Chữ, nghĩa và những điều chói tai, gai mắt

Admin
Tiếng Việt rất phong phú nhưng hiện nay nhiều người nói hoặc viết thiếu cân nhắc - nếu không muốn nói là cẩu thả - dẫn đến những trường hợp dùng từ sai đến buồn cười.

Đơn cử “cưỡng hôn” là từ Hán - Việt chỉ một cuộc hôn nhân bị ép buộc - do cha mẹ áp đặt không có sự đồng ý của người con - thường là con gái. Nhưng thời gian gần đây, từ “cưỡng hôn” đã bị nhiều người - kể cả nhiều người viết báo mạng hiểu sai nghĩa gốc, bị “Việt hóa” sai trở thành sự việc bị hôn ép buộc, hôn ẩu, hôn không được sự đồng ý (thường là của cô gái). Từ “hôn” trong trường hợp này thuần Việt, là hành động hôn hít tỏ vẻ thương yêu hay thích thú. Việc “hôn không phép” này khiến anh chàng dê xồm có thể bị ăn… bạt tai hoặc thậm chí bị công an mời ra đồn làm việc! Nếu cô gái là một người nổi tiếng bị một anh dê xồm đè hôn trong thang máy chẳng hạn, rồi sự việc vỡ lở, nhiều khi có cả lô báo mạng nhảy vào tường thuật và xúm nhau viết là cô nàng hotgirl kia bị… cưỡng hôn! Sai lầm thảm hại!

Có thể kể thêm vô số sự nhầm lẫn trong cách viết từ ngữ Hán - Việt và thuần Việt. Không chỉ những người bình dân, như chủ cái quán nhậu có bụi tre bèn viết “Cây Tre quán” (viết đúng tiếng Việt là “quán Cây Tre”. Còn muốn viết theo Hán - Việt cho... oách thì phải viết “Trúc Quán”. Rất nhiều cây viết chuyên nghiệp như nhà văn, nhà báo không thiếu những sai sót nửa vời như: “nữ nhà báo”,“nữ nhà văn”. Viết như thế chưa chuẩn mà phải viết “ nhà văn nữ”, “nhà báo nữ” (thuần Việt). Còn muốn viết theo Hán - Việt cho phải viết “nữ văn sĩ”, “nữ ký giả” hoặc “nữ phóng viên”…

Một trường hợp khác: Chúng ta vẫn thường phải nghe, phải đọc vô số từ ngữ viết sai, nhưng nghe đọc lâu dần thành quen, chẳng ai nhắc đến. Đơn cử: Viết lễ “thượng cờ” không chuẩn xác, nửa vời, bởi “thượng” từ Hán - Việt nghĩa là trên, đưa lên trên, còn “cờ” là từ thuần Việt, đồng nghĩa từ “kỳ” của chữ Hán. Phải viết là “thượng kỳ”, “hạ kỳ”; hoặc viết thuần Việt là lễ kéo cờ (lên, xuống) mới chính xác. Hoặc một sự nhầm lẫn khá phổ biến chúng ta thường nghe trong các trận bóng đá quốc tế hay Olympic, SEA games: Khi sắp bắt đầu một trận bóng đá hoặc khi quốc kỳ được kéo trong lễ trao huy chương vàng cho vận động viên, quốc thiều trỗi lên, nhiều bình luận viên không phân biệt được Quốc thiều (nhạc không lời) và Quốc ca ( nhạc và lời hoặc chỉ có lời - không nhạc). Thay vì phải nói chính xác là Quốc thiều nước X... đang trỗi lên”, nhưng quý bình luận viên vẫn cứ vô tư bình “Quốc ca nước X…”.

Có thể kể thêm vài điều chói tai vẫn phải nghe từ năm này sang năm khác: Truyền hình, báo chí thời gian trước vẫn gọi Ronaldo “béo” (cầu thủ bóng đá người Brazil nổi tiếng cuối thế kỷ 20 - đầu thế kỷ 21) là “người ngoài hành tinh”. Hành tinh nào? Có biết bao hành tinh trong vũ trụ, đâu chỉ có trái đất là hành tinh? Nên chỉ có thể gọi là “người ngoài trái đất”. Một trường hợp khác trong thể thao mà chúng ta vẫn thường nghe, đọc như Ronaldo CR7 (cầu thủ người Bồ Đào Nha) hiện nay đang phá nhiều kỷ lục mọi thời đại (về số bàn thắng cho đội tuyển hoặc CLB, hoặc anh ta chọc thủng lưới nhiều CLB hay đội tuyển quốc gia nhiều nhất). Hoàn toàn không chính xác. Chỉ có thể viết rằng Ronaldo phá mọi kỷ lục “từ trước tới nay” hay “trong lịch sử” chứ không thể viết “mọi thời đại”. Bởi chắc chắn sau này sẽ có người phá những kỷ lục của anh ta. Vậy sao gọi là mọi thời đại?

Còn biết bao sai sót không thể kể xiết. Nhưng đáng trách nhất là hiện nay nhiều báo, đài - những cơ quan truyền thông chính thống cũng đọc, nói hoặc viết sai những lỗi rất trầm trọng. Đơn cử, nhiều lần tôi xem phóng sự hay phỏng vấn của chương trình truyền hình về giáo dục, chiếu hình ảnh người mẹ của một học sinh được nhắc tới trong clip với chú thích: “Bà A - phụ huynh em X!”. Sai trầm trọng!!! Phụ - huynh tiếng Hán Việt nghĩa là cha - anh, chứ Mẹ mà lại gọi là phụ huynh thì quả là đầu óc biên tập viên đó có vấn đề! Viết đúng là: “ Bà A - mẹ của em X”!!! Một việc đáng buồn nữa liên quan tới giáo dục là hiện nay tại nhiều trường học vẫn có những hội vẫn gọi là Hội Phụ Huynh học sinh. Mà đúng ra phải gọi là Hội Cha Mẹ học sinh. Bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ, quyền huynh thế phụ của Khổng Mạnh đã ăn quá sâu vào tâm thức người Việt hàng ngàn năm qua nên chỉ nói đến Cha và Anh thôi mà không nhắc đến Mẹ - người đã mang nặng đẻ đau, chăm sóc, nuôi dưỡng cho con nên vóc nên hình! Được biết mấy năm trước Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo về việc nên đổi tên gọi Hội Phụ Huynh học sinh thành Hội Cha Mẹ học sinh. Nhưng đến nay chỉ có một số rất ít trường chấp hành chỉ đạo của Bộ. Hầu hết vẫn cứ tiếp tục gọi là Hội Phụ Huynh học sinh. Đáng buồn và đáng trách.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Phạm Chu Sa