Bộ GTVT đề xuất cấp giấy phép cho hãng bay của ông Jonathan Hạnh Nguyễn

Admin
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo.

Bộ GTVT nhận định, đối với thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, xuất phát từ năm 1991, tổng thị trường hàng hóa Việt Nam đạt 18.384 tấn.

Sau hơn 30 năm phát triển, thị trường vận tải hàng hoá Việt Nam đã có bước tăng trưởng nhảy vọt với sản lượng năm 2021 đạt 1,3 triệu tấn và dự kiến đạt hơn 1,52 triệu tấn vào năm 2022, tăng gần 83 lần so với năm 1991 và 21,2% so với năm 2019; đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trung bình cả thời kỳ 1991-2022 là 15,3%/năm.

Hiện, cả nước có 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách và chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng.

Trong khi đó, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam chỉ đạt 18% năm 2019 và giai đoạn 2020-2021 chỉ đạt 11% thị phần hàng hoá quốc tế.

Tại thời điểm hiện tại, thị trường hàng hoá quốc tế của hàng không Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác tàu bay chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam.

Trong thời gian qua, do số lượng các chuyến bay chuyên chở hành khách kết hợp hàng hoá giảm mạnh trong khi nhu cầu vận chuyển tăng cao nên giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt từ 3 – 4 lần, thậm chí từng thời điểm, từng thị trường, giá cước tăng 5 – 6 lần so với thời điểm trước dịch COVID-19.

Kinh tế vĩ mô - Bộ GTVT đề xuất cấp giấy phép cho hãng bay của ông Jonathan Hạnh Nguyễn

Hiện nay Việt Nam chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng.

Trong bối cảnh đó, Bộ GTVT nhìn nhận, việc Công ty cổ phần IPP Air Cargo ra đời nhằm mang lại dịch vụ vận tải hàng hóa chuyên biệt và chất lượng cho khách hàng, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành logistics Việt Nam là phù hợp với các mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 4/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ (mục tiêu theo Quyết định số 318/QĐ-TTg là phát triển đội tàu bay chở hàng hóa khoảng 8 - 10 chiếc).

“Hãng hàng không chuyên chở hàng sẽ góp phần thúc đẩy vận chuyển hàng hóa của các hãng hàng không Việt Nam tăng trưởng 10-15%/năm. Dự kiến sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Công ty cổ phần IPP Air Cargo sẽ tăng dần trong các năm, với tỉ lệ tăng trưởng bình quân năm dự kiến là 18%-20%”, văn bản của Bộ GTVT nêu.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng xét đến bối cảnh sự tham gia của Việt Nam vào “Bầu trời mở ASEAN” - hiệp định về tự do hóa vận tải hàng không có hiệu lực từ năm 2015 giúp xóa bỏ kiểm soát giá cước, tần suất và khả năng thực hiện các chuyến bay trong khu vực, tăng cạnh tranh và sự lựa chọn cho hành khách.

 Điều này tạo nhiều cơ hội cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo mở rộng thị trường, hội nhập trong khu vực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hãng. Bên cạnh đó, tạo ra một nguồn thu hút ngoại tệ cho đất nước, từ điểm đến các hubs (trung tâm trung chuyển giao dịch hàng hoá quốc tế) sẽ tạo nên thông thương hàng hóa và tạo nhiều cơ hội phát triển kinh tế địa phương.

Đồng thời, với quan điểm “tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam cùng phát triển, đẩy mạnh khai thác thị trường vận chuyển hành khách, hàng hóa nội địa và quốc tế”, Bộ GTVT nhận định: Công ty cổ phần IPP Air Cargo là một hãng hàng không của Việt Nam với mục tiêu mang lại chuyến bay an toàn, giá cả hợp lý, nâng cao trải nghiệm khách hàng và thúc đẩy thị trường vận chuyển hàng không phát triển, nâng tầm khu vực.

Căn cứ đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa của Công ty cổ phần IPP Air Cargo đã đảm bảo về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa được quy định tại Điều 5, 6, 7, 8, 9 của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 11/12/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không.

Hồ sơ cũng đảm bảo về thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa được quy định tại Điều 10 của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 11/12/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không. Cục Hàng không Việt Nam đánh giá hồ sơ của Công ty cổ phần IPP Air Cargo là đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại Khoản 7, Điều 1 của Nghị định số 89/2019/NĐ-CP.

Công ty cổ phần IPP Air Cargo có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và đầu tư Tp.HCM cấp lần đầu vào ngày 10/3/2021, có ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng hóa hàng không. IPP Air Cargo có vốn tối thiểu 300 tỷ đồng, trong đó, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) góp 210 tỷ đồng (70%), còn Công ty TNHH Thương mại Duy Anh, bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông Nguyễn William Hiếu - vợ và con ông Johnathan Hạnh Nguyễn - mỗi bên góp 10%.

Theo đề án thành lập hãng hàng không chuyên chở hàng hóa IPP Air Cargo trình lên cấp thẩm quyền, IPP Air Cargo dự kiến khai thác bằng máy bay Boeing 737, Boeing 777, Airbus A330 với 5 chiếc trong năm đầu tiên khai thác và tăng dần thành 10 chiếc trong 5 năm tiếp theo.

Trong năm đầu tiên, mỗi máy bay sẽ đỗ qua đêm tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cần Thơ.