Khoảng cách thế hệ được xóa nhòa
Chị Tống Anh Thi - một kiến trúc sư đang sống và làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) bảo rằng, không biết cuộc đời đẩy đưa sao, mà bố mẹ mình có hai đứa con gái đều lấy chồng xa. “Nhiều khi một mình ở nơi xứ người, nhớ bố mẹ da diết, nhớ chảy nước mắt. Đôi khi chỉ là xem một thước phim ngắn, một đoạn video, tự nhiên liên tưởng đến bố mẹ, đến gia đình, cũng ngồi ôm gối khóc tu tu luôn. Vì vậy mà mình dần học cách trân trọng gia đình, nâng niu từng phút giây bên nhau”- chị Thi chia sẻ.
Sau vài năm không được gặp nhau vì dịch bệnh, cuối cùng họ cũng được đoàn tụ. Chị Thi kể, dù tối nào cũng gọi điện nói chuyện với bố mẹ, vậy mà khi gặp bố mẹ vẫn mừng mừng tủi tủi, ôm mẹ khóc sướt mướt. Và họ vừa cùng nhau trải nghiệm trong chuyến hành trình 9 ngày 8 đêm, cùng nhau khám phá những nơi mới, cùng có với nhau những trải nghiệm mới. “Từ Đài Bắc, TP Hồ Chí Minh, Huế, chúng mình bay về Hà Nội cùng nhau đi khám phá cung đường Hà Nội - Hạ Long - Sapa - Đà Nẵng. Những địa điểm tưởng chừng như quen thuộc, đã đi bao nhiêu lần rồi, mà đi với nhau vẫn vui như chưa từng được đi”- chị Thi hào hứng cho biết.
Gia đình chị Thùy Dung (làm việc trong lĩnh vực sách cho trẻ em tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng vừa trải qua những giây phút ý nghĩa và đáng nhớ. Người có công lớn nhất trong việc kết nối các thành viên lại chính là người nhỏ tuổi nhất trong nhà - cô con gái nhỏ của chị Dung. Chị kể: “Hồi mang bầu, mình tình cờ xem được một video về cuộc đua xe thăng bằng, khi đó mình đã bảo chồng nhất định sẽ cho con tham gia ít nhất một giải đấu để cho con trải nghiệm. Cứ thế, chúng mình đã đồng hành cùng nhau hơn chục giải đấu từ Nam ra Bắc rồi. Mục đích ban đầu khi con chơi xe thăng bằng ngoài để con khỏe và cao thì còn là cái cớ để ông ngoại con - bố của mình có cơ hội được đồng hành cùng cháu. Bởi bố mình ốm, nên việc đi lại cũng khó khăn với ông rồi”.
Chị Dung nhớ lại, giây phút cổ vũ cháu gái trên đường đua là những giây phút hiếm hoi bố chị cười tươi và hạnh phúc đến thế, sau thời gian dài điều trị. Thành tích của cháu gái không chỉ giúp ông ngoại khỏe ra, mà hành trình đồng hành cùng con, nhìn thấy sự tiến bộ của con cũng giúp vợ chồng chị Dung xích lại gần nhau hơn.
Từng suýt… mất hòa khí vì mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con cái, nhưng rồi chị Lê Mai (sống tại huyện Ba Vì) đã quyết định “mở lòng” trước với mẹ chồng. Lý do là vì một ngày, chị nhận ra mẹ chồng mình đã già đi nhiều, tóc mẹ bạc nhanh, tai đến độ nghễnh ngãng và thỉnh thoảng, chị để ý mẹ còn hơi lẫn! Chính vì vậy mà nhà cửa thi thoảng không còn được ngăn nắp, món ăn không còn được hấp dẫn, đồ đạc thì để lung tung. “Tự dưng thấy thương mẹ. Quả thực khi chịu mở lòng, mình cũng hiểu lý do mà mẹ cư xử như vậy. Mình không còn cảm thấy buồn bực khi có điều không vừa ý. Hai mẹ con cùng chia sẻ cho nhau nghe những câu chuyện trong quá khứ, hiện tại và những dự định tương lai. Rồi mình sinh bé thứ hai, mẹ con đã hiểu nhau rồi, cuộc sống cũng dễ chịu hơn”- chị cười.
