Tại hội thảo khoa học “Chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19, phát huy nội lực của người dân và doanh nghiệp” vừa được tổ chức tại TPHCM, nhiều chuyên gia cho rằng, việc sớm phát hiện các triệu chứng và kết hợp nhiều giải pháp sẽ giúp cho những bệnh nhân chịu ảnh hưởng của hội chứng COVID-19 sớm phục hồi sức khỏe, bắt nhịp cuộc sống thường nhật.
Hội thảo do Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Thanh Niên Việt Nam, Hội Thầy thuốc Trẻ Việt Nam và Tập đoàn Đầu tư Tài chính Green+ tổ chức nhằm cung cấp những thông tin và giải pháp cụ thể giúp người dân sớm nhận diện, có cách điều trị phù hợp để sớm cải thiện tình hình sức khỏe.
Hội chứng hậu COVID-19
COVID-19 được công nhận là một bệnh đa cơ quan với nhiều biểu hiện. Thống kê của ngành y tế cho thấy có tới 82% người nhiễm COVID-19 tại Việt Nam thuộc nhóm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, sau khi hồi phục nhiều người đang chịu những tác động không mong muốn từ hội chứng COVID-19 kéo dài. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 nghi ngờ hoặc xác nhận. Hội chứng hậu COVID-19 thường kéo dài ít nhất 2 tháng với nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của người bệnh. Các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, khó thở, đau ngực, rối loạn nhận thức, đau khớp và suy giảm chất lượng cuộc sống.
Tùy vào mức độ nặng/nhẹ trong quá trình nhiễm COVID-19 mà các triệu chứng kéo dài sẽ biểu hiện khác nhau. Người cao tuổi, người có bệnh nền, người béo phì, người nhiễm COVID-19 nặng đã hoàn tất quá trình điều trị sẽ gặp nhiều triệu chứng hậu COVID-19 hơn các nhóm khác. Không chỉ làm tổn thương phổi, virus SARS-CoV-2 còn tấn công nhiều cơ quan khác trong cơ thể và tạo ra các di chứng về huyết học, tim mạch, tâm thần kinh, thận, gan, nội tiết…
Theo ThS. BS Dương Duy Khoa, Đại học Y Dược TPHCM, hội chứng COVID-19 kéo dài (sau 12 tuần) chiếm tỉ lệ khá cao, từ 32,6-87,4% ở những người từng nhập viện điều trị chứng bệnh này. Trong khi đó, gần 14% những người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 nói chung phải chịu ảnh hưởng của chứng hậu COVID-19. Cùng với mệt mỏi kéo dài, lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ là những triệu chứng hậu COVID-19 xuất hiện ở nhiều người (30-40%). Các triệu chứng khác tuy chiếm tỉ lệ thấp hơn vẫn tạo ra những tác động tiêu cực trong quá trình hồi phục của bệnh nhân.
PGS. TS. BS Nguyễn Thị Bay, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng, các vấn đề mà hậu COVID-19 mang lại cho sức khỏe người bệnh không chỉ dừng ở mức biến chứng mà có thể là di chứng. Khi cơ thể suy nhược, người bệnh hậu COVID-19 có thể rơi vào trạng thái đa bệnh và thời gian chịu ảnh hưởng thường kéo dài. Tùy theo bằng chứng bệnh lý và kinh nghiệm của bác sĩ mà có cách điều trị phù hợp với từng cá thể bệnh nhân. Các yếu tố bệnh nền cần được lưu tâm trước khi đưa ra phương pháp điều trị. Tương tự quá trình điều trị COVID-19, kết hợp Đông-Tây y trong điều trị hậu COVID-19 hứa hẹn sẽ đem lại sự hỗ trợ, nâng đỡ kịp thời, giúp bệnh nhân mau phục hồi các chức năng cần thiết.
Cũng theo BS. Bay, muốn quá trình điều trị các triệu chứng hậu COVID-19 hiệu quả cần có chế độ chăm sóc, phục hồi phối hợp. Việc tăng đề kháng cho cơ thể và phục hồi chức năng các cơ quan chịu tổn thương cần được chú trọng: “Cùng với các phương pháp điều trị hiện có, người bệnh cần duy trì chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và tập luyện khoa học. Trong đó ưu tiên ngủ đủ giấc, tránh chất kích thích, hạn chế rượu bia, không thuốc lá… Thực dưỡng cần đa dạng và vận động đều đặn ít nhất 30 phút/ngày. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn phải giữ tinh thần lạc quan”.
Khẩn trương thiết lập các phòng khám chuyên về COVID-19
Theo các chuyên gia, di chứng đa cơ quan của COVID-19 sau giai đoạn nhiễm cấp tính đang ngày càng được đánh giá nhiều hơn thông qua dữ liệu và kinh nghiệm lâm sàng trong giai đoạn hiện tại. BS. Đinh Quang Thanh, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp cho rằng cần có nghiên cứu trong tương lai bao gồm việc xác định và mô tả các đặc điểm lâm sàng, huyết thanh, hình ảnh và đặc điểm dịch tễ của COVID-19 trong các giai đoạn cấp tính, bán cấp tính và mãn tính của bệnh. Điều này sẽ giúp hệ thống y tế và người bệnh hiểu rõ hơn về diễn tiến tự nhiên và sinh lý bệnh của căn bệnh mới này.
Dựa trên các phân tích thực tế, BS Thanh cho rằng việc chăm sóc những bệnh nhân COVID-19 không chỉ là thời gian khi nằm viện mà cần phối hợp nhóm đa chuyên môn để tiếp tục chăm sóc họ khi đã xuất viện điều trị ngoại trú. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến nhóm nguy cơ cao, người mắc các triệu chứng bệnh dai dẳng. “Vào 4-6 tuần sau khi xuất viện, những người bị COVID-19 cấp tính thể nặng, thể nguy kịch, lớn tuổi hoặc có nhiều bệnh đi kèm cần được đánh giá lâm sàng về di chứng hô hấp, tâm thần và huyết khối cũng như nhu cầu phục hồi chức năng”, BS. Thanh cho biết thêm.
Việc cần làm nhất trong giai đoạn nhu cầu tư vấn, điều trị hậu COVID-19 ngày càng tăng cao là khẩn trương thiết lập các phòng khám chuyên về COVID-19, nơi mà nhiều chuyên gia thuộc đa chuyên khoa có thể hỗ trợ cùng chăm sóc bệnh nhân. Các mô hình chăm sóc sức khỏe cũng cần được mở rộng và tích hợp giữa các ngành để cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất của những người sống sót sau COVID-19 trong thời gian dài.
BS. Khoa cho rằng, để kịp thời phát hiện các triệu chứng hậu COVID-19, sau khi hoàn tất quá trình điều trị, người nhiễm COVID-19 cần chủ động tái khám và theo dõi sức khỏe. Bệnh nhân ở mức nhẹ - trung bình nên tái khám sau xuất viện khoảng 1 tháng, bệnh nhân nặng - nguy kịch sau một tuần xuất viện cần tái khám để kiểm tra. Đồng thời, quá trình quan sát cơ thể phải diễn ra liên tục từ 4-12 tuần sau khi kết thúc quá trình điều trị. Trong quá trình quan sát, người bệnh cần lưu ý các dấu hiệu nặng - nguy hiểm như: Khó thở mới hoặc nặng hơn, đau ngực không rõ nguyên nhân, phù chi dưới mới hoặc xấu đi… để can thiệp kịp thời. Người bệnh cần tập trung vào các triệu chứng cụ thể và đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ.
Còn theo TS. Phan Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, cùng với quá trình tư vấn, điều trị tích cực các triệu chứng, quá trình phục hồi chức năng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp người bệnh sớm thoát khỏi hội chứng hậu COVID-19. Các can thiệp phục hồi chức năng giúp giải quyết một số hậu quả của COVID-19 nặng như: Khiếm khuyết về thể chất, suy giảm nhận thức, khiếm khuyết nuốt, hỗ trợ tâm lý xã hội… Vì phổi thường là cơ quan chịu tổn thương nhiều nhất nên quá trình phục hồi chức năng hô hấp giữ vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, phải hết sức lưu ý đến việc phục hồi chức năng nhằm hạn chế di chứng đến các nhóm cơ quan khác.
Không chủ quan, dành thời gian lắng nghe cơ thể và ghi chú các triệu chứng mới xuất hiện hậu COVID-19 sẽ giúp người bệnh chủ động trong việc điều trị những triệu chứng dai dẳng không mong muốn. Các chuyên gia khuyên rằng, khi nhận thấy các nhóm triệu chứng trở nặng hoặc xuất hiện thêm nhiều triệu chứng mới, người bệnh cần khẩn trương liên hệ bệnh viện có chức năng điều trị hậu COVID-19 để được tư vấn, can thiệp kịp thời nhằm tránh những di chứng không mong muốn về sau./.
Gia Mỹ