Cử tri Gia Lâm, Hoàng Mai kiến nghị về ô nhiễm môi trường, phòng cháy chữa cháy

Admin
(PNTĐ) - Chiều 3/7, tổ đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Đơn vị bầu cử số 4 đã tiếp xúc cử tri trên địa bàn huyện Gia Lâm, quận Hoàng Mai thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến, điểm cầu chính tại UBND huyện Gia Lâm.

Tin liên quan

Khởi công xây dựng công viên Gia Lâm rộng 14ha, tổng đầu tư 286 tỷ đồng

Hội LHPN huyện Gia Lâm: Nhiều kết quả nổi bật trong nửa đầu nhiệm kỳ đại hội

Tết sum vầy - Xuân sẻ chia 2024 Gia Lâm mang niềm vui đến người lao động

Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai báo cáo tới các cử tri ở 2 điểm cầu về kết quả Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV; kết quả giải quyết, trả lời những kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền đối với cử tri huyện Gia Lâm, quận Hoàng Mai.

Cử tri Gia Lâm, Hoàng Mai kiến nghị về ô nhiễm môi trường, phòng cháy chữa cháy - ảnh 1
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội báo cáo cử tri

Phát biểu tại hội nghị, có 5 cử tri kiến nghị về các nội dung: Quy hoạch, công tác phòng cháy, chữa cháy tại các nhà cao tầng, quản lý thị trường vàng, bảo vệ môi trường.

Cử tri Đàm Văn Mậu (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) cho biết, hiện nay, huyện đang trong tiến trình phát triển lên quận, bên cạnh đó vẫn có một số khu vực ngoài bãi định hướng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như Kim Lan, Văn Đức, Phù Đổng, Trung Mầu, Đặng Xá, Phú Thị, Lệ Chi. 

Tuy nhiên, việc lắp dựng một số công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp khu vực ngoài bãi sông, nằm trong không gian thoát lũ hiện nay gặp nhiều khó khăn do phải thỏa thuận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của Luật Đê điều. Đối với diện tích lớn, phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. 

Cử tri Gia Lâm, Hoàng Mai kiến nghị về ô nhiễm môi trường, phòng cháy chữa cháy - ảnh 2
Quang cảnh hội nghị

Hiện xã Văn Đức cũng đang đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch tâm linh nên rất cần có các chương trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng lại gặp nhiều khó khăn do các quy định của Luật Đê điều. 

Cử tri Đàm Văn Mậu đề nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến với Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ theo hướng cho phép người dân lắp dựng các công trình tạm phục vụ sản xuất nông nghiệp như nhà lưới, chuồng trại chăn nuôi, nhà lạnh bảo quản nông sản.., theo quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đã được phê duyệt.

Cử tri Gia Lâm, Hoàng Mai kiến nghị về ô nhiễm môi trường, phòng cháy chữa cháy - ảnh 3
Cử tri Phạm Việt Anh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) kiến nghị

Cử tri Phạm Việt Anh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) kiến nghị, Đồ án Quy hoạch chi tiết làng nghề Bát Tràng tỷ lệ 1/500 đã được thành phố giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội triển khai từ năm 2016. Đến tháng 6/2020, UBND thành phố thực hiện sắp xếp các phòng, ban thuộc Sở và giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp tiếp tục thực hiện Đồ án quy hoạch xã Bát Tràng và đến nay Sở Quy hoạch & Kiến trúc được giao thực hiện. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đồ án. 

Vì vậy, cử tri Phạm Việt Anh đề nghị đại biểu Quốc hội quan tâm, có ý kiến với thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập Đồ án quy hoạch Bát Tràng, để làm cơ sở cho xã thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo quy định.

Cử tri Gia Lâm, Hoàng Mai kiến nghị về ô nhiễm môi trường, phòng cháy chữa cháy - ảnh 4
Cử tri Lê Văn May (xã Dương Quang, huyện Gia Lâm) kiến nghị

Cử tri Lê Văn May (xã Dương Quang, huyện Gia Lâm) cho biết, tuyến kênh Như Quỳnh bắt nguồn từ trạm bơm Bắc Hưng Hải qua tổ hợp cụm sản xuất công nghiệp thôn Minh Khai, xã Minh Khai, huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên), chảy qua các xã Dương Quang, Kim Sơn, Lệ Chi của huyện Gia Lâm và đi vào địa phận huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tuyến kênh lấy nước từ sông Bắc Hưng Hải và phục vụ công tác tưới tiêu cho toàn bộ khu vực hai bên tuyến kênh chảy qua. 

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, kênh thường xuyên trong tình trạng là nơi xả rác thải, nước thải từ hoạt động sản xuất tái chế nhựa của nhân dân xã Minh Khai, huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên), gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nguồn nước không đảm bảo an toàn để sản xuất nông nghiệp. 

Vì vậy, cử tri Lê Văn May đề nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến với Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp bảo đảm nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo UBND tỉnh Hưng Yên kiểm tra, xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền và có biện pháp ngăn chặn, chống tái diễn.

Cử tri Gia Lâm, Hoàng Mai kiến nghị về ô nhiễm môi trường, phòng cháy chữa cháy - ảnh 5
Cử tri Vũ Đức Chiêu, phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) kiến nghị

Cử tri Vũ Đức Chiêu, phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) cho rằng, công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, nhất là đối với các địa bàn có nhiều nhà cao tầng, nhà nằm sâu trong khu dân cư, khi xảy ra cháy nổ, rất khó ứng cứu kịp thời. Do đó, cử tri đề nghị đại biểu Quốc hội và các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, có biện pháp nhằm hạn chế xảy ra cháy nổ, gây thiệt hại người và tài sản.

Cử tri Gia Lâm, Hoàng Mai kiến nghị về ô nhiễm môi trường, phòng cháy chữa cháy - ảnh 6
Cử tri Trần Thị Minh Thư, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai kiến nghị

Cử tri Trần Thị Minh Thư (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai) cho biết, thời gian qua, diễn biến phức tạp của giá vàng trong nước và thế giới tác động đến xã hội. Cử tri đề nghị Quốc hội và cấp thẩm quyền, cơ quan chức năng thực hiện quản lý thị trường mua - bán vàng; thực hiện các biện pháp xử lý nghiêm minh khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, thao túng, đầu cơ, trục lợi, nhằm bảo đảm thị trường vàng an toàn, lành mạnh.

Cử tri Gia Lâm, Hoàng Mai kiến nghị về ô nhiễm môi trường, phòng cháy chữa cháy - ảnh 7
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh tiếp thu ý kiến của cử tri

Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh tiếp thu các ý kiến của cử tri huyện Gia Lâm, quận Hoàng Mai và giải đáp một số vấn đề liên quan đến quy hoạch, chuyển đổi cơ cây trồng vật nuôi tại các vùng đất bãi, công tác phòng cháy chữa cháy. 

Đồng thời, đại biểu  Nguyễn Tuấn Thịnh ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các cử tri để tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất Quốc hội chất vấn và chuyển các ý kiến cử tri đến Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và UBND thành phố Hà Nội để được giải quyết, trả lời theo quy định.