Chống buôn lậu, hàng giả: Mệnh lệnh hành động vì lợi tích quốc gia

Admin
(PNTĐ) - Không ai muốn sống trong một xã hội mà thật - giả lẫn lộn, nơi những người làm ăn tử tế bị đánh bại bởi những mánh khóe bất lương. Thế nhưng, tình trạng hàng giả, hàng nhái, buôn lậu và gian lận thương mại len lỏi khắp các chợ truyền thống, sàn thương mại điện tử, thậm chí cả trong những kệ hàng sang trọng đang không chỉ làm méo mó thị trường, hủy hoại đạo đức kinh doanh, mà còn từng ngày gặm nhấm niềm tin của người dân vào pháp luật và sự công bằng.

Điều đặc biệt đau lòng là người bệnh, người già, trẻ em hằng ngày bị lừa, phải uống sữa giả, thuốc giả, thuốc kém chất lượng mà được quảng cáo chữa bách bệnh…

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra một mệnh lệnh dứt khoát: Lập tổ công tác đặc biệt và mở chiến dịch cao điểm toàn quốc truy quét buôn lậu, hàng giả. Đây không đơn thuần là một chiến dịch kiểm tra - mà là tuyên bố hành động mạnh mẽ của một Chính phủ không chấp nhận thỏa hiệp với bất lương và vi phạm pháp luật.

Đây cũng là lúc mà toàn xã hội phải hưởng ứng, bởi chúng ta không thể xây dựng một nền kinh tế mạnh nếu nền móng thị trường bị khoét rỗng bởi gian dối. Và không thể có một quốc gia hùng cường, nếu người tử tế luôn thua thiệt trên chính sân chơi của mình.

Chống buôn lậu, hàng giả: Mệnh lệnh hành động vì lợi tích quốc gia - ảnh 1
Phải xử lý nghiêm, thậm chí truy tố hình sự những kẻ tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất hàng giả

Tổn thất không chỉ là vật chất

Buôn lậu và hàng giả, hàng kém chất lượng gây ra thiệt hại lớn về thu ngân sách, bóp nghẹt động lực sản xuất trong nước và làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Nhưng điều nghiêm trọng hơn, nó đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng - khi thuốc giả, thực phẩm bẩn, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường.

Sự hiện diện dai dẳng của hàng giả và buôn lậu cũng là dấu hiệu cho thấy pháp luật bị thách thức, trật tự quản lý bị lỏng lẻo và đạo đức kinh doanh bị bào mòn. Nếu người tiêu dùng không còn biết tin vào đâu, nếu doanh nghiệp làm ăn chân chính bị lấn lướt bởi những kẻ "nhanh tay, lắm mánh", thì còn gì để nói về một nền kinh tế lành mạnh?

Hành động quyết liệt của người đứng đầu

Thủ tướng Chính phủ không chỉ yêu cầu xử lý mạnh tay mà còn đích thân phát động phong trào thi đua toàn quốc, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, từng bộ ngành. Một tổ công tác đặc biệt được thành lập, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ xuống tận nơi, đôn đốc và xử lý trách nhiệm nếu địa phương để xảy ra tình trạng buông lỏng.

Chiến dịch cao điểm lần này không phải là "bắt vài vụ để lấy thành tích", mà là thay đổi tư duy tiếp cận: từ phản ứng thụ động sang chủ động truy quét, từ xử lý riêng lẻ sang phối hợp hệ thống, từ chống theo vụ việc sang chống bằng thể chế, công nghệ và cả văn hóa.

Chống buôn lậu, hàng giả không chỉ bẳng cưỡng chế

Đúng là phải xử lý nghiêm, thậm chí truy tố hình sự những kẻ tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất hàng giả. Nhưng nếu chỉ dùng biện pháp cưỡng chế, thì chỉ mới chạm phần ngọn. Muốn trị tận gốc, phải chống bằng văn hóa, bằng sự tử tế, bằng giáo dục và truyền thông.

Ngay từ trong nhà trường, học sinh cần được học về văn hóa tiêu dùng, về giá trị của sản phẩm thật, về đạo đức trong sản xuất và kinh doanh. Trong cộng đồng, cần tôn vinh người sản xuất trung thực, cần cổ vũ tiêu dùng có trách nhiệm. Trong từng gia đình, mỗi người mẹ, người cha cần dạy con cái biết phân biệt đúng - sai từ một chiếc bao bì hàng hóa.

Một quốc gia chỉ thực sự mạnh khi những hành vi tử tế trở thành chuẩn mực và khi hành vi bất lương không có đất sống.

Chống buôn lậu, hàng giả: Mệnh lệnh hành động vì lợi tích quốc gia - ảnh 2
Mua hàng giả không chỉ hại mình mà còn tiếp tay cho tội ác

Người tiêu dùng là phòng tuyến đầu tiên

Không ai có thể làm giả nếu không có người tiêu dùng sẵn sàng mua hàng giả. Vì vậy, vai trò của người tiêu dùng là then chốt. Một cộng đồng tiêu dùng thông minh, hiểu biết, và có thái độ kiên quyết nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ khiến mọi hành vi gian lận trở nên phi lợi nhuận.

Người tiêu dùng cần được tiếp cận thông tin minh bạch, cần có công cụ để truy xuất nguồn gốc, để so sánh giá cả và chất lượng. Và trên hết, cần có lòng tự trọng và tinh thần công dân - bởi mua hàng giả không chỉ hại mình mà còn tiếp tay cho tội ác.

Không thể đổ hết lên vai chính phủ

Chính phủ, dù mạnh đến đâu, cũng cần sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và người dân trong cuộc chiến này. Các tổ chức xã hội, đặc biệt là hội bảo vệ người tiêu dùng, các hiệp hội ngành hàng, báo chí và mạng lưới truyền thông cần đóng vai trò chủ động hơn.

Cần có chiến dịch truyền thông quy mô lớn về tiêu dùng tử tế. Cần có sự giám sát cộng đồng với các đường dây buôn lậu. Và cần có cơ chế để các tổ chức xã hội kiến nghị chính sách, phản biện các kẽ hở thể chế và hỗ trợ người tiêu dùng khi quyền lợi bị xâm hại.

Vì một môi trường kinh doanh liêm chính và phát triển bền vững 

Chiến dịch truy quét buôn lậu, hàng giả lần này - nếu được thực hiện nghiêm túc và đồng bộ - sẽ không chỉ dẹp bỏ được một loạt đường dây vi phạm, mà quan trọng hơn, sẽ tái lập lại niềm tin vào thị trường và pháp luật.

Chính phủ đã phát tín hiệu rõ ràng. Cần cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Và quan trọng hơn, cần mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, mỗi tổ chức xã hội cùng hành động vì một mục tiêu chung: Tạo lập một môi trường kinh doanh liêm chính, một thị trường minh bạch và một quốc gia phát triển bền vững từ gốc rễ văn hóa đến thượng tầng thể chế.

Đó không chỉ là một đợt truy quét. Đó là một cuộc đổi mới đạo đức thị trường. Và đó là điều mà đất nước này đang rất cần để bước vào kỷ nguyên mới.

Theo https://baochinhphu.vn/chong-buon-lau-hang-gia-menh-lenh-hanh-dong-vi-loi-ich-quoc-gia-102250515174036422.htm