Là một trong các nhà mạng lớn có tổng số lượng thuê bao hàng đầu tại Việt Nam, cách đây 1 tuần, VinaPhone cho biết, nhà mạng này còn khoảng 1,4 triệu thuê bao đang dùng mạng 2G Only.
Theo ông Lê Đắc Kiên, Phó Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone, trong số những thuê bao còn lại này, nhà mạng đang gặp một số khó khăn về tâm lý của khách hàng. Nhiều người đã hình thành thói quen sử dụng các thiết bị điện thoại phím bấm đời cũ (2G) trong nhiều năm nên ngại thay đổi. Có những người chỉ có nhu cầu nhắn tin, gọi điện thoại phím bấm.
Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này, toàn bộ hệ thống của VinaPhone đã và đang dồn lực cho việc hỗ trợ người dân chuyển đổi từ 2G lên 4G, thậm chí "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để giải thích và hỗ trợ tới từng người dân để chuyển đổi. Nhà mạng cũng cung cấp các máy điện thoại phím bấm hỗ trợ 4G cho khách hàng.
Tại một trong những địa phương triển khai hỗ trợ người dân chuyển đổi di động từ 2G lên 4G tích cực nhất trong thời gian gần đây, ông Võ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT tỉnh Hoà Bình cho biết, là địa bàn miền núi, dân cư thưa thớt nên chúng tôi áp dụng phương thức tuyên truyền qua các loa truyền thanh tới người dân bằng cả tiếng Việt và tiếng dân tộc về chủ trương tắt sóng di động 2G.
VNPT Hoà Bình cũng tận dụng hơn 1.000 điểm bán hàng trên toàn tỉnh hỗ trợ chuyển đổi người dân có nhu cầu.
"Tập khách hàng thuê bao di động 2G của VinaPhone là 9.900 thuê bao. Chúng tôi nhắn tin và gọi điện tới từng thuê bao để thông báo về chủ trương tắt sóng 2G. Hiện, thiết bị của tập khách hàng này đã được chuyển đổi với tỷ lệ trên 50%. Con số này đang giảm từng ngày rõ rệt", ông Võ Minh Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Võ Minh Tuấn, VinaPhone Hoà Bình sẽ tắt dần sóng 2G theo mật độ thuê bao ở từng vùng, tức là làm việc cuốn chiếu, khu vực nào còn ít thuê bao 2G Only thì sẽ tập trung tư vấn, chuyển đổi để tối ưu vùng phủ.
Nhiều người nhận thấy sự khác biệt khi đổi điện thoại 2G lên 4G
Nhiều người dân đã nhận thấy sự khác biệt khi được hỗ trợ chuyển đổi điện thoại 2G lên 4G. Theo ghi nhận của phóng viên, bà Hà Thị Pày, dân tộc Thái, 69 tuổi, ở xã Nà Phòn, xóm Nà Chiềng, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình cho biết, bà dùng điện thoại cũ đã hơn 10 năm, do chỉ có nhu cầu nghe – gọi cho con cái nên bà không cảm thấy bất tiện khi dùng điện thoại cũ.
Tuy nhiên, khi được nhân viên của nhà mạng VinPhone tư vấn, giải thích và hỗ trợ điện thoại phím bấm mới, bà thấy tiếng rõ hơn, dễ nghe hơn, dễ bấm số và dễ sử dụng hơn điện thoại cũ.
Bà Bùi Thị Mận, 62 tuổi, ở huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình cũng chia sẻ: "Khi nhân viên gọi điện thoại, tôi cũng không hiểu lắm, chỉ biết là 4G chắc tốt hơn 2G. Nhưng sau khi được họ hỗ trợ chuyển đổi, tôi vui lắm. Máy mới dùng nhẹ hơn, chữ và số to hơn, gọi cho con cái cũng tiện hơn. Giờ tôi cũng không còn phải sang hàng xóm nhờ ấn số như điện thoại cũ nữa, vì mắt tôi bị kém không nhìn rõ số".
Theo số liệu Viettel vừa báo cáo Bộ TT&TT, nhà mạng này còn 5,9 triệu thuê bao di động 2G. Trung bình trong 7 tháng đầu năm, mỗi tháng, Viettel chuyển đổi được 400.000 – 500.000 thuê bao 2G lên 4G, cao gấp 3 lần so với năm 2023.
Dự kiến trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9, nhà mạng này cho biết, sẽ chuyển đổi được 3-4 triệu khách hàng sử dụng máy điện thoại công nghệ 2G only. Đến 16/9 sẽ chỉ còn thuê bao máy 2G only là khách hàng chủ yếu tại các khu vực miền núi và hải đảo, nhà giàn.
Theo thông tin tổng hợp từ các doanh nghiệp viễn thông, trong 7 tháng đầu năm, số thuê bao 2G đã giảm mạnh từ 18,2 triệu vào tháng 1/2024 xuống còn 8,7 triệu vào tháng 7/2024. Trong đó, Viettel còn 5,9 triệu thuê bao, VNVPT còn 1,5 triệu thuê bao, MobiFone 970.000 thuê bao, Vietnamobile có 311.000 thuê bao.
Các doanh nghiệp dự kiến đến tháng 9/2024 sẽ chỉ còn 2,96 triệu thuê bao 2G Only, chủ yếu là người già, khu vực miền núi, hải đảo.
Theo Bộ TT&TT, việc tắt sóng 2G đem lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy xã hội số, kinh tế số và chính phủ số. Cụ thể, với người dân, việc tắt sóng 2G sẽ giúp họ được chuyển sang sử dụng các dịch vụ băng rộng 4G, 5G chất lượng cao hơn.
Đặc biệt, việc chuyển đổi thẳng lên smartphone sẽ là cơ hội để người dân có nhiều trải nghiệm với dịch vụ mới. Người dân có thể vào mạng, sử dụng dịch vụ hành chính công của nhà nước ngay trên các ứng dụng cài đặt trong smartphone… từ đó dần dần hình thành xã hội số.
HM