Các hạng mục chính cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đang bám sát tiến độ

Admin
(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh yêu cầu các đơn vị thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tranh thủ tận dụng thời tiết cố gắng thi công nhanh, đáp ứng sớm cấp phối đá càng nhiều vị trí càng tốt. Đơn vị nào thi công chậm, không đạt yêu cầu phải thay thế ngay để đáp ứng tiến độ.
Các hạng mục chính cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đang bám sát tiến độ - Ảnh 1.

Một đoạn cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nút giao sân bay - Ảnh: Báo Xây dựng

Ngày 21/5, đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Trần Hồng Minh làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra công trường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Các hạng mục chính đang bám sát tiến độ

Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Ban QLDA 85 (Bộ Xây dựng) cho biết, dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài hơn 18km qua địa bàn huyện Long Thành (Đồng Nai) sản lượng đạt 51%, nhiều hạng mục thi công chính bám sát tiến độ, còn một số vị trí đang chờ di dời hạ tầng kỹ thuật.

Trong đó, khối lượng đắp nền đã triển khai được 1,8 triệu m3, đạt 75%. Cấp phối đá dăm đã tập kết 270.000m3 đạt 47% và thi công đường được 6km đạt 33%. Lớp nhựa cũng thi công được 1,5km (8%) còn bê tông nhựa R25 thi công được 1km, bê tông nhựa C19 được 0,4km. 

Về công trình phụ trợ, toàn bộ 8 hầm chui dân sinh và 23 cầu trên tuyến đều đạt 100% kế hoạch. Công tác giải ngân năm 2025 đạt tỷ lệ 16,3%.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay theo Ban QLDA 85 là vướng mặt bằng, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Hiện còn 14 vị trí đường điện cao thế, trung và hạ thế phải di dời, hạ ngầm. Ban QLDA 85 kiến nghị địa phương hỗ trợ di dời sớm để đảm bảo tiến độ dự án, kịp hoàn thành vào cuối năm 2025.

Dự án thành phần 1 của cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài hơn 16km qua TP Biên Hòa và huyện Long Thành cũng đang tăng tốc tiến độ với 34 mũi thi công. Trong đó, gói thầu XL18 đạt sản lượng 14,2%, XL21 đạt 48,5%, các nhà thầu tập trung đắp nền, xử lý nền đất yếu, làm cầu. Về vật liệu, đất đắp cần 2,385 triệu m3, hiện có gần 1 triệu m3 về công trường đang phục vụ thi công.

Ông Hồ Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương nhận trách nhiệm về di dời hạ tầng chậm trước Bộ trưởng, đồng thời hứa sẽ đôn đốc các đơn vị tăng tốc di dời hạ tầng để đảm bảo thi công. Hiện nay, Đồng Nai đã cấp phép các mỏ đủ đất đắp phục vụ thi công cao tốc. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra đôn đốc, đánh giá thực tế tại hiện trường cả ngày lẫn đêm, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.

Các hạng mục chính cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đang bám sát tiến độ - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh yêu cầu các đơn vị tranh thủ tận dụng thời tiết cố gắng thi công nhanh - Ảnh: Báo Xây dựng

Tại công trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh yêu cầu các đơn vị tranh thủ tận dụng thời tiết cố gắng thi công nhanh, đáp ứng sớm cấp phối đá càng nhiều vị trí càng tốt.

 Việc giải phóng mặt bằng thực hiện qua nhiều năm nhưng vẫn chưa hoàn thành gây khó khăn cho đơn vị thi công, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Đồng Nai cần đẩy nhanh hơn nữa để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, khẩn trương thi công để hoàn thành kịp tuyến cao tốc trong năm 2025 như kế hoạch. 

Về nhà thầu, Bộ trưởng yêu cầu, đơn vị nào thi công chậm, không đạt yêu cầu phải thay thế ngay để đáp ứng tiến độ.

Điều chỉnh chủ trương đầu tư 

Trước đó, tại chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 19/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày Tờ trình điều chỉnh chủ trương dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Theo tờ trình điều chỉnh chủ trương dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, tổng mức đầu tư được đề xuất điều chỉnh tăng 3.714 tỷ đồng, từ 17.837 tỷ đồng lên 21.551 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án thành phần 1 tăng từ 6.240 tỷ lên 6.693 tỷ đồng; dự án thành phần 2 tăng từ 6.407 tỷ lên 7.642 tỷ đồng; dự án thành phần 3 tăng từ 5.190 tỷ lên 7.216 tỷ đồng.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, quá trình triển khai thực hiện dự án, phát sinh trong chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi phí xây dựng là hai yếu tố làm thay đổi tổng mức đầu tư dự án.Trong đó, tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án dự kiến khoảng 9.856 tỷ đồng, tăng 3.227 tỷ đồng so với phương án ban đầu.

Nguyên nhân là do trong bước thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đã thực hiện đo đạc, kiểm đếm và chuẩn xác lại khối lượng, cơ cấu diện tích các loại đất bị ảnh hưởng; chuẩn xác lại khối lượng và chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật; biến động về đơn giá bồi thường trên địa phận hai tỉnh dự án đi qua tại thời điểm thu hồi đất so với dự kiến; bổ sung nút giao khác mức liên thông với đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao (ĐT991).

Đối với chi phí xây dựng, dự kiến tăng 487 tỷ đồng, từ 11.208 tỷ lên 11.695 tỷ đồng, do quá trình triển khai, chủ đầu tư các dự án thành phần đã khảo sát chi tiết địa hình, địa chất, thủy văn và thỏa thuận với cơ quan quản lý công trình hạ tầng có liên quan theo quy định, trên cơ sở đó, các giải pháp thiết kế được tối ưu (xử lý đất yếu, thiết kế công trình cầu…) nhằm phù hợp với điều kiện thực tế, ổn định và an toàn trong khai thác; biến động đơn giá vật liệu, nhân công, máy thi công tại thời điểm lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình năm 2023 so với thời điểm lập chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, chi phí xây dựng tăng còn do đầu tư bổ sung hạng mục kiểm tra tải trọng xe theo quy chuẩn quy định; bổ sung nút giao khác mức liên thông với đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao.

Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được đầu tư với tổng chiều dài gần 54km. Điểm đầu tại tuyến tránh QL1 thuộc TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại QL56 thuộc TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 (Km 0+000 - Km 16+000) dài 16km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đầu tư quy mô 4 làn xe.

Dự án thành phần 2 (Km 16+000 - Km 34+200) dài hơn 18km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đầu tư quy mô 4 - 6 làn xe (tùy từng đoạn).

Dự án thành phần 3 (Km 34+200 - Km 53+700) dài 19,5km nằm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đầu tư quy mô 4 làn xe.

Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.

Phan Trang