Đây là một nội dung được trao đổi tại Diễn đàn kinh doanh: Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho DN do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chiều 26/6.
Cơ hội tốt cho đa dạng hoá chuỗi cung ứng
Thông tin tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, đang có xu hướng chuyển dịch của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Trong sự chuyển dịch diễn ra mạnh mẽ đó, Việt Nam được nhiều quốc gia, tập đoàn, DN lớn trên toàn cầu lựa chọn là một trong những điểm đến đầu tư chiến lược và nhiều tiềm năng.
Tuy vậy, theo báo cáo của VCCI, trong khoảng 800.000 DN tư nhân trong nước đang hoạt động thì DN lớn chiếm chưa đến 2%, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, việc kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn hết sức mờ nhạt, hiệu ứng lan tỏa không cao...
Lãnh đạo VCCI phân tích, tại Nghị quyết số 41- NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, Bộ Chính trị đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030, một số DN có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng mà Việt Nam có thế mạnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo… Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết 19 hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng hàng đầu trên thế giới; trong đó có 16 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực thực thi tạo cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng.
Trên cơ sở đó, các DN sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã và đang tái cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng và các tiêu chuẩn phát triển bền vững. Việt Nam đã dần phát triển nhằm tự chủ một số nền công nghiệp nền tảng để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore cho thấy, nhiều DN trong nước cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn đa quốc gia là một yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho các quốc gia, vùng lãnh thổ này vươn lên trong chuỗi giá trị.
"Với tham vọng vươn lên trong chuỗi giá trị, Việt Nam có cơ hội đặc thù để khai thác vị trí của mình trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu của Chính phủ là phát triển các mạng lưới nhà cung cấp cấp một (trực tiếp) và nhà cung cấp cấp hai/cấp ba (cung cấp gián tiếp cho nhà sản xuất) trong nước, kết nối họ với các khâu lắp ráp cuối cùng với kỳ vọng hướng các DN đó chuyển sang sản xuất sản phẩm phức tạp hơn và đa dạng hóa "giỏ" hàng hóa xuất khẩu.
Vì vậy, trong thời gian tới, chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của DN. DN phải là những người đặt ra nhu cầu trước, sau đó Chính phủ thiết kế chương trình hỗ trợ cho DN lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực DN trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn", Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng bày tỏ.
Góp ý để Việt Nam trở thành hub kết nối trong nền kinh tế toàn cầu
TS Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) chia sẻ: Việt Nam đang trở thành hub kết nối trong môi trường nền kinh tế đang phân cực toàn cầu, mở ra cơ hội lớn cho nền kinh tế và DN.
Cụ thể, vốn đầu tư mới từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng từ khoảng 2,3 tỷ USD năm 2019 lên 3,5 tỷ USD vào năm 2023...
"Việt Nam đang có vị thế đặc biệt và cơ hội lớn kết nối với các xu thế phân cực cũng như kết nối được với các cực. Cùng với dòng vốn từ Trung Quốc đang tăng, dòng vốn từ các nước khác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian qua. Nhìn từ góc độ nền kinh tế Việt Nam, không có sự phân cực nào" - TS. Nguyễn Tú Anh chia sẻ.
Nhìn nhận đây là cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang rộng mở, Chính phủ đang quyết tâm tập trung cao độ trong việc giải quyết các "nút cổ chai" của nền kinh tế là kết cấu hạ tầng. Hiện nay, Chính phủ và các địa phương đang dồn vốn đầu tư công để nâng cấp kết cấu hạ tầng, cảng biển, đường cao tốc kết nối trực tiếp. Khi các nền tảng đặt ra, tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn được mở ra. Theo đó, thách thức đầu tiên là nhân lực, Việt Nam không thừa lao động mà đang thiếu lao động có kỹ năng tay nghề và cả lao động phổ thông.
Thứ hai, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, thu hút dòng vốn lớn, nhu cầu năng lượng lớn cần cân nhắc.
Thứ ba, kết nối DN trong nước và DN FDI, DN trong nước muốn tham gia và kết nối vào chuỗi cung ứng cần đầu tư vào con người, công nghệ nhưng cần quan tâm đến những rủi ro trong đầu tư khó kiểm soát.
