Nâng giá trị sản phẩm trồng trọt từ ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng

Admin
(Chinhphu.vn) - Chương trình ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đã đáp ứng yêu cầu kiểm soát suy thoái đất, thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.
Nâng giá trị sản phẩm trồng trọt từ ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng- Ảnh 1.

Đẩy mạnh truyền thông IPHM, chủ động phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Hôm nay (19/12), Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức diễn đàn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong chương trình ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).

Ông Trần Cao, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Diễn đàn hướng đến mục tiêu đẩy mạnh truyền thông IPHM, chủ động phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, giúp giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ tích cực cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Nâng cao khả năng chống chịu các yếu tố bất lợi của môi trường và dịch hại

Ông Huỳnh Thanh Vui, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ cho biết, Cần Thơ có khoảng 75.000ha đất chuyên canh lúa, hơn 26.000ha cây ăn quả và diện tích gieo trồng rau màu là 15.000ha. Thành phố Cần Thơ đã tích cực tuyên truyền về IPHM, với Hội thi nông dân ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp giỏi năm 2024, thu hút đông đảo nông dân tham gia; xây dựng tài liệu hướng dẫn về IPHM. Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai các lớp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, nông dân về IPHM, đào tạo được 30 cán bộ kỹ thuật IPHM cấp thành phố, 30 nông dân nòng cốt huyện Cờ Đỏ; xây dựng và nhân rộng được 10 mô hình IPHM trên canh tác lúa, cây ăn quả và cây rau màu.

Theo bà Đào Thu Vinh, Điều phối viên tổ chức Croplife Việt Nam, trồng cải tiến trong thực hành IPHM sẽ giúp cây trồng khỏe mạnh hơn, có khả năng chống chịu lại các yếu tố bất lợi của môi trường và dịch hại. Đây luôn là một cấu phần quan trọng trong chương trình IPHM và IPM.

Những cây trồng mang tính trạng cải tiến có thể được tạo ra theo nhiều phương thức lai tạo khác nhau như: lai truyền thống, ứng dụng kỹ thuật khác nhau của công nghệ sinh học hiện đại như biến đổi gen (GMO) và chỉnh sửa gen (GE), công nghệ lai tạo giống mới (PBI).

Cây trồng cải tiến còn hạn chế sử dụng các biện pháp BVTV, bao gồm cả biện pháp cơ học và sử dụng thuốc BVTV, tiết kiệm chi phí, giảm công lao động từ việc sử dụng các biện pháp BVTV. Cây trồng có khả năng chống chịu thuốc trừ cỏ sẽ giúp nông dân giảm và không cần làm đất, giúp đất trồng lưu trữ dinh dưỡng tốt hơn, giảm xói mòn.

Đại diện Croplife Việt Nam cũng chỉ ra một số lợi ích kinh tế - xã hội khi sử dụng thuốc BVTV một cách hợp lý. Trong giai đoạn 1996-2020, chỉ số tác động lên môi trường giảm trong 24 năm qua, giảm 748,6kg thuốc BVTV nhờ việc mở rộng canh tác giống cây biến đổi gen. Cũng trong giai đoạn trên, tiết kiệm 14,662 triệu lít nhiên liệu, 2,330 triệu kg CO2 tương đương với việc giảm 1.58 triệu chiếc xe hơi lưu thông trên đường trong 1 năm.

Với từng nông hộ, thu nhập trang trại canh tác quy mô ghi nhận cao hơn ở các quốc gia đang phát triển so với các nước phát triển. Lợi ích liên quan bảo tồn nguồn đất, ứng dụng cây trồng chuyển gen giảm mức độ tiếp xúc của lấp đất mặt trên với các yếu tố thời tiết để lưu giữ độ ẩm, giảm sự biến động nhiệt độ đất từ cách nhiệt tàn dư cây trồng, tăng carbon hữu cơ từ tàn dư cây trồng, tăng tác động tích cực tới thành phần vật lý, hoá học và vi sinh vật của đất trồng và bổ sung sự đồng hóa carbon gia tăng sản lượng cây trồng, gia tăng năng suất, thêm thời vụ, và sử dụng cây che phủ.

Bà Đào Thu Vinh lấy ví dụ các cây trồng chỉnh sửa gen chống chịu các yếu tố căng thẳng phi sinh học chính như ngô chịu hạn, lúa gạo chịu mặn, chống chịu thuốc trừ cỏ.

Nâng giá trị sản phẩm trồng trọt từ ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng- Ảnh 2.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Cung cấp kiến thức cho nông dân giữ sức khỏe đất

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết dấu ấn của IPHM là việc Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã khuyến cáo việc không đốt rơm, nay được đẩy mạnh ứng dụng đối với "Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".

Bên cạnh đó, chương trình tham mưu để loại bỏ hoạt chất lân hữu cơ, thuốc BVTV độc hại vốn để lại dư lượng cao cho nông sản, ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Đến nay, chương trình IPM đã trang bị kiến thức cho nông dân về đất khỏe, cung cấp dinh dưỡng cho đất, giảm phân bón, thuốc BVTV và sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý.

Theo đó, việc sử dụng phân bón thay đổi theo xu hướng chung của các nước là an toàn, thông minh, từ đó tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và đặc biệt giup nông dân giảm chi phí sản xuất.

Theo thống kê, khoảng 400.000 nông dân, 15.000 đại lý sử dụng hiệu quả thuốc BVTV sinh học, xây dựng được 1.300 bể chứa thu hồi vỏ chai thuốc BVTV đã qua sử dụng; Tập huấn người dân xây các mô hình sử dụng trên 5 loại cây trồng chủ lực.

Trong Đề án tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, mục tiêu đến năm 2025 nâng công suất sản xuất phân hữu cơ tăng từ 4 triệu tấn lên 5 triệu tấn, 100% các tỉnh, đại lý được tập huấn về phân bón hữu cơ.

Cục BVTV cũng phối hợp với các hiệp hội, tổ chức để nhân rộng việc sử dụng phân bón và thuốc BVTVT sinh học. Theo ông Thiệt, hiện nay, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khó lường. Các hiện tượng thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng cây trồng, đời sống người dân. Nguy hiểm hơn, biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện cho các loại sinh vật gây hại mới phát sinh, phát triển, gây khó khăn cho sản xuất.

Hiện nay, Việt Nam có 8.000 mã số vùng trồng, hơn 1.500 mã số cơ sở đóng gói. Nếu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chất lượng sản phẩm sẽ tăng lên, việc xuất khẩu càng trở nên thuận lợi. Do đó, để có thể phát triển nền nông nghiệp bền vững, hiện đại đến năm 2030, tầm nhìn 2050, các địa phương cần quan tâm, đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm… phát triển và nhân rộng các mô hình, giải pháp sinh học trong phòng chống sinh vật gây hại; đẩy mạnh sản xuất và sử dụng phân bón và thuốc BVTV sinh học, phối hợp với công ty nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào canh tác và tra cứu thông tin để chủ động kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu tối đa lượng vật tư hóa học, sử dụng tối ưu vật tư đầu vào, gia tăng lợi nhuận cho nông dân.

"Để phát triển và nhân rộng Chương trình IPHM, cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị mới có thể thành công", ông Thiệt đánh giá.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Thuốc bảo vệ thực vật: Sử dụng đúng cách giúp phát triển ngành trồng trọtThuốc bảo vệ thực vật: Sử dụng đúng cách giúp phát triển ngành trồng trọt
Tham khảo thêm
Phát triển trồng trọt bền vững từ công nghệ sinh học thực vậtPhát triển trồng trọt bền vững từ công nghệ sinh học thực vật