Là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng chuyển đổi số và mang lại hiệu quả cao, thời gian qua, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã nâng cao sản lượng và giá trị rau, củ quả nhờ chuyển đổi số trong sản xuất.
Theo ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, thành lập năm 2016, trong những năm qua, đơn vị đã bước đầu xây dựng được vùng sản xuất rau chứng nhận VietGAP 17,8 ha, 5 ha chứng nhận GlobalGAP. Doanh thu của Hợp tác xã đã tăng lên, thu nhập của thành viên được cải thiện và đơn vị bước đầu xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ với các trường học, bệnh viện, các siêu thị lớn.
Tuy nhiên câu chuyện cũ của vùng rau sạch Chúc Sơn vẫn còn, đó là sản lượng rau, chất lượng rau vẫn chưa thực sự ổn định để cung cấp cho các đối tác, vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi thời tiết có biến động nhiều. Thời tiết thuận lợi sản lượng lại quá dư thừa, thời tiết bất lợi nông dân và Hợp tác xã phải bán rau với giá bèo bọt, thậm chi nhổ bỏ.
Giải quyết điều này, Hợp tác xã đã tìm đến các nhà khoa học, các công ty chuyển đổi công nghệ số để quyết tâm thay đổi hình ảnh cây rau Chúc Sơn và cách tiếp cận với người tiêu dùng.
Từ tháng 12/2016, nhờ sự tư vấn và giúp đỡ của Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam, Hợp tác xã thực hiện ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetas và cụm công nghệ eGap để giúp các hộ sản xuất quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động cho các thành viên. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ số eGap (trước đây là eVietGap) trong truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng của các thành viên.
Để thực hiện được, việc đầu tiên là Hợp tác xã hỗ trợ 50% giá trị một chiếc điện thoại thông minh để 100% thành viên của Hợp tác xã đều sử dụng điện thoại. Các thành viên được tập huấn hướng dẫn truy cập vào các trang dự báo thời tiết hằng ngày và tuần từ trạm Imetos. Đồng thời thực hiện đúng quy trình chụp ảnh toàn bộ quy trình sản xuất của hộ gửi về hệ thống cập nhật dữ liệu của Hợp tác xã.
Năm 2021, Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số tiếp tục hỗ trợ Chúc Sơn thí điểm hoàn thiện ứng dụng quy trình chuyển đổi số một cách đồng bộ trong sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng rau ra thị trường, kết nối tiêu thụ trên 2 sàn thương mại điện tử Kinhpeec/vn và Cadosavn có xác nhận chất lượng eGap trên các tem nhãn sản phẩm.
Mỗi loại sản phẩm rau của Hợp tác xã được xây dựng một quy trình chuẩn để có thể số hóa cho từng loại sản phẩm. Đến nay Hợp tác xã đã số hóa được 15 sản phẩm (rau ăn lá, rau gia vị và rau quả: cà chua, dưa chuột và dưa lưới). Đồng thời tập huấn và chuẩn hóa quy trình chụp ảnh gửi lên hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử của Hợp tác xã cho 26 mã hộ, với diện tích sản xuất tăng từ 3 hạ lên 12,8 ha.
Kết quả từ năm 2017, Hợp tác xã đã phát triển thêm 2 cơ sở tại xã Thụy Hương và Mộc Châu, sản lượng tiêu thụ hằng ngày từ 200 kg, hiện nay lên 2-5 tấn rau củ quả/ngày, giá tăng 1,2-1,5 lần. Từ đó đã tạo thu nhập bảo đảm, được xã viên bước đầu tin tưởng vào khả năng công nghệ chuyển đổi số, mở rộng sản xuất và tăng thu nhập.
Dữ liệu của các hộ được thường xuyên cập nhật vào hệ thống phần mềm in tem của Hợp tác xã để đảm bào mỗi bó rau khi được dán tem sẽ thể hiện toàn bộ quy trình sản xuất cơ bản, bằng hình ảnh của từng hộ với từng loại rau. Toàn bộ hệ thống truy xuất nguồn gốc được số hóa và gắn với hệ thống eGapvn của Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam, bảo đảm có sự giám sát minh bạch cho từng mã hộ và mã sản phẩm rau của Chúc Sơn
Chuyển đổi số phải đến từ hai phíaCũng theo Giám đốc Hoàng Văn Thám, ứng dụng chuyển đổi số cuối cùng là đem lại lợi ích cho người nông dân, nên mục đích cuối cùng là sản phẩm của người nông dân phải được đưa đến tay người tiêu dùng.
Vì vậy, câu chuyện chuyển đổi số có thành công hay không, ngoài sự thay đổi nhận thức của người nông dân thì cũng cần có sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt đồng bộ của các sở ngành và các cấp, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống truyền thông ủng hộ giải pháp thay thế ghi chép nhật ký giấy thủ công thành nhật ký điện tử, sản phẩm phải có dán tem xác thực chất lượng quản lý tới tận hộ, các nhãn hàng bán trên sàn thương mại điện tử, siêu thị phải có tem xác thực chất lượng, để người tiêu dùng có thể kiểm chứng chất lượng, quá trình sản xuất theo thời gian thực.
Việc ứng dụng chuyển đổi số cho chuỗi giá trị nông sản đã mở ra cơ hội cho nông dân được bán những sản phẩm tốt nhất của mình trực tiếp cho người tiêu dùng đã có. Tuy nhiên câu chuyện chuyển đổi số muốn thành công thì cần hội tụ đầy đủ về sản xuất số, tiêu dùng số và một sàn thương mại điện tử số cho nông dân.
Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi chuyển đổi cho chuỗi giá trị nông sản, Hợp tác xã Chúc Sơn mong muốn ngành nông nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan sớm xây dựng, triển khai được một sàn giao dịch mạnh, chuyên về giao dịch nông sản thực phẩm, có thể kết nối một cách thuận lợi nhất, dễ dàng nhất để các hợp tác xã, chủ trang trại có thể đưa hàng hóa của mình đến tay người tiêu dùng. Hiện nay lại có quá nhiều sàn đơn lẻ, không thuận lợi để giao dịch.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, thực chất để người tiêu dùng thực sự tin tưởng và thay đổi nhận thức trong mua sắm thực phẩm, nâng tỉ lệ mua sắm trực tuyến qua sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó cần có chính sách Khuyến nông số, hỗ trợ đào tạo, tập huấn, trang thiết bị công nghệ tối thiểu để xây dựng các mô hình ứng dụng để có căn cứ mở rộng và cộng đồng biết tới lợi ích, tác dụng của công nghệ.
Thiện Tâm