Chính thức triển khai Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan

Admin
(Chinhphu.vn) - Sau 2 năm thí điểm, ngành Hải quan triển khai chính thức Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan kể từ ngày 4/12/2024, với mục tiêu mang lại sự hài lòng và giúp doanh nghiệp tăng mức tuân thủ, giữ nguyên mức độ tuân thủ.
Chính thức triển khai Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan- Ảnh 1.

Hải quan nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao  mức độ tuân thủ pháp luật

Kể từ năm 2021, Tổng cục Hải quan công khai mức độ tuân thủ giúp các doanh nghiệp có thể tra cứu mức độ tuân thủ (gồm Mức 1: Doanh nghiệp ưu tiên; Mức 2: Tuân thủ cao; Mức 3: Tuân thủ trung bình; Mức 4: Tuân thủ thấp; Mức 5: Không tuân thủ) và biết được tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa, đây là một trong những cải cách của ngành Hải quan. Bởi, ở nhiều quốc gia, công tác quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ, xếp hạng mức độ tuân thủ thuộc về vấn đề nội bộ và không được cơ quan Hải quan công bố công khai.

Cùng với việc công khai mức độ tuân thủ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan (theo Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ) với mục tiêu cung cấp những giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu để nâng cao mức độ tuân thủ, giảm tỷ lệ kiểm tra của cơ quan Hải quan.

Chương trình thí điểm được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2022), cơ quan Hải quan ghi nhận có 213 doanh nghiệp tham gia chia theo kim ngạch, tính chất hoạt động xuất nhập khẩu tại 35 cục hải quan tỉnh, thành phố.

Giai đoạn 2, cơ quan Hải quan đặt mục tiêu tăng số lượng doanh nghiệp tham gia Chương trình lên 20% (tương đương 40 doanh nghiệp). Trên thực tế, trong giai đoạn này, cơ quan Hải quan ghi nhận có thêm 82 doanh nghiệp tham gia (tương đương tăng 38,5%), nâng tổng số doanh nghiệp tham gia Chương trình lên 295 doanh nghiệp.

Trong 2 năm triển khai thí điểm Chương trình, cơ quan Hải quan đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thành viên. Đó là, thực hiện tư vấn, hỗ trợ hướng dẫn đối với doanh nghiệp thành viên Chương trình khi có yêu cầu. Toàn ngành đã ghi nhận 555 đề nghị hỗ trợ vướng mắc của các doanh nghiệp thành viên Chương trình, với 100% đề nghị đã được các cục hải quan tỉnh, thành phố xử lý, hỗ trợ, giải đáp và doanh nghiệp không phát sinh thêm vướng mắc.

Một số đơn vị đã chủ động bố trí khu vực riêng có biển chỉ dẫn để kiểm tra hồ sơ, bố trí nguồn lực và thời gian, đồng thời phân công công chức có kinh nghiệm, trình độ để kiểm tra hàng hoá.

Ngoài ra, cơ quan Hải quan còn tạo điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp thành viên trong việc áp dụng biện pháp kiểm tra bằng máy soi đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) của doanh nghiệp. 

Cùng với đó, cơ quan Hải quan đã thực hiện cung cấp các thông tin cảnh báo, khuyến nghị cho doanh nghiệp thành viên về các yếu tố làm ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ của doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động phòng, tránh các lỗi vi phạm pháp luật hải quan, đảm bảo duy trì hoặc cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật. 

Doanh nghiệp giảm chi phí nhờ tuân thủ tốt pháp luật hải quan 

Theo Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), sau 2 năm triển khai thí điểm, trong số 295 doanh nghiệp tham gia, có trên 80% doanh nghiệp duy trì được mức độ tuân thủ và tăng mức độ tuân thủ. Trong đó có 118 doanh nghiệp nâng mức độ tuân thủ từ mức 3, 4, 5 lên mức 2, 3; 135 doanh nghiệp giữ nguyên mức độ tuân thủ (mức 2, 3).

Đối với những doanh nghiệp có mức độ tuân thủ thấp được nâng mức độ tuân thủ sẽ có tỷ lệ kiểm tra thấp hơn, dẫn đến thời gian thông quan hàng hóa nhanh hơn.

Đối với những doanh nghiệp giữ vững được mức độ tuân thủ (tuân thủ tốt) sẽ được cơ quan Hải quan ghi nhận phải đáp ứng ở các tiêu chí như tờ khai, kim ngạch càng lớn, tương tự như đối với doanh nghiệp ưu tiên cũng phải đáp ứng các tiêu chí về tờ khai, kim ngạch.

Nhiều doanh nghiệp thành viên tham gia Chương trình thí điểm cho biết, trước khi tham gia Chương trình thí điểm, doanh nghiệp thường xuyên bị động tuân thủ pháp luật hải quan, thường xuyên phụ thuộc vào sự hướng dẫn, "cầm tay chỉ việc" của cán bộ, công chức hải quan. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia Chương trình, bất cứ hoạt động của doanh nghiệp đều mang tính tự nguyện, chuyển từ bị động sang chủ động tuân thủ pháp luật.

Chương trình thí điểm mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp về thời gian, chí phí. Nếu doanh nghiệp có tỷ lệ tờ khai luồng Xanh nhiều hơn thì hàng hóa được giải phóng nhanh. Đối với tờ khai luồng Vàng, doanh nghiệp phải kiểm tra hồ sơ hải quan, doanh nghiệp sẽ mất thời gian hơn để giải phóng hàng hóa.

Tương tự, đối với tờ khai luồng Đỏ, ngoài phải kiểm tra hồ sơ, doanh nghiệp còn phải kiểm tra thực tế hàng hóa, thay vì doanh nghiệp đưa hàng hóa từ cửa khẩu về thẳng nhà máy sản xuất, thì doanh nghiệp phải đưa hàng hóa về trụ sở cơ quan Hải quan để kiểm tra dẫn đến phát sinh các chi phí, thời gian, con người.

Như vậy, khi doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật, tỷ lệ tờ khai luồng Xanh tăng lên, luồng Vàng, luồng Đỏ giảm cũng đồng nghĩa với việc cả doanh nghiệp và cơ quan Hải quan tiết kiệm được thời gian, chi phí, nguồn lực.

Đưa chương trình vào triển khai chính thức

Ngày 4/12/2024, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 2790/QĐ-TCHQ chính thức triển khai Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. 

Tại Quyết định số 2790/QĐ-TCHQ, Tổng cục Hải quan đặt mục tiêu: Trên 80% doanh nghiệp tham gia Chương trình tăng mức tuân thủ hoặc giữ nguyên mức độ tuân thủ Mức 2, Mức 3; trên 80% doanh nghiệp tham gia hài lòng về các biện pháp hỗ trợ của cơ quan Hải quan.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ Mức 2, Mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động XNK.

Hỗ trợ doanh nghiệp thành viên về thủ tục

Theo đó, để hỗ trợ và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thành viên, cơ quan Hải quan bố trí khu vực riêng, phân công, bố trí công chức, chuyên gia nghiệp vụ hải quan các cấp trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa đối với hàng hóa XNK của doanh nghiệp thành viên.

Cơ quan Hải quan cũng phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi để tạo thuận lợi làm thủ tục giao nhận hàng hóa, địa điểm bốc, dỡ, xếp, lưu giữ hàng hóa. Đồng thời, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình làm thủ tục hải quan, giải đáp các văn bản, câu hỏi nghiệp vụ của doanh nghiệp thành viên.

Các doanh nghiệp thành viên cũng được cơ quan Hải quan cảnh báo rủi ro trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan; cảnh báo xu hướng rủi ro về an ninh chuỗi cung ứng, xâm phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực XNK, các rủi ro nội bộ của doanh nghiệp trong hoạt động XNK theo các khuyến nghị từ các cơ quan có thẩm quyền, tổ chức có trách nhiệm trong nước và trên thế giới.

Cơ quan Hải quan xem xét tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng kiểm tra bằng máy soi khi doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đối với việc thực hiện thủ tục XNK, quá cảnh hàng hóa của doanh nghiệp.

Cụ thể, thay đổi địa điểm soi chiếu đối với hàng hóa XNK của doanh nghiệp để giảm chi phí, nguồn lực vận chuyển. Doanh nghiệp thành viên đề nghị cơ quan Hải quan soi chiếu đối với hàng hóa XNK của doanh nghiệp. Cung cấp thông tin kết quả đánh giá tuân thủ, nguyên nhân kết quả đánh giá tuân thủ, cảnh báo các yếu tố làm giảm mức độ tuân thủ của doanh nghiệp thành viên.

Doanh nghiệp thành viên được ưu tiên

Với mong muốn tuyên truyền phổ biến cũng như giúp doanh nghiệp thành viên cập nhật kịp thời chính sách pháp luật hải quan, cơ quan Hải quan thực hiện hỗ trợ, cung cấp các thay đổi về thủ tục, chính sách, quy định về quản lý chuyên ngành, quy định về xử phạt vi phạm hành chính, pháp luật hải quan, pháp luật thuế.

Đối với các chương trình hội thảo, hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp để xây dựng các chính sách, quy trình, quy định thực hiện thủ tục hải quan, các cục hải quan các tỉnh, thành phố ưu tiên gửi tài liệu và mời chính thức các doanh nghiệp thành viên tham dự đóng góp ý kiến. Đồng thời, tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao tuân thủ, tập huấn các chính sách mới, ưu tiên tham gia đối với các doanh nghiệp thành viên.

Doanh nghiệp thành viên được cung cấp các thông tin về các đại lý làm thủ tục hải quan; cơ quan, tổ chức kiểm định. Hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác với cơ quan Hải quan, chủ động phòng, tránh các lỗi vi phạm pháp luật hải quan, phòng tránh rủi ro trong chuỗi cung ứng XNK, đảm bảo duy trì hoặc cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật.

Phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ, hướng dẫn cho doanh nghiệp thành viên các biện pháp khắc phục, giảm thiểu hậu quả các lỗi, vi phạm trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, đảm bảo đúng quy định của pháp luật đối với một số trường hợp đặc biệt theo đề nghị của doanh nghiệp thành viên.

Triển khai ứng dụng công nghệ, số hóa các thông tin, dữ liệu liên quan trong khuôn khổ Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan để đáp ứng yêu cầu về theo dõi, đánh giá tuân thủ đối với doanh nghiệp thành viên. Quản lý dữ liệu hồ sơ doanh nghiệp tham gia Chương trình trên cơ sở chuyển đổi số; đảm bảo việc quản lý tình hình hoạt động, quá trình sản xuất của doanh nghiệp từ khâu đầu đến khâu cuối.