Khởi tố vụ án
Ngày 27/3, Công an TP Hà Nội thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an quận Long Biên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008; trú tại quận Long Biên, TP Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Các quyết định tố tụng đã được Viện Kiểm sát nhân dân quận Long Biên phê chuẩn và tống đạt đến bị can trong tối cùng ngày (27/3).
Trước đó, ngày 19/3, Công an quận Long Biên tiếp nhận đơn trình báo của gia đình cháu N.H.Đ (SN 2010, trú tại quận Long Biên) về việc cháu N.H.Đ khi đang chơi tại sân đình Lệ Mật, phường Việt Hưng thì bị đánh gây thương tích nặng, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 108.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an quận Long Biên đã báo cáo lãnh đạo Công an TP Hà Nội và khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ vụ việc. Theo đó, khoảng 15h ngày 17/3/2024, cháu T.V.K (SN 2012, trú tại quận Long Biên) chơi tại khu vực đình Lệ Mật thì phát sinh mâu thuẫn và bị cháu N.H.Đ tát vào mặt. Cháu T.V.K chạy đi gọi anh trai là T.V.M để nhờ giải quyết mâu thuẫn.
Khi 2 anh em đi bộ ra sân đình Lệ Mật thì gặp bố đẻ là anh T.V.T và kể lại sự việc. Anh T.V.T chở 2 anh em bằng xe máy ra sân đình Lệ Mật để xem ai đánh. Khi đến khu vực đình Lệ Mật, anh T bảo 2 con đi vào sân đình gặp ông nội đang có mặt ở đấy, anh T quay xe định ra về.
Theo cơ quan công an, lúc này, anh T thấy cháu T.V.M chạy vào đấm làm cháu Đ ngã ra đất thì vào can ngăn rồi chở 2 con về nhà. Sau đó, anh T trở lại khu vực sân đình Lệ Mật thì thấy cháu Đ có biểu hiện choáng, mặt tái nên đã đưa cháu Đ vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu, sau đó chuyển Bệnh viện 108 điều trị. Bệnh viện xác định cháu Đ bị chấn thương sọ não, hôn mê, tiên lượng tử vong cao.
Hiện Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên tổ chức điều tra, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Cô giáo Trịnh Hoàng Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Việt Hưng (quận Long Biên) - nơi cháu Đ đang học tập cho biết, đây là sự việc rất đau xót. Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận Long Biên, Ban giám hiệu, tập thể giáo viên cùng các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương đến thăm, động viên sức khỏe đối với gia đình nam sinh Đ. Các bạn trong lớp em Đ đã gửi thư và gấp 1.000 hạc giấy để cầu nguyện phép màu xảy ra đối với Đ. Hiện tại, Đ vẫn đang thở máy, tuy nhiên sức khoẻ bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.
Dưới góc độ pháp luật, TS. luật sư Đặng Văn Cường, UV Ban Chấp hành Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho biết, vụ việc này không chỉ gây sốc đối với gia đình nạn nhân mà còn các bậc phụ huynh nói chung về đảm bảo an toàn cho trẻ em. Điều đáng buồn trong vụ việc này là cả bị can và nạn nhân đều là người chưa thành niên. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ vụ án để không bỏ lọt tội phạm.
Hiện tại, trong vụ án này, bước đầu, cơ quan điều tra xác định đối tượng gây án là cháu M, 16 tuổi, đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xem xét động cơ mục đích đánh người có nhằm mục đích là để sát hại nạn nhân hay không, hành vi có thể dẫn đến chết người hay không là căn cứ để xác định hành vi này sẽ xử lý về tội cố ý gây thương tích hay tội Giết người. Đến nay, để thận trọng trong việc giải quyết, đánh giá sự việc, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án về tội “Cố ý gây thương tích” là thoả đáng. Việc chuyển tội danh hay không thì tuỳ thuộc vào quá trình điều tra tiếp theo” - luật sư Cường cho biết.
Về phần người bố, luật sư Cường cho rằng, theo lời khai ban đầu tại cơ quan điều tra, người bố chỉ chở con mình đến hiện trường để xem tình hình thế nào, không có hành vi xúi giục, không tham gia đánh, không có mục đích mong muốn hậu quả xảy ra, nên người cha không phạm tội. Tuy nhiên, đây là lời khai 1 phía từ người cha. Do đó, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục căn cứ vào các lời khai khác và chứng cứ khác qua trình điều tra để không bỏ lọt tội phạm.
Luật sư Cường cho rằng đây là sự việc rất nghiêm trọng, gây hoang mang trong dư luận xã hội, để lại hệ lụy lâu dài đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân. Bởi vậy Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam sẵn sàng tham gia để hỗ trợ pháp lý cho gia đình nạn nhân. Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 cũng đã kết nối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ để có phương án hỗ trợ cháu Đ. Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Trung tâm Công tác xã hội Hà Nội đã đến thăm hỏi, động viên gia đình cháu Đ, phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục xác minh vụ việc, thực hiện các quy trình hỗ trợ trẻ em theo quy định.
Cần trang bị cho trẻ kỹ năng quản lý cảm xúc và xử lý tình huống
Điều đáng nói đây không phải là trường hợp “cá biệt” trẻ em bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng. Thời gian qua, nhiều vụ việc trẻ em gây bạo lực, đặc biệt là bạo lực học đường diễn ra khiến nhiều nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí dẫn đến ám ảnh sợ hãi tìm đến cái chết. Trong khi, xã hội và một bộ phận người lớn vẫn suy nghĩ rằng trẻ em mâu thuẫn đánh nhau là… chuyện nhỏ, chuyện trẻ con.
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh, Công ty tham vấn tâm lý Mạnh Linh School Psychology, việc dùng bạo lực để giải quyết bạo lực không phải là giải pháp hợp lý. Những vụ việc này một lần nữa nhắc nhở chúng ta cần phải chú ý nhiều hơn trong công tác giáo dục trẻ em về nhân cách, thái độ sống chứ không chỉ dừng lại ở việc chú trọng con học giỏi.
Nói về nguyên nhân học sinh thường dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, chuyên gia tâm lý Mạnh Linh cho biết, gốc gác của bạo lực luôn xuất phát từ bạo lực. Nếu một đứa trẻ chưa từng được tiếp xúc với bạo lực thì sẽ không thể có ý định dùng bạo lực có thể giải quyết vấn đề. Với những đứa trẻ phải tiếp xúc với bạo lực thì có trải nghiệm này rõ ràng hơn, khắc sâu vào tiềm thức hơn để rồi khi gặp tình huống cụ thể, trẻ sẽ sử dụng như một cách thức có sẵn trong đầu.
Hai là, trẻ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề thường thiếu kỹ năng. Nhiều đứa trẻ không biết sử dụng bạo lực là không đúng và không biết cách làm cho đúng. Khi bạo lực đến, trẻ không xử lý được cảm xúc tức giận trong lòng. “Cảm xúc là thứ thúc đẩy trực tiếp hành vi. Mỗi cảm xúc đều có chức năng riêng của nó, cảm xúc tức giận có chức năng thúc đẩy hành vi phòng vệ bằng cách chống trả, đánh lại” - chuyên gia tâm lý Mạnh Linh cho biết.
Trong vụ việc bạn học sinh bị đánh chết não, chuyên gia Mạnh Linh cho rằng, hành vi người bố đưa con trở lại hiện trường mà không đứng ra giải quyết thay cho con, để các cháu chưa có đầy đủ hành vi trước pháp luật tự giải quyết với nhau là điều hết sức đáng trách. Bởi khi người thân không định hướng hành vi đúng cho con, con sẽ giải quyết theo cảm tính. Do vậy, vai trò giáo dục trong gia đình rất quan trọng.
Theo chuyên gia Mạnh Linh, khi con em mình bị bạo lực, cha mẹ cần bình tĩnh để giúp con mình bình tĩnh lại. Sau đó, thu thập đầy đủ thông tin bằng cách lắng nghe con và đối phương; hiểu và gọi tên cảm xúc của con để giáo dục con, giúp con kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Cha mẹ liên lạc với phụ huynh của bạn để trao đổi, tiến hành hoà giải khi người lớn trao đổi thấu đáo và tìm được mắt xích mâu thuẫn. Trong trường hợp bố mẹ hai bên chưa thảo luận để đi đến thống nhất được thì nhờ sự phối hợp của nhà trường và lực lượng an ninh khu vực giúp đỡ. Nếu con có vấn đề tâm lý thì cần đưa con đi tham vấn tâm lý, tránh hoảng loạn, sang chấn tâm lý.