Thụy Sĩ sẵn sàng tổ chức các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ xác nhận với báo Nga Izvestia.
Tuy nhiên, Thụy Sĩ khó có khả năng được chọn vì quốc gia nổi tiếng vùng Alps bị cho rằng đã mất đi sự trung lập của mình.
Những chuyên gia mà Izvestia tiếp cận cho rằng, các quốc gia Trung Đông bao gồm: Qatar, Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là những quốc gia có nhiều khả năng tổ chức cuộc hội đàm nhất.
Khả năng diễn ra cuộc gặp giữa ông Putin và ông Trump tại một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) là thấp do thái độ của Brussels đối với các nỗ lực thúc đẩy giải pháp hòa bình do một số quốc gia thành viên EU khởi xướng, cụ thể là Hungary.
Một trở ngại quan trọng khác có thể là sự liên kết của một quốc gia ở khu vực này với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), nơi trước đó đã ban hành lệnh bắt giữ đối với Tổng thống Nga.
Các quốc gia Trung Đông: Qatar, UAE hoặc Ả Rập Xê-út –có khả năng cung cấp một nền tảng thực sự trung lập cho các cuộc đàm phán. Một mặt, họ không thừa nhận thẩm quyền của ICC, mặt khác, họ đã tích cực làm trung gian giữa Moscow và Kiev, đặc biệt là trong việc tạo điều kiện trao đổi tù nhân chiến tranh.
Chuyên gia về Trung Đông Leonid Tsukanov cho biết, Qatar là ứng cử viên có nhiều khả năng tổ chức cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo này nhất.
Ông Tsukanov chỉ ra rằng, Doha đã đóng vai trò quan trọng trong tiến trình ngoại giao liên quan đến Gaza – một điều rất quan trọng đối với Mỹ.
"UAE là một lựa chọn ít khả thi hơn. Abu Dhabi có mối quan hệ chặt chẽ với Nga và Mỹ, nhưng cũng được hưởng lợi từ cuộc đối đầu đang diễn ra giữa Moscow và Washington. Quốc gia Trung Đông này đóng vai trò là nơi trú ẩn tạm thời cho các công ty bị trừng phạt, và UAE khó có thể sẵn sàng thay đổi nguyên trạng", ông Tsukanov lưu ý.
Bà Yelena Suponina, nhà khoa học chính trị và chuyên gia về Trung Đông, lại cho rằng, Qatar, UAE và Ả Rập Xê-út đều có vị thế ngang nhau để tổ chức cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. "Họ là những chế độ quân chủ giàu có và ông Trump nổi tiếng là người yêu thích các quốc gia giàu có. Năng lực của 3 chế độ quân chủ nói trên chắc chắn sẽ được sử dụng để sắp xếp một số cuộc tham vấn về vấn đề này", bà giải thích.
Cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một ứng cử viên cần cân nhắc. Vào mùa xuân năm 2022, tại Istanbul, Nga và Ukraine đã nối lại các cuộc đàm phán của họ, vốn đã bắt đầu ở Belarus.
Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ duy trì liên lạc làm việc với cả Nga và phương Tây, bà Ilya Vedeneyev, chuyên gia Trung Đông và giảng viên tại Đại học Tài chính thuộc Chính phủ Liên bang Nga, lưu ý.
"Thứ hai, chính phủ ở Ankara, cụ thể là Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, đang thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một bên tham gia tích cực vào quan hệ quốc tế có khả năng đóng vai trò trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột giữa các quốc gia khác vì quốc gia này nằm giữa phương Đông và phương Tây", nhà phân tích kết luận.
Minh Đức (Theo TASS)