Chuyến bay giải cứu

Admin
Hôm qua, tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2.

Lại nhớ không khí những ngày ấy.

Sôi đặc, lo âu, chạy chọt, bằng mọi giá để về, hỏi thăm nhau, hỏi cách để về...

Và được chỉ chỗ này chỗ kia, như thế này thế kia, từng ấy tiền từng kia tiền.

Tôi có một số bạn liên quan thời kỳ bay giải cứu này. Liên quan không phải ở phía tiêu cực, mà họ là người trực tiếp bay hay con cháu của họ bay. Và họ... chạy, chạy cho họ hoặc chạy cho người nhà. Chạy để được về.

Giờ đọc thông tin mới biết có hẳn một thiên la địa võng để... đón những người cần giải cứu, cần bay về để "có chết cũng được chết ở nhà", chứ hồi ấy kín bưng, cứ nghe mách là nháo nhào chạy. Kiếm tiền chồng cho "đối tác" để thoát thân cái đã.

Họ, những nạn nhân ấy, không biết là có hẳn những đường dây, những kế hoạch, những con đường vạch sẵn... để tiền họ bỏ ra, một ít vào chi phí thật, còn lại là vào túi những kẻ táng tận lương tâm kia. Những quan chức, doanh nghiệp kia đã nhân danh nhà nước, chạy theo đồng tiền để phá bỏ đi chủ trương vốn dĩ vô cùng nhân văn, ý nghĩa. 

Họ "ăn" từ vé máy bay tới nơi ở cách ly khi về nước. Tất cả nạn nhân của họ trở thành những con cừu ngoan ngoãn chui đầu vào cái lưới của những kẻ táng tận lương tâm này giăng ra.

Mà không thể không tin, bởi những kẻ này nhân danh nhà nước, nhân danh trách nhiệm, nhân danh tình yêu, nhân danh đủ thứ và nạn nhân của họ, những người giàu có không nói làm gì, có nhiều người nghèo tới rất nghèo, đã phải bấm bụng tìm nhiều cách để có tiền nộp cho họ để trở về.

Chuyến bay giải cứu- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Ở giai đoạn một của vụ án, Bộ Công an đã khởi tố 54 bị can về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lần này, mới cỡ phó giám đốc sở mà đã nhận hối lộ tới hơn 4,4 tỷ đồng thì đủ thấy sự lũng đoạn chính sách đúng và tốt đẹp của chính phủ nó kinh hoàng tới cỡ nào.

Một số bạn bè tôi, giờ qua việc rồi, nhưng mỗi khi nhắc lại những ngày ấy, họ vẫn còn kinh hoàng và ấm ức. Việc nó rành rành ra đấy, nhưng không dám nói, nói là lỡ chuyến, là mục đích về nhà sẽ tan, nên bấm bụng mà chịu, mà xùy tiền ra. Tất cả lấy tiền làm hiệu quả, làm thước đo...

Nhưng họ bảo, sau này đọc báo mới biết nó kinh hoàng thế, chứ hồi ấy, ai làm nấy biết, nên họ không hình dung nó lại cả một thiên la địa võng như thế, kết nối nhau chặt chẽ tới thế, từ doanh nghiệp, tới các cơ quan quản lý cấp phép, tới tận địa phương đăng cai cách ly, té ra tất cả là... bẫy, tất cả là tội ác.

Ví dụ ông Trần Văn Tân, nguyên phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam bị xử ở giai đoạn một vụ chuyến bay giải cứu. Ông này sinh năm 1979, quê quán xã Quế An, huyện Quế Sơn; trình độ chuyên môn Tiến sĩ Luật, trình độ chính trị cao cấp, cử nhân Anh văn. Ông từng giữ các chức vụ: Phó Bí thư Huyện ủy Quế Sơn, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy. Và trong cuộc họp HĐND tỉnh Quảng Nam ông Tân được 54/54 phiếu của 54 đại biểu có mặt bầu làm phó chủ tịch khi mới 39 tuổi, tức 100% tán thành và ủng hộ ông làm phó chủ tịch. Và 5 năm sau, trước tòa, trước khi nhận 6 năm tù giam vì nhận hối lộ 5 tỷ đồng, ông Tân đã làm nhiều người sửng sốt vì... đọc thơ trước tòa, những là:  "Trót đà gây việc chông gai / Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng", những là "Vườn nhà dẫu vắng người chăm sóc / Ly trắng đào hồng tự nở hoa", những là nữa: "Một nhà sum họp trúc mai/ Càng sâu nghĩa bể càng dày tình sông" vân vân, khiến nhiều người làm báo, làm văn, và cả sinh viên văn khoa phải ngạc nhiên về khả năng thuộc thơ của ông, có người bảo, ông Tân khiến phiên tòa bớt nặng nề. Nhưng có điều, thi ca nó khiến con người tốt hơn, tử tế hơn, trong sáng hơn, nhưng với ông cựu phó chủ tịch trẻ của tỉnh Quảng Nam này, thơ có vẻ chỉ như đồ trang sức, chứ ông đọc thơ thế, nhưng ông vẫn điềm nhiên nhận hối lộ 5 tỷ đồng từ doanh nghiệp, mà tiền doanh nghiệp là từ đâu, từ những người dân khốn khổ của ông, những người mà ông tự nhận trước tòa "22 năm công tác, 5 năm là phó chủ tịch tỉnh, luôn cố gắng làm việc ngày đêm, cả lễ Tết, ngày nghỉ để giải quyết công việc cho dân". Để đếm được 5 tỷ, cũng phải mất khá nhiều thời gian, cũng có thể được coi là... làm ngày làm đêm.

Đợt 2 này như tôi đã dẫn chứng, mới phó giám đốc một sở mà đã nhận hối lộ tới 4,4 tỷ đồng, đủ biết số tiền phải dùng để chi phí, để bôi trơn, để được về tới Tổ Quốc, với đất mẹ, với gia đình của những công dân khốn khổ hoang mang tột độ ở nước ngoài vì dịch Covid nó đau xót, nó nhẫn tâm và vô liêm sỉ tới mức nào?

Những người đã được trở về, như những bạn tôi kia, giờ họ kể lại với sự bao dung, chuyện qua rồi cho qua, nhưng pháp luật không quên, pháp luật công bằng với mọi người, nên hôm qua, 17 bị cáo đã phải ra tòa vì việc làm hết sức nhẫn tâm, hết sức xấu xa của mình.

Tất nhiên, sẽ lại có người nói như ông Chử Xuân Dũng, cựu phó chủ tịch Tp.Hà Nội, trước tòa ở đợt xử trước: "Gửi lời xin lỗi chân thành, sâu sắc nhất đến Đảng, Nhà nước, toàn thể nhân dân vì sai phạm của mình đã làm ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái của dân tộc. Hôm nay đứng ở đây, tôi trở thành một tội đồ của thành phố, tội đồ trong công tác phòng, chống dịch…, trở thành người phạm tội. Lợi dụng dịch bệnh để phạm tội là tình tiết tăng nặng, rất đau xót".

Ôi giá như họ nói những câu ấy trước khi nhận tiền, trước khi phạm tội thì hay và may biết mấy...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả