Bản tin 19/9: Từ 2025, các kỳ tuyển sinh riêng sẽ thay đổi thế nào?

Admin
Từ 2025, các kỳ tuyển sinh riêng sẽ thay đổi thế nào?; Kịp thời cứu 4 cháu bé người Lào ăn phải nấm độc...

Từ 2025, các kỳ tuyển sinh riêng sẽ thay đổi thế nào?

Bản tin 19/9: Từ 2025, các kỳ tuyển sinh riêng sẽ thay đổi thế nào?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Kỳ thi sẽ gồm 4 môn. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn lựa chọn nằm trong các môn học sinh được học, gồm Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn). Đây là lần đầu tiên môn Tin học, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp) trở thành môn thi tốt nghiệp.

Bộ GD&ĐT dự kiến việc xét công nhận tốt nghiệp THPT thay đổi theo hướng tăng tỉ lệ sử dụng kết quả học tập của học sinh ở lớp 10, 11 và 12 lên 50%.

Trong công thức tính hiện nay, kết quả học bạ chiếm 30% và chỉ dùng điểm lớp 12; 70% còn lại dựa vào điểm các môn thi tốt nghiệp THPT của thí sinh. Đạt từ 5 trở lên, thí sinh đỗ tốt nghiệp.

Dự kiến năm nay, để tổ chức thi đánh giá năng lực 2025 phù hợp với đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, các trường đại học điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng trong cấu trúc đề.

Trao đổi với VTC News, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, bài thi đánh giá năng lực (HSA) 2025 được điều chỉnh phù hợp với việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cấu trúc đề thi gồm ba phần: Toán học và Xử lý số liệu, Ngôn ngữ - Văn học, Khoa học. Cấu trúc này tương tự hiện tại, tuy nhiên phần Khoa học sẽ có nhiều lựa chọn, cách đặt câu hỏi cũng thay đổi.

Ông Thảo cho biết thêm, câu hỏi đề thi HSA có khoảng 75% là trắc nghiệm khách quan với 4 lựa chọn và 25% dạng điền đáp án.

Từ năm 2025, ngân hàng đề thi bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả phần thi, chủ đề thi. Câu hỏi chùm gồm đầu bài chung và các câu hỏi riêng phát triển đánh giá năng lực thí sinh từ cấp độ thấp đến cao. "Câu hỏi chùm sẽ khai thác nguồn dữ kiện phong phú, đánh giá tư duy học sinh theo từng lĩnh vực và xuyên lĩnh vực", ông Thảo nói.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia Tp.HCM thông tin, năm 2025, kỳ thi đánh giá năng lực tiếp tục được thực hiện theo hướng phát triển ổn định, căn cứ trên nền tảng của giai đoạn trước.

Kỳ thi sẽ tiếp tục được triển khai theo phương thức thi trắc nghiệm khách quan trên giấy, tổ chức đồng thời tại nhiều địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự. Cấu trúc đề thi được điều chỉnh phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo Sức khỏe & Đời sống mới đây, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 thông báo dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi riêng và sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển đầu vào hệ đại học.

Ngoài phương án tổ chức kỳ thi riêng, năm 2025, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tiếp tục xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp.HCM, Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM. Ưu điểm của các kỳ thi riêng này là tạo thêm cơ hội cho thí sinh trúng tuyển; đồng thời, cũng giúp các trường chủ động hơn trong việc lựa chọn sinh viên phù hợp.

Kịp thời cứu 4 cháu bé người Lào ăn phải nấm độc

Theo báo Nhân Dân ngày 18/9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La cho biết: Trạm xá Quân dân y hữu nghị Việt Nam-Lào tại xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vừa kịp thời hỗ trợ, sơ cứu ban đầu, cứu sống thành công 4 cháu bé người Lào bị ngộ độc nấm rừng.

Sau khi sơ cứu, các cháu bé được xe cứu thương của Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đưa ra Bệnh viện đa khoa Mộc Châu cứu chữa kịp thời.

