Chuyển Cơ quan điều tra vụ bán hơn 8.000 đôi dép giả

Admin
Cục QLTT tỉnh Hải Dương vừa bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vụ việc buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu có trị giá trên 900 triệu đồng.

Trước đó, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, giám sát hoạt động bán hàng trên mạng xã hội Facebook, kết hợp với nắm tình hình kinh doanh trên địa bàn. Ngày 11/7, Đội Quản lý thị trường số 5 Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương chủ trì phối hợp cùng với lực lượng Công an tỉnh Hải Dương, tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Cơ sở kinh doanh dép do ông T.V.H làm chủ có địa chỉ Xóm 14, thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Chuyển Cơ quan điều tra vụ bán hơn 8.000 đôi dép giả- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng lập hồ sơ tại hiện trường.

Qua kiểm tra phát hiện, cơ sở trên kinh doanh hàng hoá không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đang buôn bán 8.500 đôi dép mang nhãn hiệu CROCS  bao gồm 8.100 đôi dép sục gắn quai hậu, 400 đôi dép xỏ ngón không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp kèm theo, có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu CROCS đang được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam. Toàn bộ hàng hoá có dấu hiệu giả mạo bị tạm giữ để xác minh, làm rõ.

Lực lượng chức năng xác định 8.500 đôi dép mang nhãn hiệu CROCS đang tạm giữ là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu CROCS, đang được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam theo Đăng bạ quốc gia nhãn hiệu hàng hóa số 104784. Tổng trị giá hàng hoá vi phạm theo kết quả họp Hội đồng định giá là 916.500.000 đồng . 

Bị điều tra từ việc công khai bán hàng giả thương hiệu trên mạng xã hội

Theo cơ quan chức năng, số dép giả mạo nhãn hiệu trên sau khi mua về được để tại cơ sở kinh doanh để bán kiếm lời. Đồng thời, ông H. có lập một tài khoản Facebook cá nhân mang tên CROCS Hiệu Trần để đăng các hình ảnh sản phẩm dép mang nhãn hiệu CROCS”lấy trên mạng internet nhằm giới thiệu, chào bán cho khách hàng.

Chuyển Cơ quan điều tra vụ bán hơn 8.000 đôi dép giả- Ảnh 2.

Từ tài khoản Facebook các cơ quan chức năng đã xác định được đối tượng vi phạm.

Trên cơ sở kết quả họp liên ngành đánh giá, phân loại vụ việc giữa Công an, Viện Kiểm sát và Quản lý thị trường, xác định vụ việc có dấu hiệu tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Điều 226 Bộ Luật Hình sự, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương đã bàn giao vụ việc cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiếp nhận, thụ lý.

Sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt 15 năm tù

Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Nguyễn Hồng Tâm - Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội cho biết, việc buôn bán hàng giả là hành vi trái pháp luật, tùy theo nội dung, tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chẳng hạn theo quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra còn có thể áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Trong trường hợp tính chất hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả được cơ quan chức năng xác định nghiêm trọng, nguy hiểm xã hội, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể người/tổ chức kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái còn có thể bị khởi tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù với cá nhân, phạt tiền đến 200 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh.