Bố mẹ đau đầu, gia đình đảo lộn khi con nghỉ hè

Admin
(PNTĐ) - Làm thế nào để trông con, quản con, không để con đắm chìm trong game, tivi, mạng xã hội... là những bài toán nan giải cho các bậc phụ huynh mỗi dịp hè về.

Loay hoay trông con nghỉ hè

Nhà có hai bé gái mới vào giai đoạn nghỉ hè được khoảng 2 tuần, chị Nhật Ánh (36 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đã đi làm muộn tận 4 buổi. Từ sáng sớm, chị đã phải dậy chuẩn bị đồ ăn sáng cho 2 bé, sau đó nấu sẵn bữa trưa, “Ngày thường phải đưa 2 bạn đi học sớm thì mình cũng đi luôn. Bây giờ nghỉ hè,  2 bạn ngủ dậy muộn hơn, bao nhiêu việc cần chuẩn bị, nên mình cũng bị muộn theo” - chị Nhật Ánh nói.

Bé lớn học lớp 4, bé thứ hai học lớp 1, do cả hai bạn đều còn bé, ở với nhau cả ngày nên thường xuyên xảy ra cãi cọ. “Mỗi ngày đi làm tôi với ông xã phải nhận đến hơn chục cuộc điện thoại. Thỉnh thoảng con gọi cho bố mẹ chỉ  vì tranh nhau cái kẹo, lúc thì vì giành nhau đồ chơi. Có ngày con gọi nhiều đến mức mình sốt ruột, làm việc không yên ổn”- chị Ánh chia sẻ.

Không yên tâm và để "trông con" từ xa, vợ chồng chị đã lắp camera ở nhà để theo dõi các con hàng ngày. Chưa hết, ngày nào anh chị cũng tranh thủ 1 tiếng rưỡi giờ nghỉ trưa thay phiên nhau về nhà để lo cơm nước cho con.

“Tuần đầu tiên lúc 2 bạn mới nghỉ thì tất bật ngược xuôi lắm, bây giờ thì vào guồng mới quen dầnn”- chị Ánh nói.

Bố mẹ đau đầu, gia đình đảo lộn khi con nghỉ hè - ảnh 1
Các bé với hoạt động ngoại khóa trong dịp hè.

Nhà có bé trai 6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1, gia đình chị Kiều Oanh (32 tuổi, Hà Đông) cũng lo lắng suốt một thời gian. “Ông bà ở quê còn nhiều việc đồng áng, gửi con về ông bà lại vất vả, áp lực. Thuê người giúp việc thì trung bình chi phí cũng phải 7-9 triệu/tháng, múc lương của vợ chồng tôi ở ngoài Hà Nội cũng khó lòng chi trả” - chị Oanh tâm sự.

Tuần đầu chưa tìm được người chăm con, nên vợ chồng chị Oanh phải thay nhau đưa con đi làm cùng mình. Chị cho biết: “May ở công ty tôi lúc đó có chị đồng nghiệp cũng đưa con đến công ty do ông bà về quê mấy hôm nên con có người chơi cùng”.

Sau hơn 1 tuần đưa con đến chỗ làm thì giờ chị Oanh đã tìm được nơi gửi con-là một cô giáo dạy cấp 1 đã về hưu, chị và hai phụ huynh gửi con ở nhà cô vừa là để có người trông, và các con được dạy thêm thêm kiến thức. 

"Nhốt con" vào các khóa kỹ năng sống, trại hè...

Bên cạnh vấn đề tìm người chăm con, nhiều phụ huynh còn băn khoăn không biết cho con làm gì để không bỏ phí ba tháng hè. 

Với nỗi lo thời gian nghỉ hè của con trôi qua một cách "lãng xẹt", chị Nguyễn Thị Hồng (35 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết năm ngoái chị đã đưa con đi học một khóa quân sự 9 ngày để cho con vừa rèn luyện được sức khỏe, vừa có nhiều trải nghiệm lại tăng tính tự lập.

Chị tâm sự: “Năm ngoái, tôi cho con đi lúc 8 tuổi. Nghe các anh chị đồng nghiệp chia sẻ, mình thấy hay nên đăng ký con đi. Tuy nhiên, con đi được mấy ngày đã gọi điện cho mẹ khóc lóc xin về”.

Bố mẹ đau đầu, gia đình đảo lộn khi con nghỉ hè - ảnh 2
Kỳ học quân đội rèn luyện cho học sinh tính tự lập. Ảnh: hockiquandoi

Cố được 4 ngày, chị Hồng đành phải lên đón con về sớm. “Đó là lần đầu tiên tôi cho con đi tham gia trại hè. Năm nay, tôi cũng tìm hiểu kỹ hơn những lớp học kỹ năng nhẹ nhàng hơn nhưng do vẫn còn sợ từ lần trải nghiệm trước nên tôi không dám ép con”- chị Hồng chia sẻ.

Theo TS.Trần Thu Hà, Giảng viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, mùa hè là khoảng thời gian rất ý nghĩa để học sinh nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng sau một năm học vất vả. Khi cho con đi trại hè, dã ngoại hay học những kỹ năng mới, phụ huynh cần tìm hiểu và tham khảo kỹ các khóa học sao cho phù hợp với lứa tuổi, thể chất, tính cách và nhu cầu của con em mình.

"Đây là thời điểm rất tốt và thích hợp để học sinh có thể học thêm các kỹ năng mới bởi chỉ có mùa hè thì học sinh mới có thời gian nghỉ và được tham gia vào các môi trường khác ngoài môi trường trường học. Khi bố mẹ lựa chọn những khóa học hay khóa trải nghiệm không phù hợp, các con sẽ sinh ra cảm giác chán nản và lo sợ, vô hình trung gây áp lực cho con"- TS.Thu Hà cho biết.

Chị Hải Anh (35 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết ngoài bảo con học mấy môn Toán, tiếng Anh chuẩn bị lên lớp mới thì không biết nên cho con làm gì. “Thấy những khóa trại hè trên mạng, tôi cũng đăng ký cho con 1 khóa 4 ngày. Nhưng những khóa trại hè đó chỉ kéo dài 4-7 ngày, xong con lại quay về cuộc sống bình thường. Chả nhẽ lại cứ cho con đi học suốt” - chị Hải Anh nói.

Về việc lựa chọn các khóa học kỹ năng cho học sinh ở từng độ tuổi, TS.Trần Thu Hà chia sẻ, đối với học sinh cấp 1, cha mẹ cần dạy con những kỹ năng tự lập, hướng dẫn con cách đọc sách để nuôi dưỡng thói quen đọc cho con. Những khóa học về nghệ thuật hay thể thao đều rất tốt bởi đây là giai đoạn hình thành tích cách và nét năng khiếu ở mỗi bạn nhỏ, cho các bạn học để biết con có năng khiếu ở lĩnh vực nào.

Bố mẹ đau đầu, gia đình đảo lộn khi con nghỉ hè - ảnh 3
Các bạn học sinh hoạt động thể thao ngoài trời.

Đối với học sinh cấp 2, đây là giai đoạn tâm sinh lý của học sinh thay đổi, bố mẹ có thể tham khảo những lớp kỹ năng về nhận diện bản thân, quản lý cảm xúc. Học sinh cấp 3 có thể tham gia những khóa học về quản lý tài chính, hoạt động hướng nghiệp. Đặc biệt, khóa học về sức khỏe sinh sản dành cho học sinh cấp 2, cấp 3 đều rất quan trọng bởi các em cần trang bị những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ bản thân.  

Sau mỗi khóa học hay trải nghiệm, phụ huynh cần tạo điều kiện, cơ hội cho con để duy trì và thực hành những thói quen và kiến thức mình đã được học và trải nghiệm thông qua những khóa học về kỹ năng và trại hè.