Theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải, Trường Đại học Việt Đức, có thể triển khai ngay mô hình TOD tại 3 nhà ga của tuyến Metro số 1 (sẽ được vận hành vào cuối năm nay).
Ông Tuấn nêu rõ, để phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, TPHCM sẽ tốn nhiều thời gian. Thay vì chỉ ngồi họp và bàn bạc trên giấy tờ, Thành phố nên chọn một tuyến đường sắt đô thị để làm cụ thể mô hình TOD. Trong khi làm thực tế, sẽ có những va chạm, vấn đề nổi lên để Thành phố giải quyết và rút kinh nghiệm.
Tuyến Metro số 1 có 3 nhà ga có tiềm năng rất lớn có thể phát triển TOD và TPHCM cần phải nghiên cứu, thiết kế, đấu thầu ngay từ bây giờ. Đó là ga Phước Long để kết hợp với khu vực Trường Thọ; ga Rạch Chiếc kết hợp với Khu phức hợp thể thao Rạch Chiếc và tái phát triển khu vực phía bắc và ga Suối Tiên để kết hợp với Bến xe miền Đông mới, giúp cho bến xe này không còn "hiu quạnh" và phát triển giao thông khu vực cửa ngõ Thành phố.
"Với 3 nhà ga này, Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Giao thông vận tải và Sở Tài nguyên và Môi trường có thể phối hợp để triển khai luôn quy hoạch chi tiết, tổ chức đấu thầu. Theo tôi tính toán thì giá trị tạo ra có thể lên tới cả tỷ USD để làm vốn mồi cho các tuyến đường sắt đô thị khác", ông Tuấn nói.
Đồng quan điểm, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng cần mạnh dạn áp dụng TOD cho tuyến Metro số 1. Qua thực hiện, Thành phố sẽ có kinh nghiệm và áp dụng cho các tuyến còn lại, rút ngắn thời gian và đạt hiệu quả cao hơn.
Ngoài ra, ông Sơn cho rằng quan trọng nhất là cần phải đổi mới rất nhiều nền tảng pháp lý, luật pháp từ đấu giá, thu hồi đất, kinh tế thị trường… Thành phố cần nhìn thấy trước là khi triển khai sẽ vướng gì về mặt luật pháp, pháp lý để kiến nghị với Trung ương. Không nên để tình trạng làm tới đó rồi thấy vướng và biện minh rằng luật không cho phép và ngồi chờ, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Đề cập đến vấn đề đền bù khi làm TOD, PGS.TS Võ Trí Hảo, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng để làm được đề án này thì sự đồng thuận của người dân trong thu hồi đất là rất quan trọng.
"Nếu chúng ta chỉ trả bằng tiền, lãi suất thì chưa chắc người dân thỏa mãn do lạm phát, trượt giá. Để được sự đồng thuận của người dân, chúng ta phải trả dưới dạng lợi ích khi bất động sản ở khu vực đó lên giá", ông Hảo cho biết.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn cũng đồng ý không đền bù bằng tiền như hiện tại mà bằng các hình thức "cổ phần hóa" để nếu giá trị khu đất đó tăng cao thì người dân vẫn được hưởng lợi. Số tiền thu được từ phát triển TOD có thể đưa vào một quỹ chung, chỉ dùng để phát triển các tuyến đường sắt đô thị.
Anh Thơ