Bộ Tài chính "gỡ vướng" việc lập hóa đơn riêng mới được giảm thuế GTGT

Admin
Bộ Tài chính đề xuất chỉnh sửa một số quy định nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp phải lập nhiều hóa đơn riêng với từng loại hàng hóa mới được giảm thuế GTGT.

Sửa quy định để không phải lập nhiều hoá đơn mới được giảm thuế

Mới đây, Bộ Tài chính đã có thông tin báo chí về một số vấn đề được dư luận xã hội, báo chí quan tâm trong tháng 4/2022.

Về lĩnh vực về quản lý thuế, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, dư luận phản ánh việc giảm thuế VAT từ 10% về 8% nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19 rất được hoan nghênh. Tuy nhiên, cùng một đơn hàng, doanh nghiệp phải chia thành 2-3 hóa đơn cho mỗi loại hàng hóa được giảm thuế. Quy định này khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí.

Phản hồi về vấn đề này, Tổng cục Thuế cho biết, tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng thì không được giảm thuế giá trị gia tăng.

Trên thực tế, trên mẫu hóa đơn của doanh nghiệp, chỉ tiêu thuế suất được thiết kế theo dạng cột nên cơ sở kinh doanh có thể lập hóa đơn cho hàng hóa, dịch vụ có nhiều thuế suất khác nhau trên cùng một hóa đơn, trong đó có hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế.

Việc lập hóa đơn riêng là thuận lợi trong việc phân loại, quản lý hóa đơn của những hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, nhưng lại làm tăng thời gian của kế toán doanh nghiệp và chi phí sử dụng hóa đơn, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều hóa đơn trong ngày.

Trường hợp nếu doanh nghiệp thấy khó khăn khi tách hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế mà không lập hóa đơn thì người tiêu dùng lại không được thụ hưởng lợi ích từ chính sách, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi khoản 4 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP và đưa nội dung sửa đổi này vào Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP theo thủ tục rút gọn (hồ sơ đang xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo công văn số 3686/BTC-TCT ngày 22/4/2022) theo hướng: Trường hợp cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỉ lệ % tính thuế giá trị gia tăng được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Từ ngày 1/7, người bán phải lập hóa đơn gửi cho người mua khi phát sinh giao dịch

Trước đó, tại văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Long An do Ban Dân nguyện chuyển tới về việc xem xét, nâng mức thanh toán việc xuất hóa đơn giá trị gia tăng, Bộ Tài chính cho biết, tại Điều 18 Thông tư số 39/2014/TT-BTC hướng dẫn về hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định, khi bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, thì khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/7/2022) quy định về hóa đơn, chứng từ và khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn điện tử trước ngày 1/7/2022.

Ngày 17/9/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Tiếp đó, ngày 20/9/2021, Bộ Tài chính đã có 6 quyết định về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố (đến tháng 4/2022 hóa đơn điện tử đã được áp dụng trên cả nước).

Căn cứ các quy định nêu trên, khi tổ chức, cá nhân áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP hoặc từ ngày 1/7/2022 trở đi, người bán lập hóa đơn gửi cho người mua khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Tuệ Minh