Năm 2025, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự kiến đạt từ 64 đến 65 tỷ USD.
Đây là những kế hoạch được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Vượt qua thách thức, tháo gỡ khó khăn
Trong lần thứ 4 tham dự Hội nghị tổng kết ngành NN&PTNT, Thủ tướng bày tỏ trân trọng trước những nỗ lực không ngừng của toàn ngành trong năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, cả nước đã vượt qua nhiều thách thức và tháo gỡ được các khó khăn. Các mục tiêu kinh tế - xã hội do Trung ương và Quốc hội giao đều được hoàn thành.
"Năm 2024, chúng ta đã đạt 15/15 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, vượt trội so với năm 2023 khi chỉ đạt 14/15 chỉ tiêu. Đây là kết quả quan trọng, khẳng định sự ổn định của kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và quản lý hiệu quả các khoản nợ công, nợ nước ngoài", Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh những đóng góp của ngành Nông nghiệp trong công tác phục hồi sau bão Yagi, một trong những thử thách lớn của năm. Ngay sau bão, Bộ NN&PTNT đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ kịp thời, đảm bảo không ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, và các em nhỏ được tiếp tục đến trường. Đồng thời, ngành cũng khẩn trương khôi phục tình hình sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Thủ tướng ghi nhận công tác chỉ đạo và ứng phó của Bộ NN&PTNT, đặc biệt là quyết định điều tiết nước tại các hồ Thác Bà và Hòa Bình, giúp ngăn ngừa thiệt hại nghiêm trọng. "Những quyết định này đã góp phần bảo vệ an toàn cho hàng triệu người dân và hỗ trợ phục hồi sản xuất", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2025 là năm tăng tốc và bứt phá. Nếu không tăng tốc và bứt phá, ngành nông nghiệp sẽ thụt lùi. Theo đó, năm 2025, ngành nông nghiệp cần đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, từ 3,5-4%.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, toàn ngành sẽ có những giải pháp cụ thể triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng giao trong năm 2025.
"Toàn ngành sẽ quyết tâm thực hiện việc đảm bảo an ninh lương thực trong cả nước và xuất khẩu, tiếp tục là "trụ đỡ" vững chắc cho nền kinh tế", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Theo đó, để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành nông nghiệp sẽ tổ chức triển khai các nhiệm vụ và các giải pháp như kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới của Ngành.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất. Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu…
Đẩy mạnh công tác phối hợp trong nông nghiệp
Về phương diện đối ngoại, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đánh giá ngành nông nghiệp là một thế mạnh của Việt Nam để nâng cao vị thế quốc gia trong các vấn đề toàn cầu.
Thứ trưởng Hằng chia sẻ: "Trong các quan hệ song phương và đa phương, ngành nông nghiệp đã trở thành niềm tự hào của Việt Nam về sự phát triển và tăng trưởng". Tại diễn đàn G20, các quốc gia thành viên đã bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Để đạt được những thành tựu này, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh sự cần thiết của sự nỗ lực, quyết tâm và đồng lòng từ toàn ngành, địa phương, và doanh nghiệp cũng như công tác đối ngoại, đặc biệt là các hoạt động đối ngoại cấp cao.
"Trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, thúc đẩy mở cửa thị trường cho sản phẩm nông sản Việt Nam và tăng cường hợp tác về chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ luôn được Thủ tướng Chính phủ quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ", bà Hằng nói.
Năm 2025, ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm xu hướng bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, và các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Để đối phó với những diễn biến phức tạp này, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục đa dạng hóa thị trường, mở rộng chuỗi cung ứng nông sản, và có kế hoạch cụ thể để đưa sản phẩm vào các thị trường tiềm năng bên cạnh các thị trường lớn như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á…
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề xuất tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh, tuần hoàn và hợp tác hài hòa giữa các quốc gia. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là thúc đẩy việc mở cửa thị trường và đẩy mạnh xúc tiến thị trường cho sản phẩm Halal.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cũng đề nghị các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác xúc tiến hình ảnh nông sản Việt Nam ở nước ngoài. Bà cho rằng việc quảng bá hình ảnh sản phẩm nông sản cần được thực hiện một cách bài bản, đồng bộ và tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành liên quan.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Chúng ta đã có nhiều cuộc cách mạng, cách mạng nông nghiệp - nông dân - nông thôn; sâu xa hơn là đang đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp, công nghệ 4.0…"
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT 4 nhóm sản phẩm lớn, trong đó thúc đẩy du lịch sinh thái, du lịch vùng miền. Người nông dân không chỉ trồng lúa mà còn thể hiện những tri thức nông dân trong quá trình lao động sản xuất.
Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam tham dự Hội nghị quốc tế về du lịch Liên hợp quốc, có 3 làng nghề của Việt Nam được vinh danh trong tổ số 252 làng du lịch trên toàn thế giới. "Đó là những làng quê đáng sống", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Tới đây, sự phối hợp giữa hai Bộ sẽ được triển khai ở nhiều nội dung, chương trình, trong đó đẩy mạnh du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn. Những sản phẩm du lịch đơn lẻ ở nhiều vùng miền sẽ được kết nối. Du lịch nông thôn sẽ là xu hướng phổ quát, chiếm tỉ trọng cao trong chiến lược phát triển ngành du lịch.