Chuyển đổi số ngành nông nghiệp: Việc đầu tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu

Admin
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, ngành nông nghiệp là ngành nhiều dữ liệu nhất nhưng thu thập được ít dữ liệu nhất hiện nay. Vì vậy dẫn đến nhiều khó khăn.

Chiều 14/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp” dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Phát biểu tại sự kiện Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “Ngành nông nghiệp là ngành nhiều dữ liệu nhất nhưng thu thập được ít dữ liệu nhất hiện nay. Vì vậy dẫn đến nhiều khó khăn”. 

Với quan điểm không có dữ liệu không có chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh việc đầu tiên cần làm của chuyển đổi số ngành nông nghiệp là xây dựng cơ sở dữ liệu. Điều này phải đặt dưới sự chỉ đạo xây dựng của Bộ NN&PTNT.

Công nghệ - Chuyển đổi số ngành nông nghiệp: Việc đầu tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Nói về những ứng dụng của chuyển đổi số, ông Hùng lấy ví dụ: “Thương hiệu tạo ra giá trị cao, để có thương hiệu đến từng hộ gia đình, từng cái cây thì phải truy xuất nguồn gốc nông sản. Và chuyển đổi số chính là lời giải của bài toán trên".

Đối với ngành nông nghiệp, công nghệ số là khó khăn, chuyển đổi số là trừu tượng nhưng với doanh nghiệp công nghệ số lại không khó. Song doanh nghiệp công nghệ số lại không biết phải làm gì để chuyển đổi số ngành nông nghiệp nếu không có dữ liệu nông nghiệp. 

Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ TT&TT chỉ ra rằng, Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện nhưng phải có tính đột phá. “Chỉ cần ngành nông nghiệp biết mình muốn gì, cung cấp dữ liệu nông nghiệp thì doanh nghiệp công nghệ số sẽ làm được mọi thứ".

Trình bày tham luận tại sự kiện, ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái chia sẻ: “Tỉnh Yên Bái xác định, đối với nhiệm vụ thúc đẩy số hoá trong lĩnh vực nông nghiệp là xu thế tất yếu, song cũng là một việc mới và khó, nhất là các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn”.

Chính vì vậy, để đẩy mạnh số hóa ngành nông nghiệp hiệu quả hơn nữa, tỉnh Yên Bái đề nghị Bộ NN&PTNT xây dựng và ban hành Kiến trúc dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp đồng thời có các giải pháp để thu thập, quản lý, và sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả, đồng bộ từ việc theo dõi thời tiết, quản lý sản xuất nông nghiệp, đến thị trường và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Nhằm thúc đẩy số hóa trong nông nghiệp tại địa phương, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất sớm được giới thiệu, kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số đầu tư tại Thừa Thiên Huế.

Đồng thời, để quá trình số hóa, xây dựng dữ liệu ngành nông nghiệp được thực hiện nhanh, đồng bộ trong thời gian tới, ông Bình đề xuất liên thông, kế thừa dữ liệu giữa các Hệ thống thông tin của các Bộ ngành Trung ương và địa phương cũng như sớm có các chính sách đột phá về cơ chế đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số.

Sau khi lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận kết quả bước đầu trong công tác chuyển đổi số của ngành nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp sáng tạo dựa trên thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ góp phần định hình chuỗi giá trị và sản xuất cung ứng các sản phẩm nông nghiệp với hàng loạt các ưu thế về tối ưu tài nguyên, tối ưu chi phí và mở rộng sản xuất.

Công nghệ - Chuyển đổi số ngành nông nghiệp: Việc đầu tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu (Hình 2).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo tại hội nghị.

Song, Phó Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra rằng: “Mặc dù ngành NN&PTNT đã đạt nhiều kết quả đáng tự hào, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc cần khắc phục”.

Theo đó, hạ tầng số trong nông nghiệp còn rất yếu; số hóa dữ liệu trong nông nghiệp cực kỳ nhiều nhưng tổng hợp, thống kê, kết nối đạt tỉ lệ chưa cao; thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này; việc hỗ trợ cho doanh nghiệp và nông dân ứng dụng công nghệ cao, cụ thể là chuyển đổi số còn hạn chế.

Từ đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT tập trung cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các bộ dữ liệu, chuẩn dữ liệu ngành nông nghiệp, bao gồm cơ sở dữ liệu các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi...; 

Đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ số hóa tại các vùng nông thôn; ưu tiên phát triển hạ tầng cho các vùng trồng, chăn nuôi tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp nông nghiệp với các doanh nghiệp công nghệ, xây dựng các chuỗi giá trị nông sản thông minh, hiện đại.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành nông nghiệp tăng cường kết nối, hợp tác với các tổ chức, hiệp hội quốc tế để tiếp thu kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh.