Từ lễ hội dân gian tới di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý (xã Nhơn Lý, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) phát triển cùng với thăng trầm của vùng đất này gần 200 năm. Theo sử liệu, thôn Xương Lý trước năm 1815 chỉ là một xóm nhỏ bên bãi Nồm (còn gọi là Vũng Nồm), thuộc thôn Hưng Lương xã Nha Phiên, huyện Phù Ly. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839) mới lập làng Xương Lý, còn gọi là Vũng Nồm. Qua thăng trầm của thời gian, ngày nay vạn đầm Xương Lý chia thành 2 thôn là Lý Chánh và Lý Hòa (thuộc xã Nhơn Lý, Tp.Quy Nhơn) và có cùng chung một Lăng ông Nam Hải.
![Vũng Nôm - Vạn đầm Xương Lý nay thuộc 2 thôn Lý Hưng và Lý Hòa (xã Nhơn Lý) cùng thờ chung Lăng Ông Nam Hải. Ảnh: Nhơn Lý. Vũng Nôm - Vạn đầm Xương Lý nay thuộc 2 thôn Lý Hưng và Lý Hòa (xã Nhơn Lý) cùng thờ chung Lăng Ông Nam Hải. Ảnh: Nhơn Lý.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/9/01-1739107315153757754859.jpg)
Vũng Nôm - Vạn đầm Xương Lý nay thuộc 2 thôn Lý Chánh và Lý Hòa (xã Nhơn Lý) cùng thờ chung Lăng Ông Nam Hải. Ảnh: Nhơn Lý.
TS. Trần Văn Vinh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, một người am hiểu về đời sống, tín ngưỡng của ngư dân, chia sẻ: "Gắn liền với nghề sông nước, biển cả để mưu sinh, cộng đồng ngư dân vùng ven biển thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, bão lũ và cuộc sống gắn liền với tài nguyên của biển, cộng đồng cư dân ven biển luôn gửi niềm tin, cầu xin sự giúp đỡ từ các thần linh của biển và họ đã gửi niềm tin của mình vào Thần Ngư Nam Hải".
Theo TS. Vinh, quan niệm ăn sâu vào tiềm thức cho rằng, biển cả bao la mênh mông với bao nhiêu loài thủy, hải sản, trong đó có nhiều loài cá dữ. Riêng đối với Cá Voi (Cá Ông) là cứu người tai qua nạn khỏi.
![Lăng Ông Nam Hải tại Vạn đầm Xương Lý. Ảnh: Nhơn Lý Lăng Ông Nam Hải tại Vạn đầm Xương Lý. Ảnh: Nhơn Lý](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/9/10-17391077233022081827236.jpg)
Lăng Ông Nam Hải tại Vạn đầm Xương Lý. Ảnh: Nhơn Lý
Ông Nguyễn Kim Chức, một thành viên trong thực hành nghi thức tín ngưỡng Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý, Thư ký Ban vạn Lăng ông Nam Hải vạn Xương Lý, nói: ngư dân đi biển trong làng qua nhiều thế hệ đều kể rằng, khi tàu thuyền gặp mưa bão ở ngoài khơi, hoặc ngư dân rơi xuống biển thường hay có cá Ông cứu nạn. Cá Ông áp tựa lưng vào mạn thuyền làm cho thuyền khỏi bị sóng gió lật đổ, là điểm tựa cho người khi rơi xuống biển và đưa vào bờ cho đến khi sóng êm, gió nhẹ thì cá Ông quay lại biển.
Vì thế, ngư dân xem đây là sự cứu nạn, che chở, bao bọc của cá Ông khi ngư dân không may gặp phải thiên tai, gió bão trên biển. Bày tỏ sự biết ơn, ngư dân tôn thờ và phong vị Thần Ngư Nam Hải, tất cả các làng chài ven biển đều thờ có lăng Ông Nam Hải thờ phụng tôn nghiêm.
![Bình Định: Di sản lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý “sức sống mới” cho sản phẩm du lịch làng chài- Ảnh 3. Bình Định: Di sản lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý “sức sống mới” cho sản phẩm du lịch làng chài- Ảnh 3.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/9/07-1739107723272542721610.jpg)
Theo ông Nguyễn Thành Danh – Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, tính từ năm 1839 đến nay, Lăng Ông Nam Hải ở vạn đầm Xương Lý là nơi bảo tồn và lưu giữ di cốt và thờ cúng cá Ông, là chỗ dựa tinh thần của cộng đồng dân cư làng Xương Lý. Nơi đây, hàng năm diễn ra lễ hội cầu ngư vào ngày 10 tháng Giêng. Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý là cách mà ngư dân bày tỏ sự biết ơn, lòng thành kính, đồng thời gửi gắm những ước vọng của người dân làng biển, những người "ăn sóng, nói gió" một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.
Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý ngày nay được phục dụng đầy đủ các phần nghi lễ, cúng tế. Đan xen với phần nghi lễ là phần hội gồm các sinh hoạt dân gian truyền thống, đặc trưng của các ngư dân làm nghề biển như hát bả trạo; có những phần hội tạo không vui vẻ, náo nức như hô bài chòi, đua ghe, lắc thúng…
![Nghi thức tế lễ trong Lăng Ông Nam Hải. Ảnh: Nhơn Lý Nghi thức tế lễ trong Lăng Ông Nam Hải. Ảnh: Nhơn Lý](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/9/03-17391073151961883423197.jpg)
Nghi thức tế lễ trong Lăng Ông Nam Hải. Ảnh: Nhơn Lý
Theo ông Nguyễn Phương Nam – Phó Chủ tịch UBND Tp.Quy Nhơn, lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý với những nét đặc sắc, đặc trưng riêng đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2024.
![Đội bả trạo chuẩn bị vào hành lễ. Ảnh: Nhơn Lý Đội bả trạo chuẩn bị vào hành lễ. Ảnh: Nhơn Lý](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/9/02-17391073151891524619667.jpg)
Đội bả trạo chuẩn bị vào hành lễ. Ảnh: Nhơn Lý
Đây là một trong 22 lễ hội cầu ngư của tỉnh Bình Định đã được thực hiện điều tra, thống kê đưa vào danh mục lễ hội cầu ngư tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; đồng thời được tỉnh này định hướng, quy hoạch phát triển điểm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề, với hệ thống di sản biển đảo nằm trong tiến trình xây dựng Đề án phát triển Tp.Quy Nhơn thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
"Không gian sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư hòa quyện với kiến trúc độc đáo làng chài ven biển miền Duyên hải Nam Trung bộ là nét độc đáo riêng có của làng chài Nhơn Lý. Không gian văn hóa này, khéo léo đưa những sinh hoạt động sống thường thành những trải nghiệm, Nhơn Lý sẽ thu hút rất nhiều khách"- gợi mở của GS.Simon Milne (New Zealand) trong chuyến khảo sát làng chài năm 2o19 đang được chính quyền các cấp Tp. Quy Nhơn, ngành du lịch Bình Định và UBND xã Nhơn Lý từng bước thực hiện, nhờ đó du lịch Nhơn Lý ngày càng phát triển", ông Nguyễn Thành Danh- Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý.
Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý được bảo tồn và phát huy qua thời gian không chỉ thể hiện được sức mạnh mẽ của lễ hội này trong đời sống của cộng đồng cư dân làng biển. Từ một nét tín ngưỡng văn hóa dân gian, lễ hội cầu ngư trở thành một nét đẹp văn hóa bén rễ trong đời sống của người dân nơi đây, trở thành một ngày hội lớn để con em làng biển tề tựu.
![Làng chài Nhơn Lý được tô điểm bằng những con đường bích họa, thu hút du khách. Ảnh: Nhơn Lý Làng chài Nhơn Lý được tô điểm bằng những con đường bích họa, thu hút du khách. Ảnh: Nhơn Lý](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/9/05-1739107315316679911329.jpg)
Làng chài Nhơn Lý được tô điểm bằng những con đường bích họa, thu hút du khách. Ảnh: Nhơn Lý
"Tôi xúc động và tự hào khi lễ hội cầu ngư của quê hương Nhơn Lý được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để có được niềm tự hào này, chúng tôi và toàn thể bà con Nhơn Lý bày tỏ tấm lòng tri ân với những bậc tiền hiền, những nhà nghiên cứu, nghệ nhân… đã đóng góp quan trọng trong việc lưu giữ và phát huy giá trị tinh thần của lễ hội. Cùng với bà con nhân dân ở địa phương, chúng tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước quan tâm, đưa nét đẹp văn hóa của làng chài trở thành di sản vươn tầm quốc gia", nghệ nhân Nguyễn Kim Chức, nói.
![Thắng cảnh Eo Gió. Ảnh: Nhơn Lý Thắng cảnh Eo Gió. Ảnh: Nhơn Lý](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/9/06-17391073153461235141165.jpg)
Thắng cảnh Eo Gió. Ảnh: Nhơn Lý
Ông Nguyễn Phương Nam – Phó Chủ tịch UBND Tp.Quy Nhơn, cho hay, việc bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của lễ hội cầu ngư không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân vùng biển, mà qua đây tạo được sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc hấp dẫn cho Nhơn Lý.
Đồng thời, việc lễ hội được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc giá từng bước góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhân dân trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa.
![Lễ hội cầu ngư của làng chài Nhơn Lý thành di sản. Ảnh: Thu Dịu Lễ hội cầu ngư của làng chài Nhơn Lý thành di sản. Ảnh: Thu Dịu](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/9/11-1739108292665440600308.jpg)
Lễ hội cầu ngư của làng chài Nhơn Lý thành di sản. Ảnh: Thu Dịu
Chính quyền các cấp Tp.Quy Nhơn, xã Nhơn Lý tập trung xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát giá trị di sản; quy hoạch chi tiết khu vực Lăng Ông Nam Hải và vạn đầm Xương Lý, bảo đảm không gian tổ chức lễ hội được gìn giữ, tôn tạo phù hợp với cảnh quan môi trường và sinh thái.
Theo ông Nam, trong thời gian tới, các ngành, các cấp của Tp. Quy Nhơn và xã Nhơn Lý tăng cường kết nối lễ hội với du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, giới thiệu rộng rãi nét đẹp của lễ hội đến với du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là một trong những giải phải để di sản này "sống" và ngày càng lan tỏa hơn trong đời sống đương đại.
"Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã tạo thêm một sản phẩm du lịch văn hóa cho làng chài này. Nhơn Lý được biết đến là điểm du lịch cộng đồng, điểm du lịch xanh với những thắng cảnh nổi tiếng như Kỳ Co – Eo Gió, kiến trúc làng chài đậm nét, bây giờ lại có thêm di sản văn hóa để tăng thêm trải nghiệm cho du khách", ông Nguyễn Hữu Đảo – Giám đốc Công ty Khánh Anh Travel (Nhơn Lý) bày tỏ.
![Bình Định: Di sản lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý “sức sống mới” cho sản phẩm du lịch làng chài- Ảnh 9. Lễ hội cầu ngư 200 năm tuổi ở Bình Định trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/7/cau-ngu1-1738906290757984387236-0-0-1250-2000-crop-17389066150151053491814.jpg)