Cha đẻ “Biệt động Sài Gòn” qua đời

Hoàng Huyền
Tối 14/5, nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương, đồng tác giả kịch bản bộ phim "Biệt động Sài Gòn", đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 89.

Ngoài tác phẩm Biệt động Sài Gòn, Lê Phương và vợ, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, còn được biết đến là tác giả của những bộ phim dài tập như Ngã ba thời gian, Con nhện xanh, Mã số thần kỳ, Nước mắt đàn bà, Tổ ấm, Chiều không nhạt nắng...

Nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương, cha đẻ của Biệt động Sài Gòn, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ,…, vừa qua đời lúc 20h44 tối 14/5 vì tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 89 tuổi.

Thông tin trên được nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, vợ nhà văn Lê Phương, cho biết.

Bà Trịnh Thanh Nhã cho hay, khoảng 5 năm trở lại đây, sức khỏe Lê Phương bị suy giảm trầm trọng do bệnh phổi. Cả hai người vừa là bạn đời, vừa là đồng nghiệp công tác nhiều năm ở Hãng Phim truyện Việt Nam.

Khi mới về đơn vị, kịch bản đầu tay của bà Thanh Nhã là Chuyện cổ tích dành cho tuổi 17, do Lê Phương trực tiếp hướng dẫn. Hai người không có con chung, nhưng hết sức gắn bó trong công việc, cuộc sống. Bà Thanh Nhã luôn ở bên cạnh chăm lo cho sức khỏe của chồng trong suốt những năm qua.

Về phần mình, đạo diễn Long Vân của phim "Biệt động Sài Gòn" cho biết ông rất buồn khi nhận được tin nhà biên kịch Lê Phương qua đời. Theo ông, Lê Phương là người bạn thân thiết, ăn ý trong công việc.

"Khi đọc kịch bản của ông, tôi thẳng thắn chia sẻ cảm nghĩ, ông Phương đều lắng nghe. Trong cuộc sống, ông ít nói, trầm ngâm, nhưng nói ra câu nào cũng đều thâm thúy, đáng suy ngẫm", đạo diễn Long Vân chia sẻ.

Rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, những người yêu mến hai vợ chồng nhà biên kịch Lê Phương và Trịnh Thanh Nhã đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến bà.

nha-van-nha-bien-kich-le-phuong-cha-de-cua-biet-dong-sai-gon-qua-doi-toi-14-5-dulichgiaitri-giai-tri-1652770936.png
Một phân cảnh trong phim Biệt động Sài Gòn

Chặng đường làm nghệ thuật của Lê Phương

Nhà văn Lê Phương, tên khai sinh là Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1933 tại làng Thiết Úng (còn có tên Nôm là làng Ống), xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Năm 16 tuổi, ông vào quân đội. Năm 20 tuổi, ông gia nhập đơn vị khảo sát chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 23 tuổi, ông là chiến sĩ thuộc Cục Bảo vệ chính trị Bộ Quốc phòng, làm nhiệm vụ thâm nhập sâu vào giới chủ Hoa kiều ở Hải Phòng.

Từ những trải nghiệm ở chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã viết nên truyện ký Thử lửa, kể về một đội thanh niên xung phong đang mở đường thì gặp máy bay của Pháp oanh tạc. Tác phẩm sau đó được in trên báo Cứu Quốc Quân.

Năm 1960, ông chuyển sang làm nhà báo rồi nhà văn, chuyên viết về đề tài công nhân. Ông cho ra đời tiểu thuyết Bất khuất, tiểu thuyết đầu tay viết về vùng mỏ, được in lần đầu năm 1963 bởi Nhà xuất bản Lao Động.

Trong giai đoạn từ năm 1963-1978, Lê Phương đã xuất bản 7 cuốn tiểu thuyết với nhiều đề tài khác nhau. 7 tác phẩm đó bao gồm: Pháo đài 44 (nói về các chiến sĩ pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng, 1965), Thung lũng Cô Tan (viết về địa chất, 1973), Bạch Đàn (đề tài lâm nghiệp, 1975), Ngã Ba thời gian (đề tài thủy lợi, 1978), Bông mai mùa lạnh, Vết xích đường mòn…

Năm 1977, ông Lê Phương bắt đầu đến với môn nghệ thuật thứ 7, chấp bút cho nhiều kịch bản phim. Từ thập niên 1990, Lê Phương bắt đầu viết phim truyền hình, nổi tiếng với bộ phim Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ.

Lê Phương không viết nhiều nhưng các tác phẩm của ông đều ghi dấu ấn sâu đậm với khán giả, như Nơi gặp gỡ tình yêu (2 tập, 1980), Biệt động Sài Gòn (4 tập, viết chung với Nguyễn Thanh)...

Sau đó, ông cùng vợ là nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cùng nhau viết chung những bộ phim dài tập như Ngã ba thời gian, Con nhện xanh, Mã số thần kỳ, Nước mắt đàn bà, Tổ ấm, Chiều không nhạt nắng...

Nhà biên kịch Lê Phương và nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nổi tiếng trong giới văn chương và phim ảnh là một cặp vợ chồng tri kỷ, đã cùng nhau chắp bút cho nhiều kịch bản phim truyền hình nổi tiếng. Cả hai luôn yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau sáng tạo nên những kịch bản phim để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng.

NGỌC HÀ