NSƯT Kim Tử Long là một trong những gương mặt gạo cội của làng cải lương Việt Nam. Anh đã có rất nhiều vai diễn để đời như Y Mây trong Y Ban và nàng tiên, Phan Lương trong Người đẹp bến Tiền Châu, Gia Đồng trong Nàng tiên Mẫu Đơn, Lữ Bố trong Phụng Nghi Đình...
Hiện tại, nam nghệ sĩ đang sống cùng vợ là Trinh Trinh - cháu gái của NSND Thanh Tòng. Ngoài hạnh phúc viên mãn, Kim Tử Long còn sở hữu khối tài sản khủng. Anh hiện đang sở hữu căn biệt thự rộng gần 300m2, có giá ước tính triệu đô tại huyện Bình Chánh, Tp.HCM. Ngôi nhà có 3 tầng, bể bơi riêng và vườn rộng, có gắn camera giám sát và bảo vệ 24/24.
Kim Tử Long xây ngôi nhà cách đây 8 năm từ tài sản tích cóp trong nhiều năm đi hát. Anh xây nhà rộng vì ngoài vợ con, trong nhà còn có con rể, cháu ngoại; thỉnh thoảng đại gia đình tụ tập tại nhà anh ăn uống, vui chơi.
Toàn bộ nội thất và thiết kế trong nhà đều được làm theo sở thích của Kim Tử Long từ màu tường tông xám trắng đến kiểu dáng cửa chính được thay đi thay lại nhiều lần. NSƯT Kim Tử Long từng chia sẻ, anh vẽ sơ lược trên giấy các phòng như: phòng khách thế nào, cầu thang ra sao... Sau đó đưa cho kiến trúc sư vẽ lại chi tiết và xây dựng.
NSƯT còn thiết kế riêng một không gian để bài trí các bằng khen, giải thưởng đạt được trong suốt thời gian hoạt động nghệ thuật. Ngoài ra, tại phòng khách còn có nhiều vật trang trí phong thủy mà anh yêu thích.
Trong nhà Kim Tử Long thích nhất nhà bếp và hồ bơi. Bếp được thiết kế tiện nghi, nhiều trang thiết bị hiện đại để anh có thể trổ tài nấu nướng khi rảnh. Kim Tử Long tin rằng mình thừa hưởng khiếu nấu ăn từ mẹ. Anh luôn nhớ hương vị thức ăn mẹ nấu cũng như những lần bà chỉ anh các chọn nguyên liệu, chế biến món ăn.
Nói về hồ bơi giọng ca sinh năm 1966 cho hay: “Mỗi lần các con tôi bơi là tụ tập thêm mấy đứa con của những người bạn khác. Hồ bơi nhỏ thôi, chỉ có mười mấy mét vuông mà mấy đứa nhỏ tụ tập lại vui lắm".
Chia sẻ thêm về niềm đam mê dành cho cải lương với MC Hoàng Rapper trong chương trình Gõ cửa nhà sao, NSƯT Kim Tử Long cho biết, năm anh học lớp 10, anh thường qua nhà của em trai NSND Minh Vương chơi, nghe các em trai của Minh Vương hát vọng cổ quá hay nên anh bắt đầu yêu thích, dù trước đó chưa biết cải lương là gì.
Sau những lần đi xem NSND Minh Vương hát ở rạp Lao Động, anh mới chính thức nghiện cải lương. Những câu vọng cổ đầu tiên của anh cũng là do em trai của NSND Minh Vương chỉ dạy.
Cũng vì quá mê hát nên Kim Tử Long thường xuyên trốn học để đi hát đám tiệc. “Mặc dù lúc đó chỉ ăn được tô phở thôi nhưng tôi thích lắm, toàn trốn học đi hát không. Khi nghe có tiệc là tôi giả vờ đi học, xong mang theo đồ để hát. Một thời gian sau cô giáo mới nói chuyện với gia đình và ba tôi đánh quá trời", nam nghệ sĩ tâm sự.
Kim Tử Long cũng cho biết, ba của anh là người miền Bắc, ông không thích cải lương nên cực lực phản đối việc con trai mê hát bỏ học. Để ba vui lòng, anh đi học trở lại, nhưng trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến ca hát.
Không còn "học lỏm" từ em trai của NSND Minh Vương nữa, anh lén ba mẹ đi học hát cải lương ở nhà thầy Út Trong – người thầy của rất nhiều nghệ sĩ tài danh như: Út Bạch Lan, Thanh Nga, Hữu Phước, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Tài Linh...
Mặc dù gia đình thuộc hàng khá giả, nhưng do học lén nên Kim Tử Long đã nghĩ ra việc đi bán bánh in để có tiền đóng học phí.
"Mỗi mâm bánh có giá vốn là 10.000 đồng, nếu bán hết thì tôi lời được 10.000 đồng. Tuy nhiên, “công việc kinh doanh” của tôi không được suôn sẻ lắm.
Trong một lần bưng bánh đi bán ngang cầu chữ Y, ngay lúc trời chuyển mưa, để bánh không bị ướt, tôi đội bánh chạy thật nhanh. Một cơn gió thổi qua, mâm bánh bay hết xuống sông. Kết quả là tôi mất luôn cả vốn", Kim Tử Long nhớ lại.
Sau lần kinh doanh thất bại này, anh lại bị ba phát hiện. Ba Kim Tử Long bình tĩnh trò chuyện với con trai, yêu cầu anh chọn giữa việc học và đi hát. Thấy con kiên định với ca hát, ông đành đồng ý cho anh thi vào trường Đào tạo diễn viên Nhà hát Trần Hữu Trang khóa II, cùng khóa với Thoại Mỹ, Ngọc Huyền, Quang Châu, Tô Châu...
Vì không muốn mất thời gian học hành, Kim Tử Long thi cử qua loa nhưng lại đạt điểm cao nhất trong gần 100 sĩ tử. Trong trường, anh được NSND Phùng Há hết lòng dạy dỗ, trao cho nghệ danh Kim Tử Long với ý nghĩa "con rồng vàng nhỏ bay trong bầu trời nghệ thuật".
Thập niên 1990 là thời hoàng kim của Kim Tử Long. Khi loại hình video cải lương nở rộ, Kim Tử Long từng trải qua những ngày chỉ xoay quanh ghi hình và ngủ.
Hiện tại, Kim Tử Long nhận định, khán giả thế hệ trước đã lớn tuổi nhưng luôn theo dõi, ủng hộ những người nghệ sĩ họ yêu thích. Đó là lý do nghệ sĩ cải lương gạo cội luôn có nhiều show diễn.
Quốc Tiệp (t/h)