Bi kịch hôn nhân lánh nạn

Admin
(PNTĐ) - Họ bước vào hôn nhân khi bản thân đang gặp…nạn, xem đó như một cách để cứu dỗi bản thân. Để rồi sau đó, những cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu, không được vun đắp từ hai phía đã trở thành bi kịch cho những con người trong cuộc.

1.

28 tuổi, Thuý đã hy sinh và cống hiến tất cả cho mối tình kéo dài 5 năm của mình. Đến năm thứ 6, Thuý yêu cầu bạn trai phải cưới vì cái thai trong bụng đã lớn. Mặt khác, Thuý không thể nghe anh ta tiếp tục đến bệnh viện như những lần trước, bởi theo lời bác sĩ thì lần mang thai này là cơ hội cuối cùng Thuý được làm mẹ. Chỉ một lần phá thai nữa, Thuý sẽ mất khả năng làm mẹ vĩnh viễn. Vì thế, Thuý đã giữ thai lại và buộc người yêu tính chuyện cưới xin để hợp thức hoá danh phận cho mẹ con cô. Khi thấy Thuý thúc ép quá, anh chàng người yêu sau nhiều lần trì hoãn đã tính đến phương án cuối cùng là... chuồn êm. Thuý bị bỏ lại với cái thai lớn dần từng ngày trong bụng.

Đang trong đau khổ thất vọng, Thuý gặp được một người đàn ông độ lượng và yêu cô thật lòng. Theo như lời anh ta nói thì đã yêu đơn phương Thuý mấy năm nay. Nay đúng lúc Thuý gặp nạn thì anh ta xuất hiện và nói lời cứu vớt. Thuý như chết đuối vớ được cọc, đồng ý cưới ngay lập tức khi anh nói sẽ coi đứa con trong bụng cô như con đẻ của mình. Thuý nghĩ, cứ cưới trước để có chồng mà sinh con đàng hoàng. Sau này sống được với nhau thì tốt còn không thì chia tay, khi ấy cô cũng không phải mang tiếng “không chồng mà đẻ”.

Bước vào hôn nhân chỉ để “lánh nạn” nên đương nhiên cuộc sống gia đình của Thuý gặp nhiều sóng gió. Vì không sẵn sàng để làm vợ, làm dâu, Thúy không để ý làm tốt bổn phận đó của mình. Sống chung với nhà chồng nhưng cô không quan tâm tới họ như dâu con trong nhà thật sự. Mọi việc ứng xử với bên chồng, cô để mặc chồng lo liệu. Cứ thế Thuý sống ngoài những quy tắc, thói quen và thậm chí là "luật lệ" của gia đình chồng. Vậy nên trong mắt họ, Thuý là cô con dâu sống không biết điều. Mâu thuẫn từ đó xuất hiện, chồng Thuý trở thành tâm điểm để bố mẹ trút mọi điều không hài lòng về con dâu.

 Một lần, hai lần đến lần thứ n thì chồng Thuý không thể chịu nổi. Anh bắt đầu lên tiếng về cách ứng xử của vợ và đòi hỏi cô phải thay đổi. Đến lúc này, Thuý cũng thẳng thắn bảo rằng lấy anh chỉ để “lánh nạn” nên cô chỉ có thể sống được như thế. Nếu cảm thấy bất hạnh quá thì hãy chia tay nhau. Chồng cô ngỡ ngàng vì sau bao nhiêu cố gắng anh vẫn không làm cho Thuý yêu và sống vì anh. Cô chỉ cần anh trong lúc khó khăn nhất mà thôi.

 Biết rõ hôn nhân không hạnh phúc nhưng chồng Thuý không muốn ly hôn. Anh không muốn mình thất bại sau khi đã yêu và sống hết mình cho Thuý. Cuộc sống của họ rẽ lối dần nhưng vẫn buộc phải chung giường, chung nhà. Đã thế mỗi lần về bên bố mẹ, cô còn bị họ cấm không được ly hôn. Bởi nếu cô phá bỏ cuộc hôn nhân ấy thì tìm đâu ra được một người chồng độ lượng và khoan dung như hiện tại. Thuý ngán ngẩm, “lánh nạn” chưa xong thì giờ lại phải quay sang “chịu nạn” trong cuộc hôn nhân không tình yêu.

Bi kịch hôn nhân lánh nạn - ảnh 1
Ảnh minh họa

2.

Mang khát vọng làm giàu ở trời tây nên đang học dở đại học trong nước, Phương nằng nặc đòi bố mẹ kiếm vốn đầu tư để cô sang Đức làm ăn. Nhìn bà chị họ chỉ mấy năm sang bên đó làm ăn chẳng những kiếm được nhiều tiền mà còn lấy được chồng giỏi. Bây giờ hai vợ chồng sống bên Đức, mỗi năm gửi về nước không biết bao nhiêu là tiền để đầu tư mua đất. Theo lời họ thì cứ làm ăn vài năm cho con cái học hành thành tài rồi về Việt Nam sống tuổi già sau. Lúc ấy tiền nhiều thì sống đâu chả sung sướng.

Mang giấc mơ làm giàu như chị họ, Phương bảo mẹ vay mượn để mình sang Đức làm ăn. Chiều con gái, lại sẵn có sự bảo lãnh của người chị họ, bố mẹ cô đồng ý vay tiền cho cô. Sang Đức chưa được đầy hai tháng thì Phương gọi điện về bảo đã lấy chồng ở bên đó. Bố mẹ cô chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra với con gái mình thì họ lại nhận được tin con gái mình đã mang thai.

