Chị Huỳnh Thị Thu Hà sinh năm 1975, ở Tiền Giang là một trong những gương nông dân xuất sắc năm 2023. Trước khi làm giàu từ nghề nông chị Hà từng học sư phạm và đi dạy học được thời gian ngắn. Tuy nhiên kể từ khi lấy chồng chị đã giã từ "nghề gõ đầu trẻ".
Tiết lộ về quá trình làm giàu tại địa phương chị Hà cho hay, ban đầu khởi nghiệp được 5 công đất của hồi môn. Lúc đó hai vợ chồng chị Thu Hà ngày ngày cày sâu, cuốc bẫm làm lúa giống. Cả hai xuất thân từ con nhà nông nên chăm chỉ làm việc, đặc biệt với tính ham học hỏi và xác định làm lúa giống mới thu lãi cao, vợ chồng chị Thu Hà miệt mài sản xuất, tích tụ ruộng đất.
Cũng theo chị nông dân Thu Hà, so với trồng lúa ngang (lúa lương thực) thì làm lúa giống đòi hỏi nhiều công phu, tâm sức và kỹ thuật cao, nghiêm ngặt, như cơ giới hóa khâu làm đất, khâu thu hoạch, sạ hàng, IPM, ba giảm ba tăng, bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc... Bù lại, toàn bộ lúa giống chị Thu Hà làm ra được các trung tâm giống ở Tiền Giang và Long An thu mua hết với giá tốt.
Từ khi bắt tay làm lúa giống không ngày nào chị không học hỏi. Năm 2013, khi thấy nhu cầu lúa giống trong nông dân cao, chị Thu Hà thành lập Cơ sở dịch vụ Lúa Vàng chuyên cung cấp lúa giống cho nông dân cho đến nay. Ban đầu đến với trồng "hạt ngọc trời" chị nhận thấy tiềm năng. Vốn gia đình có 4 ha chị tất tay trồng lúa giống. Tuy nhiên ruộng nhà không thể đáp ứng nhu cầu thị trường, chị Thu Hà nảy sinh ý định liên kết với nông dân xây dựng cánh đồng lớn làm lúa giống. Thế là sau khi xây dựng cánh đồng lớn làm lúa giống ở địa phương, chị Thu Hà bành trướng sang khu vực Đồng Tháp Mười, Long An. Hiện, chị Thu Hà có 160 ha đất liên kết làm lúa giống với nông dân ở Tiền Giang và Long An.
Nói thêm về phương thức liên kết, chị Thu Hà cho biết, chị đưa giống lúa nguyên chủng đầu dòng cho nông dân làm, bao công sạ, cấy cho nông dân; ký hợp đồng thu mua lúa theo giá thị trường và cộng thêm cho nông dân 800 đồng/kg lúa… Chị Thu Hà tính, với cách làm ăn này, trung bình nông dân có lời 2 triệu đồng/công đất.
"Mô hình liên kết cánh đồng lớn làm lúa giống đang hoạt động tốt, số lượng hộ tham gia ngày càng tăng", chị Thu Hà bộc bạch với Dân Việt.
Ban đầu khởi nghiệp diện tích lúa còn vừa phải đến nay tăng dần theo năm tháng. Với diện tích trồng lúa giống lớn như hiện tại gia đình chị Thu Hà đã xây kho bảo quản lúa, xây 8 lò sấy 15-30 tấn/lò…, đặc biệt là 160 ha đất liên kết canh đồng lớn làm lúa giống với nông dân.
Nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp vợ chồng chị Hà đang xây dựng thương hiệu độc quyền cho một loại lúa có lên Lúa Vàng dẻo, thơm và kháng bệnh. Vợ chồng chị đang cho lai tạo làm thuần loại giống lúa này.
Kể từ ngày trồng lúa giống, kinh tế gia đình chị ngày một giàu mạnh. Có tiền trong tay chị Hà không ngần ngại góp phần phát triển quê hương. Trước đó, để góp phần với chính quyền làm nông thôn mới, chị Hà đã hỗ trợ đóng góp 50 triệu đồng cho công trình tuyến đường Nguyễn Văn Nên. Không chỉ vậy hàng năm đóng góp các loại quỹ như quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa; tặng quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Vừa phát triển kinh tế gia đình, nông dân Thu Hà còn giải quyết việc làm cho 40-50 lao động tại địa phương với mức lương trung bình 9 triệu đồng/người/tháng.
