Theo Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, chủ trương lần này chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tập trung phục vụ thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, bao gồm cả bộ máy chính quyền địa phương các cấp và tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp như các cơ quan khác, đồng thời thực hiện thêm nhiệm vụ tổng hợp ý kiến của các cơ quan thuộc Chính phủ trong việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp dù ở quy mô, phạm vi nào cũng là một việc hết sức hệ trọng, cần được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả.

Tại Hội nghị, các ý kiến đã góp ý đối với toàn bộ dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã được Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 công bố, tập trung vào các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị hành chính, chính quyền địa phương.
Các ý kiến đóng góp sẽ được Ban tổ chức gửi đến cơ quan có thẩm quyền tổng hợp trình Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.