Cha mẹ giúp con an toàn trên thế giới “ảo”

Hoàng Huyền
Mạng xã hội ngày càng phổ biến và trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại. Nhiều trẻ em cũng sớm được tiếp xúc với điện thoại, có tài khoản mạng xã hội ngay từ khi còn nhỏ. Các em dễ dàng tiếp cận với nhiều luồng thông tin trên mạng, trong đó có những thông tin độc hại.

Do đó, cha mẹ cần giúp con có kỹ năng lướt web, tham gia mạng xã hội an toàn và hiệu quả.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ thế giới “ảo”

Mạng xã hội mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ, cho phép các con kết nối, chia sẻ cùng nhau ngay cả khi không đến lớp. Con có thể liên lạc với bạn để chia sẻ tài liệu, trao đổi học tập hay giúp nhau giải đáp thắc mắc ở lớp. Mạng xã hội còn là sợi dây để học sinh được kết nối với những người có cùng sở thích. Nhiều tài liệu học tập bổ ích được chia sẻ trên mạng xã hội là nguồn kiến thức vô cùng quý giá để phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu của các em học sinh… Thế nhưng, bên cạnh những lợi ích thiết thực đó, mạng xã hội còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như: Có rất nhiều thông tin không lành mạnh trên mạng xã hội có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, mạo danh tổ chức, cá nhân; nội dung mang tính bạo lực, thông điệp thù hận, văn hoá phẩm đồi truỵ; nội dung gây sợ hãi, thù địch, đe dọa, bắt nạt, quấy rối trên mạng; nội dung khuyến khích sử dụng chất gây nghiện; nội dung khuyến khích việc tự sát và tự gây tổn thương…

cha-me-giup-con-an-toan-tren-the-gioi-ao1-dulichgiaitrivn-giao-duc-1648735910.jpg
Ảnh minh họa

Theo TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, thống kê cho thấy, có 76,95 triệu người dùng internet và mạng xã hội ở Việt Nam vào tháng 1/2022. Đa số trẻ em bắt đầu sử dụng internet chủ động từ 9-11 tuổi. Độ tuổi trẻ em bắt đầu sử dụng internet ngày càng giảm, thậm chí có trẻ 2-3 tuổi đã bắt đầu sử dụng thiết bị kết nối mạng internet. Nhóm 7-12 tuổi tiếp cận sử dụng internet và mạng xã hội đã tăng lên gấp 3 lần trong 10 năm qua. Trẻ vào mạng chủ yếu chat, chơi game, gửi tin nhắn, đọc tin, đăng ảnh, xem phim, nghe nhạc, mua sắm, thư điện tử, học tập và tìm kiếm thông tin…

Đặc biệt, đối với trẻ ở tuổi dậy thì, các tuyến sinh dục hoạt động mạnh mẽ khiến các con bắt đầu tò mò về giới tính, quan tâm đến sức khỏe sinh sản và nhu cầu tình dục bắt đầu nảy nở. Vì vậy trẻ thường chủ động tìm kiếm các nội dung 18+. Theo một số thống kê, các nội dung 18+ đang chiếm khoảng 21% các nội dung trên mạng nên đôi khi trẻ vô tình tiếp cận với những nội dung này cũng không phải là trường hợp cá biệt.

“Trong thế giới công nghệ hiện nay, không thể tuyệt giao con với mạng internet được vì ở trên đó cũng là tri thức, là kết nối, là cơ hội việc làm và cơ hội phát triển cho con. Tất nhiên trên mạng xã hội cũng có rất nhiều cạm bẫy. Mà cạm bẫy thì mình sẽ học kỹ năng để tránh. Nhiều cha mẹ thấy con xem hình ảnh nhạy cảm, chơi game quá đà hoặc kết giao với bạn xấu… thì trút bực tức lên con hoặc chiếc điện thoại, điều này chỉ mang đến cho con một biểu tượng rất xấu xí về hình ảnh cha mẹ nóng giận, mất kiểm soát cảm xúc; khiến con cảm thấy tội lỗi, đau khổ, làm rạn nứt mối quan hệ cha mẹ - con cái” – TS Trần Thành Nam cho biết.

Do đó, cha mẹ cần nhận ra rằng, con có thể đến tuổi tìm hiểu về vấn đề giới tính và chúng ta đã giáo dục con quá muộn, hoặc đã vô tư đưa cho con thiết bị kết nối mạng internet mà hoàn toàn không hướng dẫn con một phương pháp an toàn nào cả. Do vậy, cha mẹ cần trang bị cho con kiến thức về an toàn mạng. Đồng thời, sẵn sàng nói chuyện với con về kiến thức 18+ theo tiếp cận khoa học như mối quan hệ giữa tôn trọng và an toàn, biết cách đặt chế độ hạn chế các nội dung 18+ trên điện thoại của con; sử dụng chức năng quản lý thời gian sử dụng điện thoại của con từ xa; cài các ứng dụng quản lý việc sử dụng phần mềm và các trang web truy cập. Việc quản lý qua ứng dụng như thế vừa vẫn tôn trọng quyền riêng tư mà vẫn giúp con an toàn trên thế giới ảo…

Trang bị kỹ năng sử dụng mạng an toàn cho trẻ

TS Trần Thành Nam nhấn mạnh: Để quản lý con trên mạng xã hội, cha mẹ cần giúp con nhận biết đặc điểm thông tin số là sao chép nhanh chóng và phân phối, lan truyền dễ dàng, được lưu trữ nhiều nơi với mức độ tìm kiếm khác nhau, nhiều thông tin được tạo và truyền đạt tự động. Do đó, các con cần hình thành một số năng lực công dân số như tự nhận diện bản thân trên mạng, hình thành khái niệm cơ bản/phức tạo liên quan đến mạng; kỹ năng an toàn khi sử dụng mạng internet; bảo mật khi lên mạng; kỹ năng giao tiếp và tạo dựng mối quan hệ trên cộng đồng mạng; ứng phó với bắt nạt trực tuyến và các sự cố trên mạng; quyền sở hữu và sao chép thông tin, nhận ra những hệ quả tiềm ẩn từ những hành vi bình thường tưởng như vô hại; điền thông tin cá nhân vào các hồ sơ trên mạng…

cha-me-giup-con-an-toan-tren-the-gioi-ao2-dulichgiaitrivn-giao-duc-1648735926.jpg
TS TRẦN THÀNH NAM

Ví dụ, cha mẹ có thể cho các con biết: Hành vi tải các hình ảnh, video clip không rõ nguồn gốc có thể khiến máy tính, điện thoại dính virus, mất dữ liệu, cho phép hacker đánh cắp thông tin cá nhân; việc phản hồi các tin tức gây hấn hoặc quấy rối người khác là tiếp tay cho kẻ xấu gây tổn thương cho người khác, làm vấn đề càng trở nên nghiêm trọng, nạn nhân có thể có các hành vi tiêu cực với bản thân họ do không chịu nổi áp lực từ dư luận; việc đăng hình ảnh trên mạng, kẻ xấu có thể chế giễu bằng các bình luận hoặc có thể cắt ghép, chế ảnh của trẻ để làm trò đùa, để bôi nhọ hình ảnh trên mạng. Khi đăng thông tin cá nhân cụ thể trên blog hoặc các trang mạng xã hội, kẻ xấu có thể đọc và chia sẻ các thông tin với mục đích xấu như chế giễu, bôi nhọ, sử dụng thông tin đó để bịa đặt, xuyên tạc, làm hại trẻ… Khi trẻ nói chuyện/chat với người lạ trong các nhóm chat (phòng chat/chat room), kẻ xấu có thể lợi dụng để thu thập thông tin cá nhân, làm quen và có các ý đồ khác như xâm hại, bắt cóc… Trẻ sử dụng webcam khi chat trực tuyến, kẻ xấu có thể lợi dụng để thấy được nơi ở để dụ dỗ thực hiện các hành vi không lành mạnh, lưu lại và lấy video đó đe dọa, đăng lên cho mọi người xem. Nếu con gặp mặt người lạ trên mạng ở ngoài đời thực, kẻ xấu có thể lợi dụng để xâm hại, bắt cóc, trộm cướp, lừa đảo…

“Những rủi ro mất thông tin cá nhân do bị mất hoặc bị ăn cắp thiết bị, bị hack hoặc nhiễm phần mềm độc hại, rò rỉ thông tin ngoài ý muốn, do con hoặc người thân sơ ý, tự cung cấp thông tin cho người khác. Lúc đó, cha mẹ cần trao đổi với trẻ các kiến thức căn bản như: Cài đặt mật khẩu mạnh, hỗ trợ hướng dẫn con sử dụng mật khẩu khó đoán, có ít nhất 6 ký tự và có ký tự đặc biệt, sử dụng mật khẩu khác nhau cho các tài khoản khác nhau, không chia sẻ mật khẩu cho người khác” – TS Thành Nam nhấn mạnh,

Khi trẻ nghiện trò chơi điện tử, cha mẹ cần hỗ trợ, tư vấn trong việc lựa chọn trò chơi phù hợp với con, có văn hoá và có tính giáo dục, không chơi game có chứa bạo lực, đánh bạc, khiêu dâm hoặc sai lệch về đạo đức; sắp xếp thời gian phù hợp khi chơi game, không quá 6h/tuần, để không ảnh hưởng đến những hoạt động khác trong cuộc sống; không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản với người chơi khác; không đồng ý gặp mặt các game thủ ngoài đời thật. Khi kết nối mạng xã hội, cha mẹ cần giúp trẻ nhận diện người mà mình kết bạn là ai, kiểm tra hình ảnh có phải là ảnh thực không, kiểm tra các bạn bè chung, địa điểm, nơi ở của người kết bạn, các hoạt động chia sẻ trên trang của người đó, xác định được các rủi ro khi có mối quan hệ bạn bè trên mạng, từ đó, đưa ra các nguyên tắc để bảo vệ các thông tin cá nhân. Cha mẹ hướng dẫn trẻ biện pháp xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm trên mạng như bị bắt nạt, bị bạo lực trên mạng…

“Cha mẹ hãy tìm hiểu các ứng dụng yêu thích của các thành viên trong gia đình và của con; đưa ra nguyên tắc tổ chức cuộc sống số, cùng con cam kết cùng xem 1 chương trình online; thảo luận về thời gian không sử dụng mạng xã hội/internet; thỏa thuận về các nguyên tắc an toàn trên mạng; trao đổi về các giá trị của mạng xã hội đối với gia đình… từ đó, có thể cùng con tham gia mạng internet một cách an toàn và hiệu quả” – TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

QUỲNH NHƯ