Bình Định ứng phó hiểm họa bão lũ (kỳ 1): Ngăn "điểm nóng" sạt lở

Admin
Đầu mùa bão lũ năm 2024, nhiều địa phương miền Bắc gánh chịu thiệt hại nặng nề do bão đổ bộ, lũ dữ hoành hành. Trước diễn biến khôn lường của thời tiết, Bình Định xác định phương châm “phòng hơn chống”, đẩy mạnh loạt giải pháp đồng bộ, tăng cường chủ động ứng phó thiên tai, rà soát loạt điểm nóng sạt lở…

Dân cảnh giác, chính quyền không lơ là

Hằng ngày, ông Nguyễn Ngọc Phương, một hộ dân ở thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đều cập nhật thông tin thời tiết trên địa bàn và tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Bắc. Căn nhà ông Phương nằm gần dưới chân núi Cấm, một trong những "điểm nóng" nguy cơ về sạt lở trên địa bàn nên người dân càng cẩn trọng.

Khu vực núi Cấm (xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ảnh: Thu Dịu

Khu vực núi Cấm (xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ảnh: Thu Dịu

Ông Phương bảo: "Gia đình tôi ở trong khu vực bị ảnh hưởng sạt lở của núi Cấm. Từ sau đợt sạt lở năm 2021 đến nay, người dân ở đây đã chủ động, theo dõi thời tiết, diễn biến mưa lũ để di dời khi có thông tin. Như nhà tôi, khi có mưa lớn thì di dời tới khu vực trường tiểu học Cát Thành – điểm trường Chánh Thắng".

Theo UBND xã Cát Thành, hiện có gần 100 hộ dân sống gần dưới chân núi Cấm. Trận mưa lớn năm 2021 làm sạt lở núi, đất đá tràn vào nhà dân; 64 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm. Hiện tại, UBND huyện Phù Cát đang triển khai xây dựng khu tái định cư. Dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024 để bố trí cho người dân ở vùng sạt lở. Cùng với việc xây dựng tái định cư, huyện và xã có phương án khoanh vùng các hộ dân theo từng cấp độ thiên tai để bố trí di dời phù hợp.

Điểm trường tiểu học Cát Thành - nơi được bố trí di dời dân khi mưa lớn xảy ra. Ảnh: Thu Dịu

Điểm trường tiểu học Cát Thành - nơi được bố trí di dời dân khi mưa lớn xảy ra. Ảnh: Thu Dịu

Theo ông Phạm Dũng Luận – Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, giải pháp trước mắt là theo dõi, chỉ đạo tùy theo từng cấp độ để thực hiện dời dân; đẩy nhanh tiến độ xây dựng tái định cư. Khu vực thôn Chánh Thắng thường xuyên xảy ra ngập lụt, chia cắt. Do đó, ngay từ đầu mùa, huyện đã giao xã chuẩn bị sẵn phương tiện, vật tư, lương thực dự trữ...

"Về lâu dài, huyện chuyển đổi chức năng rừng sản xuất sang rừng phòng hộ ở khu vực núi Cấm. Đồng thời, sau đợt sạt lở tháng 11/2021, huyện cấm khai thác rừng ở khu vực này", ông Luận thông tin thêm.

Núi Cấm, Phù Cát chỉ là một trong số loạt "địa chỉ đỏ" nguy cơ sạt lở được ngành chức năng tỉnh Bình Định đưa vào diện ứng phó đặc biệt trước mỗi mùa mưa bão. Ngoài ra, có thể kể đến Hòa Sơn, Trang Dài (huyện Tây Sơn), khu vực núi đá ở Trà Cong (huyện An Lão), hay một số khu vực dọc bờ sông Kim Sơn ở huyện Hoài Ân... đã gây bất an trong nhân dân.

Tỉnh Bình Định chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ khu tái định cư cho người dân vùng thiên tai. Trong ảnh: Khu tái định cư ở xã Cát Thành phục vụ di dời gần 100 hộ dân  dưới chân núi Cấm. Ảnh: Phúc Thắng

Tỉnh Bình Định chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ khu tái định cư cho người dân vùng thiên tai. Trong ảnh: Khu tái định cư ở xã Cát Thành phục vụ di dời gần 100 hộ dân dưới chân núi Cấm. Ảnh: Phúc Thắng

Theo thống kê của Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh Bình Định, toàn tỉnh có khoảng 90 điểm nguy cơ sạt lở.

Trong đó, 15 điểm thuộc diện báo động đỏ. Cụ thể: khoanh vùng 15 điểm sạt lở nguy cao, ưu tiên di dời khi có mưa lớn, cụ thể: Huyện Hoài Ân 4 khu vực: Khu vực thôn Bình Hòa Bắc, xã Ân Hảo Đông; Khu vực thôn Đồng Nhà Mười, xã Ân Sơn; Khu vực điểm cao 182, thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa; Khu vực điểm cao 318, thôn Nhơn Sơn, xã Ân Nghĩa; Huyện An Lão 3 khu vực: Khu vực núi Đá, thôn Trà Cong, xã An Hòa; Khu vực núi Đá Chồng, thôn Vạn Long, xã An Hòa; Khu vực thôn 2 (làng cũ) xã An Toàn; Huyện Vĩnh Thạnh 2 khu vực: Khu vực thôn 3, xã Vĩnh Kim; Khu vực điểm cao 130, thôn Đắk Tra, xã Vĩnh Kim; Tp. Quy Nhơn 2 khu vực: Khu vực núi Một, khu phố 1, phường Đống Đa; Khu vực hóc Bà Bếp, tổ 27, khu phố 5, phường Đống Đa; Huyện Phù Cát 4 khu vực: Khu vực núi Gành, thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh; khu vực núi Cấm, thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành; khu vực vùng núi Đèo Chánh Oai xã Cát Hải; khu vực Đèo Tân Thanh xã Cát Hải.

Khu vực sạt lở ở phường Đống Đa, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Khu vực sạt lở ở phường Đống Đa, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - một trong những điểm sạt lở đáng báo động. Ảnh: Thu Dịu


Năm 2024, Bình Định được cảnh báo là năm có thiên tai bất thường. Mùa khô cảnh báo nắng nóng, hạn hán thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, xâm nhập mặn. Mùa mưa sẽ xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tỉnh Bình Định từ 1-2 cơn; tập trung mưa vào tháng 10-11, có khả năng xảy ra 4-5 đợt mưa lớn trên diện rộng. Lượng mưa tháng 10 khoảng 435-707mm, tháng 11 khoảng 450-775mm (mưa cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 20-30%). Tháng 12 tiếp tục có mưa và cao hơn trung bình nhiều năm. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã lên phương án chủ động phòng ngừa, kéo giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Sẵn sàng từ phương án đến thực tế ứng phó

Ông Trần Văn Phúc – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, kiêm Phó Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh cho hay, trong chuyến kiểm tra thực tế công tác PCTT năm 2024 tại huyện 4 huyện, thị xã ở phía Bắc (Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão và thị xã Hoài Nhơn), tỉnh Bình Định đã đặc biệt lưu ý với các điểm nguy cơ sạt lở cao ở nơi đây.

Theo ông Phúc, khi có mưa, trận đầu tiên với cường độ đạt 100mm/24 giờ thì quyết định sơ tán dân vùng có nguy cơ sạt lở đến ở xen ghép với hộ gia đình được đánh giá an toàn với thiên tai cho đến khi kết thúc mùa mưa. Các tuyến giao thông qua vùng nguy cơ sạt lở, có rào chắn cảnh báo, không cho phương tiện lưu thông. Tuyến đường đang thi công cần phải di chuyển con người đến nơi thật sự an toàn.

Đoàn công tác do ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, Phó Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh kiểm tra chuẩn bị PCTT ở các địa phương trước mùa mưa lũ năm 2024. Ảnh: NT

Đoàn công tác do ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, Phó Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị PCTT ở các địa phương trước mùa mưa lũ năm 2024. Ảnh: NT

Ông Võ Duy Tín – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho hay, ngoài công tác chuẩn bị chung, huyện tập trung chú trọng vào các điểm sạt lở để di dời dân tới nơi an toàn.

Trong khi đó, huyện Phù Cát là địa phương xảy ra liên tục các vụ sạt lở núi trong thời gian qua, trong đó đỉnh điểm là vụ sạt lở núi Cấm (xã Cát Thành) và núi Gành (xã Cát Minh). Trước tình hình này, chính quyền các cấp huyện Phù Cát và hai xã Cát Thành, Cát Minh đã lên phương án di dời dân khi có mưa lớn.

Khu vực có nguy cơ sạt lở địa bàn huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Ảnh:PT

Khu vực có nguy cơ sạt lở địa bàn huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Ảnh: PT

Tương tự, UBND huyện Tuy Phước, trong mùa mưa năm nay có kế hoạch sớm tổ chức di dời 9 hộ dân xã Phước Hòa và 14 hộ dân xã Phước Thắng đến nơi ở mới do các hộ dân nằm hạ lưu 3 cầu Phước Thắng và 2 cầu Phước Hòa. Ngoài ra, huyện sớm bổ sung thêm các khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở đất ở núi Hòn Vồ thuộc thị trấn Diêu Trì, núi Ký Sơn thuộc xã Phước Sơn, Phước Thuận để có kế hoạch di dời trong mùa mưa lũ.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, từ năm 2023, tỉnh Bình Định triển khai xây dựng phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh Bình Định với 7 kịch bản ứng phó với thiên tai, trong đó có 3 kịch bão ứng phó với bão, 4 kịch bản ứng phó với lũ. Năm 2024, tỉnh Bình Định chính thức vận hành phần mềm quản lý thiên tai toàn tỉnh, dựa trên số liệu chung của các địa phương.

Người dân chủ động di dời, bảo vệ tài sản khi mưa bão lớn. Ảnh: Thu Dịu

Người dân chủ động di dời, bảo vệ tài sản khi mưa bão lớn. Ảnh: Thu Dịu

Theo đó, các kịch bản này được xây dựng trên cơ sở dữ liệu điều tra khảo sát của 402.460 hộ gia đình (khoảng 1.478.043 người); công tác ứng phó với thiên tai, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, lương thực, thực phẩm, điểm sơ tán… Công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai được tổ chức thực hiện đồng thời các nội dung của từng phương án liên quan. Cùng với đó, tỉnh Bình Định quán triệt và thực hiện các hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ" gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

Bảo đảm nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả sau thiên tai. Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong hoạt động phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh và ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.

Nếu chính quyền chủ quan trong công tác PCTT, người dân cũng sẽ chủ quan. PCTT là trách nhiệm của tất cả mọi người. Nếu phòng chống tốt, chúng ta sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh.

Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo PCTT năm 2024 của tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh yêu cầu các địa phương, ngành chức năng, trước 30/9 phải tổng kiểm tra toàn diện để chủ động phòng ngừa khi thiên tai xảy ra.

Đặc biệt, năm nay Bình Định vận hành phần mềm quản lý thiên tai của tỉnh, kích hoạt theo từng kịch bản của thiên tai. Đồng thời, người đứng đầu tỉnh Bình Định, nhấn mạnh, về các biện pháp ứng phó với mùa mưa bão đã đến, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh 3 bước quan trọng để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai có thể gây ra đó là chủ động các biện pháp phòng trước thiên tai, chống khi thiên tai xảy ra và khắc phục hậu quả sau thiên tai.

(còn tiếp)