Thời gian gần đây cái từ “cơm treo” dày đặc trên các báo. Nó là một mô hình tự phát đầy tính nhân văn, đậm nghĩa đồng bào và hết sức cảm động của việc trao gửi yêu thương giữa thời buổi sôi đặc sự kiện và người người nhà nhà tấp nập bận rộn này.
Tôi nhớ, cái hồi Huế bị lụt, cái cơn lụt rất nặng tầm hai chục năm trước ấy, giữa chợ Bến Thành xuất hiện một cái thùng với mấy chữ viết vội: Chia sẻ với bà con bị lụt ở Huế. Và không ai bảo ai các chị tiểu thương ở chợ tự giác bỏ tiền vào đấy để gửi về Huế. Tôi xem tivi và đã khóc ròng, vì phía Huế ấy có nhà tôi cũng đang lút bum.
Những chuyện nghĩa tình, chia sẻ ấy rất nhiều, đặc biệt là ở phía Nam.
Thì những cái thùng nước đá miễn phí được để ở vỉa hè ấy, nó cũng từ Sài Gòn. Năm nào, một người ở một tỉnh phía Bắc cũng làm, và... bị tịch thu cái thùng, gây một sự phản ứng mạnh dù cả 2 phía đều có lý.
Ngoài những thùng nước miễn phí ngoài đường thì ở phía Nam, những người bán vé số, thậm chí ăn xin, tới anh chị em shipper... khát nước có thể ghé vào bất cứ quán ăn nào, ăn sáng ăn trưa đều được, hoặc quán cà phê... tự nhiên rót nước uống. Điều này phía Bắc không có, đơn giản là vì, phía Bắc nước không đi kèm với ăn. Ăn là ăn, uống là uống, ăn xong sang quán chè chén uống nước, chứ không có nước miễn phí. Cà phê cũng thế, chỉ cà phê, muốn uống nước phải mua. Các quán ăn, quán cà phê phía Nam, nước được miễn phí, để sẵn trên bàn, mà là nước ngon, trà, chè, vối vân vân, xơi vô tư...
Trở lại cơm treo.
Thì nó đa phần là các quán cơm bình dân, những người bình dân vào ăn, dư tiền, gửi lại cho chủ quán, nói tí nữa có ai không có tiền thì làm cơm cho người ta. Ban đầu nghe nói là từ một anh chủ quán, mỗi ngày để ra 10 suất, nói dối người nghèo là người hảo tâm mua mời, để người nhận không ngại. Sau nhiều người biết, lẳng lặng góp tiền, đa phần là ăn một phần, trả tiền 2 phần, phần kia để chủ quán tặng người nghèo.
Tất nhiên đấy là những chủ quán hết sức tử tế. Họ không biển thủ, không gian lận, họ để những suất cơm ấy cho những người nghèo khó, bán vé, ăn xin, xe ôm vân vân..., chả ai lại đi gian lận với những người như thế cả. (Lại nhớ tới có hiệu trưởng với kế toán một trường nào đấy vừa bị kỷ luật vì ăn bớt tiền ăn của học sinh).
Rồi nó lan ra. Tôi biết ít nhất ở hai địa phương nữa cũng đã có “cơm treo” như thế là Pleiku và Tuy Hòa.
Cách nhận “cơm treo” cũng văn minh. Mới nghe cứ tưởng cơm được... treo lên ai ăn thì nhận, té ra không phải thế.
Có một cái thùng, có chữ ở ngoài, rất lịch sự và tràn đầy yêu thương, đại loại: “Cơm treo- gửi tới anh chị cô chú khó khăn nếu có thì cứ lấy dùng ạ, chúc cô chú anh chị ăn ngon miệng”, trong ấy để các thẻ “cơm treo”. Ai cần, mở thùng, lấy một phiếu và được chủ quán làm một phần cơm giống hệt như của mọi khách khác. Hôm nào thừa để hôm sau tăng thêm, nếu lỡ hết thì bỏ bánh vào mời bà con xơi tạm.
Thực ra mô hình “cơm treo” này nó là tiếp nối những việc làm nghĩa tình của bà con với người nghèo từ lâu lắm rồi, từ những thùng bánh mì miễn phí tới bếp ăn 0 đồng hoặc 2 đồng. Sao lại 2 đồng mà không là 0 đồng, là bởi nếu 0 đồng thì người ăn sẽ ngại, ăn nhiều càng ngại, nhưng 2 đồng thì cái cảm giác mình mua nó khiến người ăn tự tin hơn, ăn thường xuyên hơn.
Trước đấy nữa là các bếp ăn tình thương ở các bệnh viện. Chúng ta không vào bệnh viện nên không biết. Các bệnh viện đa phần đều có các bếp ăn tình thương, có những gia đình nuôi bệnh hàng mấy tháng hoặc cả năm, toàn ăn cơm ở đây. Tiền chữa bệnh đã đủ kiệt quệ rồi nên đỡ được bữa ăn nó rất quan trọng, huống gì đây, miễn cả thời gian dài.
Cái mô hình cơm tình thương bệnh viện này có hầu như ở tất cả các bệnh viện, chỗ to chỗ nhỏ, chỗ hàng ngày chỗ theo tuần theo thứ... nó giúp người khó người nghèo rất nhiều, nó làm ấm lòng cả người không khó khăn. Nó là sự tự nguyện tự giác, nó là sự chia sẻ tự tâm, nó kích hoạt lòng tốt, tính nhân văn trong từng con người.
Thì đấy, có những người lặng lẽ hàng ngày đều tới quán ăn có “cơm treo” góp vài ba suất dù không ăn ở đấy. Cũng như thế, những người dậy từ 3 giờ sáng tới bếp tình thương nấu cơm cho bệnh nhân trong bệnh viện. Có những chủ vườn rau mỗi ngày dành ra mấy chục cân ủng hộ thì cũng có những nhà xe góp xe chở hàng vân vân...
Một trong những quán cơm từ thiện nổi tiếng ở Sài Gòn là quán “nụ cười” mà chủ là ông Nam Đồng, nguyên Tổng biên tập báo Pháp luật HCM. Quán này bán vé 2 ngàn đồng một suất cơm và “bao no”. Có chuyện là, vợ chồng ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước, và mấy người bạn cũng tới quán này ăn, cũng mua vé 2 ngàn đồng....
Quan trọng nữa là, cách mời người ăn “cơm treo”, mua vé cơm 2 ngàn đồng hay ăn miễn phí. Nó là sự chia sẻ thành tâm, là tấm lòng nhân ái, là ứng xử văn hóa... chứ không trịch thượng, kẻ cả, ban ơn... nên mới có chuyện chủ quán phải nói dối như tôi nhắc phía trên.
Lòng tốt của dân ta, ai cũng có, chỗ nào cũng có thể xuất hiện. Vấn đề là kích hoạt đúng chỗ. Tất nhiên trừ các quan tham, đô la bỏ trong thùng xốp mà quên, tiền trong cặp cũng quên... nên tôi nhìn những suất cơm treo 20-25 ngàn đồng mà ước...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả