Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) khai mạc tại Azerbaijan hôm 11/11 trong bối cảnh có những lo ngại về việc liệu Tổng thống đắc cử Donald Trump có hiện thực hóa tuyên bố đảo ngược các cam kết cắt giảm phát thải carbon của Mỹ một khi ông tiếp quản Nhà Trắng.
Hơn 51.000 đại biểu đến dự hội nghị ở thủ đô Baku của Azerbaijan khi thế giới đang trên đà phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ vào năm 2024, làm gia tăng cuộc tranh luận về vấn đề tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Nhưng sự trở lại của ông Trump được cho là sẽ bao trùm các cuộc thảo luận, với lo ngại rằng nếu Mỹ một lần nữa rút khỏi Thỏa thuận Paris – một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu – điều đó có thể đồng nghĩa với việc ít mục tiêu khí hậu tham vọng hơn được đưa ra bàn đàm phán.
"Chúng ta không thể để động lực hành động toàn cầu về biến đổi khí hậu bị chệch hướng", ông Ralph Regenvanu, Đặc phái viên của đảo quốc Vanuatu về biến đổi khí hậu và môi trường, cho biết.
"Đây là vấn đề chung và không thể giải quyết được nếu không có sự hợp tác quốc tế, và chúng tôi sẽ tiếp tục nêu vấn đề này với Tổng thống mới của một trong những quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới", ông Regenvanu nói.
Năm nay, COP29 – diễn ra từ ngày 11-22/11 – sẽ không có sự tham dự của Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden, cũng như nhiều nhà lãnh đạo khác vốn thường xuất hiện sớm trong các cuộc đàm phán COP để tạo sức nặng cho các phiên họp.
Cuối cùng, chỉ có một số ít nhà lãnh đạo từ G20 – những quốc gia chiếm gần 80% lượng khí thải toàn cầu – dự kiến sẽ tham dự.
Riêng đối với Afghanistan, quốc gia Nam Á sẽ lần đầu tiên cử một phái đoàn tới hội nghị khí hậu kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền ở Kabul. Họ dự kiến sẽ có tư cách quan sát viên.
Các nhà ngoại giao khẳng định rằng sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ và chiến thắng của ông Trump, dù phủ "bóng đen" nhưng sẽ không phá hỏng bầu không khí nghị sự nghiêm túc, đặc biệt là nhằm thống nhất một con số mới về tài trợ khí hậu cho các nước đang phát triển.
Các nhà đàm phán muốn tăng mức tài trợ mục tiêu 100 tỷ USD/năm để giúp các quốc gia đang phát triển chuẩn bị cho những tác động ngày càng tồi tệ của khí hậu và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch khỏi nền kinh tế của họ.
Sẽ có bao nhiêu tiền được cung cấp, ai sẽ trả tiền và ai có thể tiếp cận các quỹ là một số điểm gây tranh cãi chính vẫn luôn được đưa ra bàn thảo ở các kỳ hội nghị khí hậu gần đây.
Các nước đang phát triển đang thúc đẩy tìm kiếm hàng nghìn tỷ USD cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và nhấn mạnh rằng tiền nên chủ yếu là tiền tài trợ thay vì các khoản vay.
Họ cảnh báo rằng nếu không có tiền, họ sẽ khó lòng đưa ra các bản cập nhật đầy tham vọng cho các mục tiêu về khí hậu của mình. Thời hạn để nộp các bản cập nhật này là vào đầu năm sau.
Minh Đức (Theo France24)