó, phương pháp điều trị bệnh này là dùng thuốc bôi tại chỗ, thuốc uống chống ngứa.
Phòng bệnh về da trong và sau mưa bão
Để phòng bệnh về da trong và sau mưa bão, người dân cần: Vệ sinh môi trường sống, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch; hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các nguồn nước bẩn, các nguồn nước tù đọng lâu ngày; mang các dụng cụ bảo hộ nếu phải đi vùng nước ngập; sau khi tiếp xúc với nước mưa, lũ, rửa lại bằng nước sạch, lau thấm khô, chú ý các nếp kẽ như kẽ ngón, nách, bẹn.
Người dân cũng cần lưu ý tránh tiếp xúc với nước lũ nếu có vết thương hở; rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch; làm sạch và băng kín vết thương bằng băng chống thấm nước để giảm nguy cơ nhiễm trùng; nếu vết thương bị mẩn đỏ, sưng tấy hoặc chảy dịch, nên đến khám hoặc tư vấn online hoặc tại cơ sở y tế gần nhất để được điều trị bệnh; làm sạch vùng cơ thể và để khô ráo ngay khi có thể nhất.
Hơn nữa, cần tăng cường sức khỏe, dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý nhằm có đủ sức đề kháng chống lại sự xâm nhập của bệnh. Khi có phát sinh dịch bệnh, nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị. Cần theo sát, nắm vững các thông tin về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và các hướng dẫn khác của các cơ sở y tế có uy tín.
Minh Châu