Những thành tựu trong phát triển nguồn lực văn hóa Thủ đô
PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổng kết, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu trong phát huy nguồn lực văn hóa nhiều năm qua, thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo Thành phố như: Chương trình phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015; hoàn thành quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Hà Nội đến năm 2020; triển khai thực hiện đề án xây dựng mô hình hệ thống thiết chế văn hóa Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020; xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030...
Đặc biệt, ngày 22/02/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 222/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội được định hướng phát triển trở thành “Trung tâm văn hóa lớn, tiêu biểu của cả nước và đặc sắc trong khu vực; có các công trình văn hóa lớn, ấn tượng, dân tộc và hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô Hà Nội và nước Việt Nam; hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và tinh hoa văn hóa truyền thống của Hà Nội được bảo tồn, phát triển và phát huy có hiệu quả; có nền văn hóa đặc trưng của Hà Nội, đa dạng, tiên tiến, hiện đại, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, tiêu biểu cho trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, có nếp sống văn minh, lối sống lành mạnh và mức thụ hưởng văn hóa phong phú ngày càng cao”.
Từ đây, thành phố Hà Nội đã tập trung các nguồn lực văn hóa phát triển đời sống văn hóa Thủ đô theo định hướng đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa Thăng Long, phát huy sự đa dạng, bản sắc độc đáo của các tiểu vùng văn hóa trong mối quan hệ thống nhất trong đa dạng, tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới đi đôi với việc mở rộng và chủ động trong giao lưu quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa Thăng Long, biến những tiềm lực văn hóa thành sức mạnh nội sinh góp phần phát triển toàn diện Thủ đô.
Việc ban hành, thực hiện hai Quy tắc ứng xử nơi công sở và nơi công cộng được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, góp phần bồi đắp nền tảng văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Các hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa… được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Với việc tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO năm 2019. Hà Nội tiếp tục có những bước phát triển mới trong huy động nguồn lực văn hóa vào phát triển kinh tế - xã hội, coi hội nhập là động lực của sự phát triển bền vững.
Xác định nguồn lực văn hóa là nguồn lực bền vững nhất trong phát triển kinh tế xã hội, những năm qua thành phố Hà Nội đã liên tiếp có những sản phẩm, thành tựu lớn về mọi mặt trong lĩnh vực văn hóa như: Du lịch Thủ đô tạo được nhiều đểm nhấn với nhiều sản phẩm du lịch mới, chất lượng trên cơ sở phát huy giá trị di sản văn hóa, đẩy mạnh khai thác giá trị di sản văn hóa kết hợp với tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế, phát triển du lịch hội nghị, thông qua đó quảng bá trên khắp thế giới hình ảnh về Thủ đô Hà Nội.
Năm 2023, riêng ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố Hà Nội), trong đó giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD (chiếm tỷ trọng 0,49% GRDP của thành phố Hà Nội). Hà Nội đón 21 triệu lượt khách, trong đó có gần 4 triệu lượt khách quốc tế (vượt kế hoạch năm), tăng 3.5 lần so với năm 2022 và 17.1 triệu lượt khách nội địa, tăng 19,1%. Tính đến năm 2023, cơ cấu kinh tế Thủ đô chuyển dịch nhanh chóng theo hướng gia tăng nhanh các ngành dịch vụ lên đến 65,13%...
Những “con số biết nói” này cho thấy, việc gắn kết hài hòa giữa phát triển văn hóa với kinh tế, từng bước phát huy những tiềm năng, thế mạnh văn hóa để chuyển hóa thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển của Thủ đô đã bắt kịp xu hướng phát triển kinh tế mới của nhiều quốc gia trên thế giới.
Đối diện với những thách thức
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng việc khai thác, phát triển nguồn lực văn hóa Thủ đô trong thời kỳ mới vẫn phải đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là thời kỳ sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi suy thoái, nhiều lĩnh vực phục hồi chậm.
Một trong những thách thức như PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết là do sự mở rộng diện tích, tăng trưởng dân số, giao thoa văn hóa lớn. Hà Nội được mở rộng có nhiều địa bàn rừng núi, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc ít người, vùng trung du, vùng bán sơn địa và quỹ đất lớn tạo điều kiện rất thuận lợi cho quá trình phát triển, hiện đại hóa một cách đa dạng, nhưng những sức ép về kinh tế, hạ tầng đô thị, hiện đại hóa nông thôn, thiếu vốn, thiếu sự quy hoạch đồng bộ, thiếu nhân lực… tạo ra những khó khăn lớn trong quá trình phát triển. Các khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị được mở rộng tạo nên một quá trình tụ cư, nhập cư nóng, gây mất cân đối nhiều mặt cả hạ tầng xã hội lẫn môi trường sinh thái nhân văn.
Sự phân hóa giàu nghèo, khác biệt về mức sống, hưởng thụ văn hóa có khoảng cách lớn. Sự tồn tại của các khu công nghiệp nước ngoài, các khu định cư cao cấp, các trường đại học và các trường đa cấp học quốc tế, quá trình nhập cư của người nước ngoài… tạo nên sự đa dạng của cộng đồng dân cư, nhưng cũng làm hình thành những thách thức.
Bên cạnh đó, sự pha trộn của văn hóa thời kỳ mở cửa và toàn cầu hóa đang diễn ra với một cường độ lớn, những khu vui chơi, nghỉ dưỡng, giải trí dành cho giới nhà giàu… đã tạo ra một hệ giá trị mới, trong đó giá trị vật chất và địa vị xã hội lấn át các giá trị khác. Quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa ở Hà Nội thời gian qua đã đem lại nhiều của cải xã hội, nhưng cũng tỷ lệ nghịch với việc mất đi nhiều truyền thống văn hóa nhân văn. Đây là quy luật của quá trình đô thị hóa và toàn cầu hóa. Cùng với đó, nỗi bức xúc vì giá trị thương mại lấn lướt mục tiêu văn hóa, tình trạng ứng xử thiếu chuẩn mực vẫn diễn ra, nhiều trường hợp đáng báo động.
TS. Nguyễn Thị Thanh Mai (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) bày tỏ: “Trước sức ép của quá trình đô thị hóa, nhiều nhà nghiên cứu băn khoăn, lo lắng trước một Hà Nội “nhếch nhác”, “lộn xộn”, đang mất dần bản sắc, những nét riêng có. Chính vì vậy, việc nhận diện các nguồn lực, phát huy những thế mạnh, những “đặc sản” riêng có của Hà Nội trong xây dựng, phát triển và lan tỏa thương hiệu, khơi gợi niềm tự hào là một trong những nhiệm vụ cấp bách được đặt ra”.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đang đặt ra cho Thủ đô Hà Nội nhiều vấn đề thách thức như các quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thực sự thấm sâu trong các tầng lớp nhân dân. Hiện nay, phát triển công nghiệp văn hóa chưa tương xứng với vốn tài nguyên hiện có; công tác quảng bá văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả cao. Văn hóa chưa thực sự trở thành nguồn sức mạnh, nguồn động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của Thủ đô.
Bài 3: Tìm giải pháp khai thác hiệu quả nguồn lực văn hóa