Đề cập đến tâm lý này, đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) phân tích: Còn có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ nên việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách còn chậm, như công tác phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính kéo dài, do việc lấy ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức liên quan, làm gia tăng chi phí thời gian cho doanh nghiệp, giảm cơ hội thu hút đầu tư.
Công tác dự báo tình hình, khảo sát, đánh giá thực trạng về những hạn chế, khó khăn của doanh nghiệp chưa được quan tâm. Hằng năm số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng thuộc ngành nghề nào, quy mô doanh nghiệp nào, nguyên nhân chính là gì cũng chưa có dữ liệu phân tích cụ thể, làm cơ sở để đưa ra những giải pháp thuyết phục.
Từ đó, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị cấp có thẩm quyền cần có cơ chế, chính sách phù hợp để bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng thời kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, có giải pháp khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chỉ ra rằng, tâm lý e dè, làm việc cầm chừng của một số cán bộ hiện nay là điều dễ hiểu, bởi lẽ "có làm ắt có sai, chỉ có không làm mới không sai".
"Nếu làm sai sẽ bị xử lý nên họ sợ sai, sợ trách nhiệm", đại biểu Phạm Văn Hòa nói, khi phát biểu tại phiên thảo luận KT-XH tại Quốc hội.
Theo ông Hòa, trước đây địa phương nào cũng muốn phát triển KT-XH, đô thị hóa để tăng thu ngân sách. Muốn vậy, họ phải trải thảm đỏ kêu gọi đầu tư và nhiều lúc vượt rào, làm không đúng quy định. Nếu bây giờ lật lại, "những cán bộ này ít nhiều đều có sai phạm".
Theo đại biểu, những quy định khoan hồng sẽ giúp những cán bộ đang vi phạm điều chỉnh hành vi. Từ đó, tham nhũng tiêu cực sẽ giảm, niềm tin của người dân được củng cố.
Ông Hòa kiến nghị các cơ quan nghiên cứu chính sách khoan hồng với cán bộ, doanh nghiệp vi phạm biết chuộc lỗi. Ví như người thu lợi bất chính từ đấu thầu, giao đất không qua đấu giá, bắt tay trong đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn tác động để tiêu cực, nếu tự giác khai báo, hoàn trả nguồn tiền bất hợp pháp cho Nhà nước thì sẽ được bảo vệ bí mật, khép lại hồ sơ và được tiếp tục công tác. Ông tin rằng những người này "sẽ làm rất tốt để chuộc lại lỗi lầm của mình".
"Ngược lại, ai không tự giác khai báo, nếu phát hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm và không được tình tiết giảm nhẹ", ông nói.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cũng bày tỏ lo ngại thực trạng cán bộ ngần ngại ra quyết định trong thẩm quyền; trì hoãn, đùn đẩy phê duyệt dự án, cấp các loại giấy phép. Theo ông, việc cơ quan Nhà nước chậm trả lời câu hỏi, chậm ban hành hướng dẫn, chậm giải quyết khiếu nại gây ách tắc cho người dân, ảnh hưởng lớn đến đầu tư công và phát triển KT-XH.
Đồng tình khi Chính phủ có Nghị định 73 bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, song đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng như vậy là "chưa đầy đủ". Ông đề nghị Chính phủ hướng dẫn cụ thể để cán bộ yên tâm thực thi công vụ. "Thông tư liên bộ Nội vụ, Công an, VKSND Tối cao, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tư pháp phải sâu sát tâm tư, bức xúc của đội ngũ cán bộ các cấp trong cả nước, giúp họ yên tâm trong hành xử và ra các quyết định hành chính", ông Nghĩa nói.
Tháng 9/2021, Bộ Chính trị ban hành kết luận yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách. Việc này tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có, nhưng không phù hợp với thực tiễn; mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
Lê Sơn