Mục tiêu của Kế hoạch là phấn đấu đến cuối năm 2024 tỉ lệ phân loại CTRSH đạt 50%, đến cuối năm 2025 đạt 70%; trong đó, đối với các huyện đạt chuẩn bảo vệ môi trường (BVMT) nông thôn mới nâng cao, tỉ lệ phân loại CTRSH đạt 70% trở lên; các xã đạt chuẩn BVMT nông thôn mới nâng cao, tỉ lệ phân loại CTRSH đạt 50% trở lên.
Đến năm 2030, tiếp tục duy trì, mở rộng thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh đạt trên 90%; người dân có trách nhiệm cao về BVMT, không còn vứt rác ra nơi công cộng, đường, sông, rạch; xây dựng tỉnh Bến Tre xanh - sạch - đẹp.
UBND tỉnh Bến Tre đề ra các nhiệm vụ trọng tâm về: Phân loại CTRSH; tổ chức tuyên truyền, vận động; thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH sau phân loại; tăng cường phối hợp, kiểm tra đảm bảo tính đồng bộ trong thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Trong đó, tập trung tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của việc phân loại CTRSH tại nguồn nhằm nâng cao ý thức, hình thành thói quen của chủ nguồn thải; vận động thường xuyên, liên tục bằng hình thức phù hợp để người dân, hộ gia đình và các tổ chức thực hiện tốt phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định.
Để tổ chức thực hiện, Sở TN&MT Bến Tre có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định, chính sách phù hợp để triển khai Kế hoạch phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn đạt hiệu quả thiết thực; tổ chức triển khai phân loại rác thải tại nguồn đến các sở, ban, ngành, cấp huyện; tuyên truyền rộng rãi nội dung quản lý rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định, thực hiện phân loại rác thải; hỗ trợ về chuyên môn cho địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn theo yêu cầu, đảm bảo đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
UBND các huyện, thành phố có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hoặc chương trình tổ chức triển khai các nội dung, nhiệm vụ trong Kế hoạch này. Tổ chức triển khai phân loại rác thải tại nguồn đến các ngành huyện, xã; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn cho hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả; tăng cường đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển, điểm tập kết rác thải theo Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để từng bước đáp ứng lộ trình thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn của địa phương.
Các sở, ngành tỉnh chủ trì, phối hợp chính quyền địa phương triển khai, tuyên truyền, vận động thực hiện phân loại rác thải tại nguồn qua hoạt động quản lý của ngành; xúc tiến kêu gọi đầu tư các ngành, lĩnh vực liên quan đến tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sau phân loại tại nguồn. Riêng chủ nguồn thải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy định về phân loại CTRSH phát sinh theo quy định của pháp luật hiện hành và quy định của UBND tỉnh Bến Tre.
Trên địa bàn tỉnh Bến Tre, trong năm 2023, tổng khối lượng CTRSH phát sinh tại các hộ gia đình, cộng đồng dân cư khoảng 1.150 tấn/ngày. Lượng CTRSH phát sinh tại khu vực đô thị khoảng 340 tấn/ngày và tại khu vực nông thôn khoảng 810 tấn/ngày.
Khối lượng CTRSH được thu gom, vận chuyển đưa về cơ sở xử lý tập trung (bãi chôn lấp rác thải và nhà máy xử lý rác thải - XLRT) khoảng 400 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị khoảng 280 tấn/ngày, chiếm 82% và khu vực nông thôn khoảng 120 tấn/ngày, chiếm khoảng 14%.
Đối với khu vực nông thôn, phần lớn lượng CTRSH được thu gom và tự xử lý tại hộ gia đình đảm bảo đạt các yêu cầu về BVMT trong xây dựng nông thôn mới, với khối lượng khoảng 430 tấn/ngày, chiếm tỉ lệ khoảng 53%.
Thành phần CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh, gồm: Rác hữu cơ chiếm khoảng 73,7%, có độ ẩm lớn và khả năng phân hủy sinh học cao. Rác có thể tái chế, tái sử dụng (giấy, kim loại và các loại nhựa) chiếm khoảng 13,5%. Gạch, gốm, thủy tinh và các loại khác chiếm khoảng 12,5%. Chất thải chứa thành phần nguy hại (đồ điện gia dụng thải bỏ, pin thải, chai, lon thuốc diệt côn trùng…) chiếm khoảng 0,3%.
Công tác thu gom, vận chuyển CTRSH do các đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Trên địa bàn tỉnh có 11 trạm trung chuyển rác thải (10 trạm trung chuyển rác thải cho TP. Bến Tre và 1 trạm trung chuyển rác thải cho một số xã của huyện Châu Thành). Trong đó, có 5/11 trạm trung chuyển rác thải (chủ yếu của TP. Bến Tre) tiếp nhận rác thải vượt công suất thiết kế, chiếm 45%. Các huyện còn lại chưa đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển rác thải. Rác thải sau khi được thu gom, tập kết tạm thời tại các điểm tập kết rác thải trước khi vận chuyển về các cơ sở XLRT tập trung.
CTRSH trên địa bàn tỉnh chủ yếu được xử lý bằng biện pháp chôn lấp trực tiếp tại các bãi chôn lấp rác thải, chiếm tỷ lệ hơn 90%. Toàn tỉnh có 5 bãi chôn lấp rác thải đang hoạt động, gồm: 2/5 bãi chôn lấp rác cơ bản đáp ứng các yêu cầu về BVMT của bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh (bãi rác xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm có diện tích 1,3 ha, tiếp nhận và XLTR phát sinh trên địa bàn huyện, với khối lượng khoảng 30 tấn/ngày; bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri, có diện tích 7,8 ha đang tiếp nhận, xử lý từ 220 - 230 tấn rác thải/ngày). 3/5 bãi chôn lấp rác chưa đáp ứng các yêu cầu về BVMT, đang trong tình trạng quá tải, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nếu không được quản lý tốt, gồm: Bãi rác An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, diện tích khoảng 2 ha, tiếp nhận và xử lý khoảng 40 tấn/ngày. Bãi rác thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, diện tích khoảng 0,6 ha, đang tiếp nhận và xử lý khoảng 30 tấn rác thải/ngày. Bãi rác thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, diện tích khoảng 2 ha, tiếp nhận và xử lý khoảng 40 tấn rác thải/ngày.
NT