Cuối cùng, gắn liền với xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu là xu hướng chuyển đổi xanh. Khi đã tham gia vào thị trường chung của thế giới, Việt Nam sẽ không đứng ngoài "cuộc chơi" với yêu cầu cần giảm thiểu "dấu chân" carbon trong sản xuất.
TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng: Thực tế, để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ứng dụng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị), CSR (trách nhiệm xã hội), mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đến nay không còn là lựa chọn nữa mà đã trở thành con đường tất yếu đối với các DN trong nước.
Ví dụ như, khi tham gia chuỗi cung ứng quốc tế, không những phải tuân thủ các quy định của nước sở tại mà còn cần đáp ứng các thông lệ quốc tế - chẳng hạn như cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới của EU hay Quy định Chống phá rừng của EU…
Bổ sung lại quy định bảo hiểm giá qua Sở giao dịch hàng hóa
Dưới góc nhìn DN, ông Trịnh Quang Khanh – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, kinh doanh xăng dầu những năm qua đã đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân, do đó cần tạo cơ chế cho ngành xăng dầu phát triển trước những biến động của kinh tế thế giới.
Ông Trịnh Quang Khanh cho rằng, trong bối cảnh Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu đang được xây dựng, để giảm các gánh nặng mục tiêu cho ngành, các cơ chế, chính sách mới cần xoay quanh mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước – DN – người tiêu dùng. Đồng thời, đưa chi phí của giá xăng dầu để thị trường quyết định, trở về đúng nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Cùng với đó, cần bổ sung lại quy định cho các DN được giao dịch qua sàn giao dịch của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam để bảo hiểm giá, bảo đảm lợi nhuận trong nhiều kịch bản khác nhau trước những biến động của giá dầu thế giới, từ đó bảo đảm nguồn cung ổn định.
Việc Dự thảo kế thừa quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, ghi nhận quyền của thương nhân kinh doanh xăng dầu trong việc áp dụng các công cụ, nghiệp vụ phái sinh thông qua Sở Giao dịch hàng hóa ở Việt Nam để bảo hiểm giá có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa là cơ sở để các doanh nghiệp trong lĩnh vực này an tâm kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, vừa bảo đảm duy trì sự quản lý, điều tiết hợp lý, hiệu quả của Nhà nước thông qua các công cụ thị trường.
"Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho DN về đất đai xây dựng, đấu nối giao thông về khoảng cách và các thủ tục đầu tư xăng dầu. Bởi hiện nay, xây dựng một cửa hàng xăng dầu rất khó khăn" – ông Trịnh Quang Khanh bày tỏ.
Còn bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Hanoi Tourism, đây là mùa cao điểm du lịch trong năm nhưng không ít DN gần như "nằm im", số lượng DN giảm đi nhiều, chi tiêu cũng thắt chặt hơn tức hành vi khách hàng đã thay đổi.
"Chúng tôi cũng cơ cấu toàn bộ sản phẩm, làm mới, khác biệt hoá. Hiện các công ty đều có lịch trình, sản phảm đóng gói cố định cứng. Chúng tôi hiện bán thêm các sản phẩm, khách hàng đi đến đâu có thể mua tới đó, tiêu dùng theo cảm xúc. Đây cũng là giải pháp nhưng cũng đi kèm thách thức mà chúng tôi phải đối mặt", bà Nhữ Thị Ngần chia sẻ.
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, với những ý kiến phân tích cụ thể, cùng các nhiệm vụ cấp thiết phải làm trong thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục ghi nhận, chắt lọc và báo cáo, tham mưu cho các cơ quan liên quan để chỉnh sửa, bổ sung nhằm giúp các chính sách đi được vào cuộc sống, để các DN được thụ hưởng lợi ích từ các chính sách. Từ đó, tiếp cận chuỗi cung ứng, phát triển được thị trường, nâng cao khả năng thích ứng và gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ có như vậy mới tạo được việc làm thỏa đáng, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người lao động.
Anh Minh