Chung sức xây dựng nước Việt Nam phồn thịnh

Admin
(PNTĐ) - Ngay trước thềm kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9 (1945-2024), 400 đại biểu kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã trở về quê hương tham dự “Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ Tư” và “Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài” do Bộ Ngoại giao tổ chức.
Chung sức xây dựng nước Việt Nam phồn thịnh - ảnh 1
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các kiều bào tiêu biểu về dự “Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ Tư” và “Diễn đàn Tri thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài”. Ảnh: PV

Đây không chỉ là dịp hội ngộ, trùng phùng của những người con đất Việt từ khắp nơi trên thế giới mà còn là diễn đàn để bà con cùng hiến kế xây dựng đất nước, thực hiện khát vọng xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vững mạnh và đoàn kết, xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, tươi đẹp.
Từ sự đồng lòng của nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài 
Ngay từ những năm tháng đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đã trở về quê hương với sứ mệnh là mở đường bay TP Hồ Chí Minh - Manila, góp phần vào việc phá vỡ thế bao vây cấm vận đối với Việt Nam. Sau đó, ông gom góp tài sản cũng như kêu gọi bạn bè trở về đầu tư tại quê hương và từ đó tiếp tục đồng hành cùng đất nước trong suốt hành trình phát triển và hội nhập quốc tế. Theo ông, thời gian qua, với tầm nhìn chiến lược, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện và ban hành các chính sách mới, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, kinh tế, giáo dục và khoa học công nghệ. Nhờ đó môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt, tạo các cơ chế thuận lợi, không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn là sự trở về của tri thức, kinh nghiệm và tinh thần sáng tạo từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). 

Ông Nguyễn Hoài Daniel kiều bào Mỹ, hiện là Giám đốc Công ty Sông Cái Distillery - một công ty sản xuất phân phối và sở hữu thương hiệu rượu cao cấp. Tạp chí Bloomberg đã xếp Sông Cái vào 1 trong 16 thương hiệu rượu ngon nhất. Điều đặc biệt Sông Cái lại là một thương hiệu thuần Việt. Yếu tố “nguyên liệu thuần Việt” không chỉ đến từ việc nguyên liệu được trồng hoàn toàn tại Việt Nam, mà bao gồm tất cả những yếu tố tạo nên sản phẩm đều thuần Việt - từ các giống lúa, hoa quả, thảo mộc quý như Nếp cái hoa vàng, bưởi Diễn, Mắc khén, đến những nét văn hóa thuần Việt trên bao bì sản phẩm như tranh Hàng Trống, và đặc biệt là chính tên thương hiệu (Sông Cái) cũng thuần Việt. 

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn hay Giám đốc Công ty Sông Cái Distillery chính là minh chứng cho sự trở về và yên tâm làm ăn trên quê hương của các kiều bào Việt. Đúng như ông Johnathan Hạnh đánh giá, hiện nay đang là cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn tại Việt Nam. 

Trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về nước đạt khoảng 230 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ. Tính đến hết năm 2023, NVNONN đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đây là nguồn lực rất lớn phục vụ tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam

Phát biểu tại “Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài” năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, từ một nước bị chiến tranh tàn phá, sau gần 30 năm bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới, tham gia 16 hiệp định thương mại tự do… Góp phần làm nên những thành tựu đó có sự chung sức, đồng lòng của nhân dân cả nước và 6 triệu kiều bào ở nước ngoài. Qua đó, tiếp tục củng cố và tăng cường niềm tin của đồng bào trong và ngoài nước về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về tương lai và cơ đồ đất nước.

Mong có thêm nhiều “Trần Đại Nghĩa”, “Lương Định Của”... thời đại mới 
“Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ Tư” diễn ra trong bối cảnh cả dân tộc ta đang nỗ lực và tăng tốc nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. 

Hiến kế để đất nước có thể tiến xa, tiến mạnh trong thời gian tới, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đề xuất, Chính phủ nên có chiến lược khuyến khích sinh viên, thanh niên Việt kiều về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước.

TS. Lê Viết Quốc, nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại Tập đoàn Google cho rằng: “Việt Nam nên nhận ra rằng tài sản lớn nhất của đất nước chính là con người. Dựa trên nền tảng này, chúng ta nên đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục về trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ở bậc đại học. Việt Nam nên xây dựng một trường đại học tầm cỡ châu Á về trí tuệ nhân tạo, với các chương trình đào tạo chuyên sâu ngay từ những năm đầu”.

Với mong muốn có thể tập hợp, phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn lực của kiều bào cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu mong muốn Nhà nước tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác NVNONN thành các quy định pháp luật cụ thể. Trong thời gian qua, nhiều chính sách, pháp luật đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho kiều bào tham gia nhiều mặt trong đời sống kinh tế xã hội trong nước, đặc biệt trong năm 2023, 2024 đã có bước tiến trong chính sách về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, giúp tháo gỡ vướng mắc khó khăn và huy động nguồn lực của kiều bào cho phát triển kinh tế đất nước.

 Ông Thắng mong Nhà nước sẽ bổ sung các quy định cho phép NVNONN được quyền tham gia ứng cử, bầu cử vào Quốc hội. Mở rộng việc cho phép các Hội đoàn NVNONN trở thành thành viên các tổ chức chính trị - xã hội trong nước, như đại diện các Hội Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài là thành viên Hội LHPN Việt Nam...
Ông Nguyễn Hồng Huệ, Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài lại đề xuất có chính sách thu hút các nguồn lực để xây dựng và tham gia Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam toàn cầu nhằm quy tụ, tập hợp trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, kết nối các hoạt động về khoa học công nghệ, các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại… để tạo ra những giá trị cụ thể, đóng góp trực tiếp cho hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Tại buổi gặp gỡ các đại biểu kiều bào tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: Đảng, Nhà nước ta luôn xác định NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước trên thế giới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong rằng 6 triệu đồng bào ở nước ngoài sẽ muôn người như một, cùng một niềm tin, ý chí, nỗ lực hướng tới thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kêu gọi các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học NVNONN, những người có điều kiện tiếp cận nhanh nhất với công nghệ hiện đại, tri thức tiến bộ, tiếp tục đem trí tuệ, kinh nghiệm, tri thức của mình để hiến kế xây dựng, phát triển quê hương đất nước. Mong bà con không chỉ về nước đầu tư mà còn phát huy mạnh mẽ vai trò cầu nối mang hàng hóa, thương hiệu Việt ra khắp thế giới; quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta với bạn bè quốc tế. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng mong muốn trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều “Trần Đại Nghĩa”, “Lương Định Của”, “Trần Hữu Tước”… thời đại mới về chung tay góp sức xây dựng đất nước.

“Thời gian tới, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực quý báu của kiều bào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các nước để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng NVNONN, hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, hội nhập và phát triển mạnh trong đời sống xã hội nước sở tại”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định.