Vì là gia đình nên ta chọn bên nhau
Khánh Linh (chuyên viên tư vấn sức khỏe) và chồng sắp được đoàn tụ sau 3 năm chồng cô đi tu nghiệp nước ngoài. Hai vợ chồng Khánh Linh gặp nhau qua một ứng dụng hẹn hò, nơi mà mọi người bảo rằng khó có thể trông chờ vào một tình yêu đích thực ở đó. “Vậy mà có 2 “kẻ ngốc” vẫn thử tìm xem liệu điều đó có trừ mình không. Và rồi, 2 “kẻ ngốc” ấy gặp nhau, yêu nhau, có với nhau một gia đình. Dù biết bao thăng trầm trôi qua, của một sự bắt đầu khó tin, một hoàn cảnh kỳ lạ nhưng đôi tay cả 2 vẫn chưa từng buông nhau ra”- Linh thừa nhận.
Có con trong lúc chồng đang đi học xa đã thử thách bản lĩnh của Linh. “Đó cũng là lúc 2 vợ chồng mình bắt đầu bất hòa, nguyên nhân có lẽ vì mọi thứ đến quá nhanh và đột ngột. Những thay đổi về sức khoẻ và tâm sinh lý khi mang thai, cộng với việc chẳng có chồng ở bên cạnh đã khiến mình tiêu cực đi rất nhiều. Suốt 1 quãng thời gian dài mình chỉ biết khóc và trách móc. Nhưng dù cho mình có trách móc, đòi chia tay thế nào, anh vẫn ở đó, chẳng bao giờ to tiếng hay nặng lời. Khi mình hỏi “Có bao giờ anh muốn chia tay không?”, anh đều trả lời “không, yêu mới ở lại chứ”. Mọi người thường bảo sao cô có thể một tay chăm con khi thiếu chồng bên cạnh, đó chính là do chồng cô đã luôn ở bên cạnh động viên, yêu thương hai mẹ con. “Thực sự, phải đến khi có gia đình, mình mới hiểu được nó thiêng liêng và cần được vun đắp từ cả hai như thế nào” - Linh kể.
Yêu nhau 6 năm, về chung nhà cũng được 3 năm và có một cô gái nhỏ, chị Vân Anh (sống tại quận Tây Hồ) cảm thấy ông trời đã ưu ái với mình, vì cho chị một người chồng ấm áp. “Hồi chưa cưới chồng, mình sợ nhất là Tết không còn ở nhà mình, sợ ở với toàn người lạ, sợ nấu cơm rửa bát, nên còn dùng dằng mãi, còn bắt chồng cam kết mỗi năm về một bên nội/ngoại. Vậy mà dù đã ba cái Tết mình không đón Giao thừa cùng gia đình, hai năm đầu có anh, năm nay còn bận trực, nhưng mình chưa bao giờ có cảm giác đang ở nhà người lạ cả. Bố mẹ chồng yêu thương, chồng thì thấu hiểu. Tuy nói ăn Tết nhà chồng, nhưng mình chỉ ở đến hết Mùng 1 là đã được anh đưa về ngoại chơi hết những ngày còn lại. Tuy nói Tết vẫn phải nấu cơm rửa bát, nhưng bữa sáng làm cơm cúng thì bọn mình ở nhà giúp mẹ, bữa chiều kiểu gì anh cũng lấy cớ đi bạn này bạn nọ rồi lôi mình ra ăn hàng, kiểu giải phóng lao động, mọi nỗi sợ xưa cũ cũng chả còn hiện hữu nữa”- chị Vân Anh kể.
Chồng chị Vân Anh là một bác sĩ. Đúng như câu nói “ghét của nào trời trao của ấy”, một người có tính sợ ở nhà một mình, sợ chồng đi trực, đi công tác xa như chị lại “vớ” ngay người chồng hội đủ các yếu tố ấy. “Vậy mà mình cũng ở bên anh bác sĩ này tới 6 năm rồi. Có em bé, chồng mình tìm thêm một cô tới phụ giúp công việc trong nhà, nên việc nhà cửa cũng không có gì vất vả. Chồng mình đúng là hay vắng nhà, nhưng vẫn không quên giờ này ở nhà vợ đang làm gì con đang chơi gì”- chị kể.
Hạnh phúc là điều mà mỗi gia đình luôn hướng tới. Để có thành quả ngọt ngào đó, mỗi thành viên trong gia đình phải cùng chung tay xây dựng bằng sự tin tưởng, tôn trọng, cùng nhau giải quyết mâu thuẫn gia đình, để rồi nắm tay nhau tiếp tục hành trình hạnh phúc.