Hoá ra, khi sang đến nơi, Phương cứ ngỡ được bà chị họ kiếm việc làm cho. Ai ngờ đúng thời điểm, công việc làm ăn của chị họ Phương gặp khó khăn phải tính chuyện về nước. Vừa mới sang chưa kiếm được đồng nào trả nợ chẳng lẽ lại quay về, mà có muốn về thì cũng chẳng lo nổi tiền vé, vậy là theo lời mai mối của chị họ, Phương đồng ý kết hôn với một anh chàng sang Đức làm ăn gần chục năm nay có kinh tế, có chỗ ở đàng hoàng.

Đang lúc bấn loạn, Phương chẳng nghĩ ngợi được gì nhiều đồng ý kết hôn ngay. Cưới về tháng trước, tháng sau cô có thai. Vậy là chỉ còn cách dựa vào chồng mà sống nơi đất khách quê người. Dẫu sao thì cô cũng còn may mắn chán vì đúng lúc gặp nạn thì có ngay chỗ để dựa dẫm, chứ nhiều người muốn được như Phương cũng chẳng có ai mà lấy. Cuộc hôn nhân của Phương đúng nghĩa là để “lánh nạn”.

Cuộc sống êm đẹp của Phương chỉ diễn ra thời gian đầu. Sau khi sinh con thì cuộc sống của Phương như rơi vào địa ngục. Vì kết hôn vội vã để có chỗ tựa nương khi lâm vào cảnh lang thang nơi đất khách quê người nên cô chưa có điều kiện và thời gian để tìm hiểu người lấy làm chồng. Hoá ra, cái gia tài mà anh ta có được sau gần 10 năm lao động làm ăn cật lực ở Đức một phần xuất phát từ bản tính keo kiệt mà có.

Không chỉ chi ly trong chi tiêu sinh hoạt, chồng Phương còn có tính coi thường vợ. Mang tiếng là có vợ con kề bên nhưng thỉnh thoảng chồng cô vẫn ra ngoài lăng nhăng với phụ nữ bên ngoài. Phương biết chuyện, tra hỏi thì anh ta thanh minh vì công việc nên phải quan hệ với những người phụ nữ đó. Nếu Phương không thích thì có thể đường ai nấy đi, vì hiện tại họ cưới nhưng chẳng có đăng ký kết hôn. Một mặt vì con, một mặt vì không có điều kiện để tự lập được nơi đất khách quê người nên Phương đành cam chịu cảnh sống “chồng chung”.

Để tự cứu mình Phương học cách làm ăn, tiết kiệm để kiếm được tấm vé về nước. Ba năm sau ngày xuất ngoại, Phương ôm con trở về trong nỗi ê chề. Gọi là có chồng có con nhưng ngày về nước nhà chồng Phương chẳng đến để nhận mặt con dâu. Sau khi Phương về nước không lâu thì chồng cô cũng về hẳn luôn. Anh yêu cầu mẹ con Phương phải về quê sống cùng gia đình chồng.

Vốn đã không còn tình cảm với anh chồng keo kiệt, lại phải mang mặc cảm không được nhà chồng chào đón nên Phương không muốn về. Hơn hai năm nay, Phương có chồng nhưng vẫn cùng con trai ở nhà bố mẹ đẻ, còn ở quê chồng Phương nghe đâu đã cưới vợ chính thức theo sự sắp đặt của bố mẹ.

Bi kịch hôn nhân lánh nạn - ảnh 2
Ảnh minh họa

3.

Hạnh phúc hôn nhân phải được xây đắp trên nền tảng tình yêu của hai người. Điều đặc biệt là mỗi một người khi bước vào cuộc sống ấy phải biết nghiêm túc nhìn nhận và trân trọng nó. Gia đình chỉ thật sự có hạnh phúc khi mỗi một chủ thể biết trân trọng, yêu thương và hi sinh vì nhau. Thiếu những điều ấy thì cuộc sống hôn nhân sẽ gặp vấn đề. Bởi vậy, tất cả các cuộc hôn nhân xuất phát từ sự tính toán, hay chỉ để tìm chỗ lánh nạn tạm thời thì sẽ không bao giờ có được hạnh phúc đúng nghĩa.

Có một thực tế mà nhiều người đã không ngờ đến bên cạnh nỗi đau khi phải sống cảnh “đồng sàng dị mộng” trong những cuộc hôn nhân danh nghĩa, là sự thiệt thòi của những đứa trẻ. Đã có những đứa con từ lúc sinh ra phải nhận sự ghẻ lạnh của bố và ông bà nội chỉ vì họ là những người có danh mà không có bổn phận đối với nó. Bởi mẹ nó chỉ tìm đến với những con người ấy trong lúc sa cơ lỡ vận. Cũng có những đứa trẻ có bố mẹ hẳn hoi nhưng phải chứng kiến cảnh bố mẹ mỗi người ôm ấp một hoài bão riêng, bởi giữa họ từ lâu đã không còn tình cảm chỉ vì con cái và sự nghiệp mà họ không nỡ phá bỏ cái vỏ của cuộc hôn nhân danh nghĩa.