Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

Admin
(Chinhphu.vn) - Ngày 20/8, tại Đà Nẵng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên".
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh- Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam hiện sở hữu 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản văn hóa vật thể và thiên nhiên, 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Trong tổng số 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, ở miền Trung-Tây Nguyên có 5 di sản, bao gồm: Nhã nhạc cung đình Huế (UNESCO ghi danh năm 2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ (2017) và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (2022).

Với 5 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trong hơn 20 năm qua, khu vực miền Trung-Tây Nguyên tự hào là một vùng đất hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa tinh thần vô giá của dân tộc. Trí tuệ, tâm hồn, sức sáng tạo của các cộng đồng dân cư, các tộc người sinh sống trên dải đất nhiều nắng gió này được kết tinh trong âm nhạc, trong các làn điệu dân ca, dân vũ, trong tinh thần gắn kết cộng đồng bền chặt …

Theo GS.TS Lê Văn Lợi, các địa phương sau khi đón nhận danh hiệu được UNESCO ghi danh về di sản, công tác bảo tồn và phát huy được quan tâm hơn bao giờ hết. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh không những được bảo vệ tốt mà đã trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu, dấu ấn riêng của địa phương có di sản, góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội.

"Tuy nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa. Vậy, làm sao để bảo tồn và tiếp tục phát huy các di sản văn hóa này khi mà các điều kiện xã hội đã và đang thay đổi nhanh chóng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa?", Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu vấn đề.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu đã cùng thảo luận làm rõ thực trạng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên, tổng kết những thành tựu đạt được, đặc biệt là thẳng thắn làm rõ những bất cập, hạn chế và xác định những vấn đề đặt ra cần giải quyết trong hiện tại và tương lai. Đồng thời tập trung vào những kiến nghị cho Đảng và Nhà nước về cơ chế, chính sách có tính đột phá nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả các di sản quý giá này, đóng góp vào sự phát triển bền vững vùng và cả nước.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Học viện Chính trị khu vực III cho biết, mới đây Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghị định 39 nêu rõ nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể là bảo đảm các di sản văn hóa phi vật thể được thực hành hướng con người, cộng đồng tới giá trị văn hóa tốt đẹp; giữ gìn bản sắc, hướng tới sự phát triển xã hội toàn diện; bảo đảm tôn trọng sự đa dạng văn hóa, vai trò của cộng đồng chủ thể và tính đặc thù của dân tộc, vùng miền. Di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng khắc nhau đều được tôn trọng như nhau.

Nghị định cũng nhấn mạnh ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền, di sản của cộng đồng dân tộc ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…; ưu tiên quyền quyết định của cộng đồng chủ thể vì sự tồn tại, thực hành lâu dài, liên tục của di sản.

"Nghị định 39 cũng quy định biện pháp và trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam. Các cơ quan, tổ chức, cộng đồng chủ thể của di sản và cá nhân có liên quan cần quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu của Nghị định này nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, trong đó có các di sản trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên", PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa đề nghị.

Nhật Anh

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Mì Quảng là di sản văn hóa phi vật thể quốc giaMì Quảng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Việt Nam - điển hình của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giớiViệt Nam - điển hình của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới