Tổng số thu NSNN đối với hoạt động thương mại điện tử là 38.871 tỷ đồng
Trên cơ sở định hướng của Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế xác định chuyển đổi số là động lực và yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả công việc, cải thiện chất lượng phục vụ người dân doanh nghiệp, thì Cục Thuế TP Hà Nội xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm số 1 phải thực hiện ngay từ đầu năm 2024.
Theo đó, Cục Thuế đang rất khẩn trương để chuyển đổi số toàn diện các chức năng quản lý thuế, các quy trình thực hiện cũng như quản trị công việc nội bộ.
Những kết quả từ thành công của Đề án 06 và Chỉ thị 18 của Chính phủ thực sự đã tạo bước ngoặt lớn trong công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý thuế nói riêng. Người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước và cơ quan thuế đã được hưởng lợi rất lớn từ những kết quả này.
Tại Cục Thuế TP Hà Nội, với sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ chính quyền cấp xã, phường, quận cùng sự hỗ trợ từ cơ quan Công an và Bảo hiểm xã hội với gần 8 triệu dòng dữ liệu, Cục Thuế đã chủ động đề xuất và xây dựng Tools hỗ trợ tự động phân tích dữ liệu; thành lập các Tổ chuyên gia hỗ trợ. Đến nay, Cục Thuế TP Hà Nội đã đồng bộ, khớp nối hơn 7,7 triệu mã số thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư – Đây là kho CSDL "đúng, đủ, sạch, sống" và là tiền đề để Cục Thuế có thể triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế trên địa bàn.
Với dữ liệu NNT đã được cập nhật đầy đủ theo đề án 06, kết hợp với cơ sở dữ liệu của các ngành bảo hiểm, ngân hàng, giao thông, kế hoạch đầu tư... và đặc biệt là kho cơ sở dữ liệu data warehouse với hơn 80 triệu MST của ngành thuế, Cục Thuế TP Hà Nội đã số hóa, kết nối thông tin, liên thông dữ liệu từ các nguồn, xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn, website riêng quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Hiện nay, Cục Thuế TP Hà Nội đã có cơ sở dữ liệu hoàn thiện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, quản trị được dữ liệu với trên 117 triệu bản ghi về giao dịch mua bán từ đó, định danh, định vị chính xác 626.768 gian hàng tương ứng với 437.210 mã số thuế là chủ sở hữu, người kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, lập được danh bạ và sổ bộ quản lý thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đối với 82.930 tổ chức, cá nhân với các thông tin chi tiết về tên, địa chỉ, căn cước công dân, email, số điện thoại, địa chỉ kho hàng, tài khoản ngân hàng, giá trị bán trên sàn thương mại điện tử. Những dữ liệu này được tự động phân cấp quản lý đến từng Chi cục Thuế, đội thuế, cán bộ thuế tại từng địa bàn quận, huyện, phường xã, trên cơ sở đó thực hiện đấu tranh, xác định đúng nghĩa vụ nộp thuế.
Lũy kế năm 2024, tổng số thu NSNN đối với hoạt động thương mại điện tử là 38.871 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ 2023 (thời điểm trước khi triển khai).
Riêng trong năm 2024, cơ quan Thuế chuyển 72 hồ sơ sang cơ quan Công an xử lý mạnh tay các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý thuế đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử (Nổi bật thời gian gần đây là khởi tố 2 vụ án NAC và Đỗ Mạnh Cường).
AI tạo thuận lợi cho cả người nộp và cán bộ thuế
Với vai trò là một trong những Cục Thuế có quy mô lớn nhất cả nước, với số đối tượng quản lý đang hoạt động rất lớn (trên 236 nghìn doanh nghiệp, 235 nghìn hộ kinh doanh và trên 10 triệu MST cá nhân), với số lượng CBCC có hạn, Cục Thuế TP Hà Nội xác định cần phải nâng cao năng suất lao động thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ưu tiên điện tử hóa từng bước trong quy trình quản lý thuế bắt đầu từ đăng ký thuế điện tử, kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử và cưỡng chế nợ thuế điện tử.
Một trong những giải pháp trọng tâm là xây dựng dự án tổng thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác quản lý thuế nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, giảm thiểu thời gian cho CBCC, giảm thiểu rủi ro trong quản lý thuế.
Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế là một trong những phân hệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo nằm trong dự án tổng thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo này.
Sau 8 tháng nghiên cứu, Ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế đã được Tổng Cục Thuế cho ra mắt thành công vào ngày 21/11/2024. Từ việc thực hiện tổng hợp, phân loại toàn bộ cơ sở dữ liệu về các quy định pháp luật, chính sách, thủ tục hành chính thuế (với hơn 100 bộ luật, luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn, tích hợp Bộ TTHC gồm 26 TTHC cấp Tổng cục thuế, 186 TTHC cấp Cục thuế và 150 TTHC cấp Chi cục Thuế) để biên tập, xây dựng hơn 15.000 nội dung song ngữ, … được tinh chỉnh, kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo, Trợ lý ảo hỗ trợ NNT có thể trả lời những câu hỏi của NNT một cách tự động, nhanh chóng, chính xác với nội dung chi tiết, dễ hiểu, tích hợp sẵn các mẫu biểu thủ tục hành chính hiện hành, hỗ trợ công cụ tính thuế TNCN, hỗ trợ xác định mức lệ phí môn bài, những clip hướng dẫn trực quan, dễ hiểu.
NNT có thể dễ dàng sử dụng, tương tác với Trợ lý ảo mọi lúc mọi nơi thông qua các thiết bị công nghệ như smartphone, máy tính bảng, máy tính có kết nối mạng ngay trên Cổng thông tin điện tử ngành thuế và đang được tích hợp trên ứng dụng công dân Thủ đô số (iHanoi).
Tính năng quản trị tự động trong trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế hoạt động trên cơ chế quản lý, giám sát, theo dõi toàn bộ lịch sử trò chuyện, có biểu đồ phân tích, đánh giá theo ngày, tuần, tháng, đồng thời, lưu trữ toàn bộ dữ liệu người dùng. Điều này, cho phép cơ quan thuế có thể kiểm soát thông tin đầu vào và dữ liệu đầu ra, phân tích hiệu quả hoạt động của trợ lý ảo. Cho đến nay, Ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ NNT đã xử lý, hỗ trợ giải đáp thành công 30.000 lượt câu hỏi của 4.500 lượt người dùng và đang tự tiếp tục hoàn thiện để trở nên thông minh hơn, hiệu quả hơn theo cơ chế "tự học" của AI
Lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho hay: Thời gian tới, nằm trong dự án tổng thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý thuế, Cục Thuế TP Hà Nội đã và đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng mô hình quản lý, khai thác thông tin, phân tích rủi ro hóa đơn của hệ sinh thái doanh nghiệp, chuỗi doanh nghiệp F1, F2, F3 liên quan đến doanh nghiệp hoàn thuế (F0), phát hiện các giao dịch mua bán lòng vòng, phục vụ kiểm soát rủi ro trong công tác hoàn thuế GTGT.
Đồng thời Cục Thuế TP Hà Nội đẩy mạnh phối hợp, trao đổi thông tin với Ngân hàng nhà nước, Bảo hiểm xã hội… tiếp tục thu thập dữ liệu về dòng tiền, tài khoản ngân hàng, bảo hiểm… kết hợp cơ sở dữ liệu ngành thuế về tờ khai, hóa đơn điện tử, báo cáo tài chính… để rà soát doanh thu, dòng tiền, các khoản nộp thuế nhằm theo dõi, đánh giá sức khỏe doanh nghiệp phục vụ công tác quản lý đối tượng, phòng chống hóa đơn bất hợp pháp, thực hiện thanh – kiểm tra điện tử.
Với mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ người nộp thuế, nâng cao hiệu suất lao động của cán bộ thuế thì chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế là một yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách và cần thiết, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, nếu không ứng dụng công nghệ, sẽ rất khó để thực hiện công tác phòng chống gian lận thuế và hoàn thành nhiệm vụ quản lý thuế. Việc kiểm tra hóa đơn thuế thủ công, từng bước dò xét một cách thủ công như trước đây đã không còn khả thi, vì vậy ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện và cảnh báo gian lận, kể cả trong những trường hợp hóa đơn được xuất ra ngoài giờ hành chính, là rất cần thiết. Còn Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thànnh cho hay: Dự kiến, trong năm 2025, mô hình Trợ lý ảo sẽ được triển khai trên toàn quốc, giúp cơ quan thuế có thể nhanh chóng nhận diện khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế và hỗ trợ kịp thời, nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Đồng thời, ngành Thuế sẽ kết nối dữ liệu định vị GPS từ Cục Đường bộ Việt Nam để xác định hành trình và khối lượng hàng hóa của các xe vận tải, từ đó tính toán chính xác số thuế phải nộp, góp phần ngăn chặn gian lận trong lĩnh vực vận tải hàng hóa.
Anh Minh