Từ những thành tích về lao động sản xuất và những đóng góp xây dựng quê hương, tạo sinh kế cho người dân và tăng thu nhập cho nông dân, chị Thu Hà đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của UBND huyện Châu Thành, của Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang… suốt những năm qua. Đáng chú ý năm 2023, chị Huỳnh Thị Thu Hà vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là Nông dân xuất sắc 2023.
Nhận định về chị nông dân làm kinh tế giỏi nói trên ông Huỳnh Công Minh, Trưởng ban Kinh tế-Xã hội Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh chia sẻ với TTXVN: Chị Hà được biết đến là gương điển hình trong sản xuất đạt hiệu quả cao nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật cùng sự thành công trong hoạt động kinh doanh với doanh thu hơn 3,1 tỷ đồng/năm.
Mô hình sản xuất lúa giống của gia đình chị Hà, từng bước dịch vụ hóa tất cả các khâu, từ giống, làm đất, chăm sóc, quản lý nước đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tồn trữ…, đồng thời góp phần tăng cường liên kết bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông), chủ động trong sản xuất, điều tiết và tiêu thụ lúa gạo. Khi tham gia mô hình này, nông dân dùng giống xác nhận, biết cách quản lý dịch hại hiệu quả, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bón phân đúng nhu cầu của cây lúa, không bón thừa đạm, chất lượng gạo tăng lên qua việc áp dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp “4 đúng”, giảm thiểu lượng thuốc lưu tồn trong gạo… Đây là tiền đề để tiến đến xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, hướng đến xuất khẩu. Có thể khẳng định, trong quá trình thực hiện xây dựng mô hình “cánh đồng lớn”, các bên tham gia đều thụ hưởng lợi ích một cách cao nhất.
Gợi ý bà con nông dân kỹ thuật chọn hạt giống lúa khỏe và xử lý giống trước khi gieo sạ
Theo Trung tâm khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, giống lúa là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong sản xuất lúa. Muốn có cây lúa khoẻ thì chắc chắn phải có hạt giống tốt và khoẻ mạnh. Gieo trồng hạt giống khoẻ, có chất lượng cao là điều kiện cần thiết để có một vụ mùa thu hoạch cao (có thể tăng năng suất từ 5-20 %) và góp phần gia tăng chất lượng nông sản hàng hóa. Vì khâu để giống và chọn giống phải có chất lượng tốt thì cây lúa trồng sau này sẽ được khoẻ mạnh, chịu đựng được và vượt qua được điều kiện bất lợi của môi trường.
Hạt giống khoẻ là hạt giống phải có những yêu cầu sau:
- Hạt giống phải thuần, đúng giống, phải đồng nhất về kích cỡ, giống không bị lẫn những giống khác, hạt cỏ và tạp chất. Hạt giống phải sáng mẩy, không hoặc có rất ít hạt lem (chỉ chấp nhận có hạt lem 0,5 % bị lẫn trong hạt giống, nghĩa là 1.000 hạt chỉ có 5 hạt hạt lem), có rất ít hạt lửng và hạt bị dị dạng.
- Tỉ lệ nẩy mầm cao ( hơn 80 %) và cây mạ phải có sức sống mạnh.
- Hạt giống không bị côn trùng phá hoại (sâu mọt), không lẫn hạch nấm hoặc không mang mầm bệnh nguy hiểm.
Các biện pháp xử lý hạt giống trước khi ngâm ủ:
Hiện nay có rất nhiều biện pháp để làm cho hạt lúa giống sạch bệnh như :
- Xử lý 3 sôi 2 lạnh khi ngâm ủ hạt lúa giống. Vừa phá được miên trạng của hạt giống, vừa diệt được mầm bệnh hại bám trên hạt lúa.
- Dùng muối NaCl - 15% để ngâm lúa giống, thời gian 30-36 giờ.
- Dùng phương pháp vật lý để xử lý hạt giống. Người ta cho hạt giống đi qua một công cụ sử dụng nguyên tắc công nghệ Plesma và chùm điện tử yếu. Mầm mống sâu bệnh ở vỏ bọc của hạt sẽ bị tiêu diệt, phần nội nhũ bên trong và ADN không bị ảnh hưởng, hạt giống nẩy mầm tốt và phát triển bình thường.
- Phương pháp dùng hóa chất, phương pháp này được nông dân thường sử dụng để tiêu diệt mầm mống sâu bệnh, nhưng đôi khi để lại tác dụng xấu đối với môi trường và đất đai.
Trúc Chi (t/h)