Trước đó, vào hồi 15h ngày 17/9, Trạm xá Quân dân y hữu nghị Việt Nam-Lào có tiếp nhận ca cấp cứu gồm 4 cháu bé do ông Sồng A Chư, là ông ngoại của các cháu, trú tại bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, Mộc Châu, tỉnh Sơn La đưa đến…

4 cháu bé từ 2 tuổi đến 10 tuổi, cùng trú tại bản Muống, huyện Sop Bao, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Theo lời ông Sồng A Chư kể, do bố mẹ đi làm không ở nhà, nên các cháu đã lấy nấm trên nương về nướng ăn. Sau đó các cháu xuất hiện các triệu chứng nôn, tiêu chảy cấp, nên gia đình đã đưa các cháu xuống trạm xá dân y để cấp cứu.

Khi đến Trạm xá Quân dân y hữu nghị, các cháu có biểu hiện da tái nhợt, mắt lờ đờ, môi khô, thở gấp, nôn nhiều. Các bác sĩ trạm xá quân y và tổ quân y cơ động phục vụ chương trình giao lưu hữu nghị Quốc phòng Việt nam-Lào lần thứ 2 đã chẩn đoán ban đầu các bé bị ngộ độc nấm rừng.

Các bác sĩ đã làm các bước sơ cứu ban đầu đối với các cháu bé, báo cáo ban chỉ huy đồn và đưa các cháu bé đến Bệnh viện đa khoa Mộc Châu cấp cứu kịp thời.

Tại Bệnh viện đa khoa Mộc Châu, các cháu đã được cấp cứu, thông rửa dạ dày và truyền dịch, bù nước điện giải. Hiện các cháu đã qua cơn nguy kịch.

Việc làm trên của Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập càng thêm khẳng định tình quân dân nơi biên giới và tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào.

Sau vụ cơm giáo viên chỉ có 2 miếng chả: Lập đường dây nóng

Bản tin 19/9: Từ 2025, các kỳ tuyển sinh riêng sẽ thay đổi thế nào?- Ảnh 2.

Phần cơm 30.000 đồng của giáo viên Trường mầm non Ánh Dương được cho là nghèo nàn.

Mới đây, ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa ký văn bản gửi các phòng chức năng; UBND các xã, thị trấn; các cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc cung cấp đường dây nóng lĩnh vực giáo dục.

Theo đó, nhằm thực hiện tốt chủ trương, chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, luôn chú trọng "Giáo dục là quốc sách hàng đầu"; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục huyện Châu Đức, kịp thời biểu dương những gương điển hình tiên tiến cũng như xử lý những vấn đề tiêu cực, tồn tại, hạn chế, yếu kém... có liên quan đến công tác giáo dục, UBND huyện Châu Đức cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin liên quan đến lĩnh vực giáo dục.

UBND huyện Châu Đức công khai số điện thoại 0889886262, email: thuhang191@gmail.com để tiếp nhận các phản ánh về ngành giáo dục.

UBND huyện Châu Đức yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hoá và Thông tin, các cơ sở giáo dục trên địa bàn, UBND các xã, thị trấn thông báo rộng rãi đường dây nóng lĩnh vực giáo dục huyện để quý bậc phụ huynh, học sinh và người dân trên địa bàn huyện biết, phản ảnh cung cấp thông tin cho lãnh đạo UBND huyện xử lý kịp thời.

Ngoài ra, các đơn vị phải thường xuyên phổ biến cho công dân các quy định hiện hành về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để công dân tiện liên hệ.

Hà Nội: Huyện Mê Linh đấu giá 32 lô đất khởi điểm từ 21,7 triệu đồng/m2Hà Nội: Huyện Mê Linh đấu giá 32 lô đất khởi điểm từ 21,7 triệu đồng/m2ĐỌC NGAY

UBND huyện Châu Đức giao Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện phân công công chức thường xuyên tiếp nhận thông tin phản ánh của phụ huynh, học sinh, người dân có liên quan đến lĩnh vực giáo dục, phối hợp tham mưu lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo, xử lý kịp thời thông tin phản ánh.

Trước đó, vào chiều 17/9, ông Nguyễn Tấn Bản đã chủ trì tổ chức đối thoại với giáo viên, nhân viên Trường mầm non Ánh Dương (thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức) để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng sau những lùm xùm về bữa cơm trưa 30.000 đồng nhưng chỉ có cơm trắng, 2 miếng chả lụa và canh rau.

Trúc Chi (t/h)