Đại dịch Covid-19 làm gia tăng ‘bạo lực gia đình’

Hoàng Huyền
Ngay từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt là giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều gia đình rơi vào tình cảnh khốn khó. Sự khó khăn về kinh tế, bí bách về tinh thần khiến mâu thuẫn, xung đột gia đình gia tăng. Nghiêm trọng hơn, tỷ lệ phụ nữ, trẻ em bị bạo hành tăng cao trong các đợt giãn cách xã hội.

“Chuyện nhỏ” thành… “chuyện lớn”

Ngày 21/8/2021, ở huyện Gia Lâm (thành phố Hà Nội), trong thời gian giãn cách xã hội, một cặp vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn trong lúc ăn uống. Người vợ giận chồng đã chạy ra ban công tầng 4 của toà chung cư với ý định nhảy xuống tự tử. May mắn là người chồng đã kịp tóm được tay vợ giữ lại, giúp người vợ thoát chết. Hình ảnh người vợ treo lơ lửng bên ngoài ban công khiến ai cũng bàng hoàng, khiếp sợ. Ngay lập tức, Ban quản lý toà nhà đã kịp thời có mặt để giải cứu người vợ. Sau vụ việc, cặp vợ chồng này đã ký cam kết không để sự việc tái diễn.

Cuối tháng 5/2021, một vụ án nghiêm trọng xảy ra tại một xã thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Văn Hoàng, sinh năm 1882 đã dùng dao đâm chết vợ và con gái 8 tuổi rồi tự sát. Nguyên nhân là do dịch bệnh, Hoàng mất việc. Cuộc sống gia đình lâm vào khó khăn, bế tắc, hai vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn, cãi cự dẫn đến bi kịch đau lòng. Hay tại Bắc Giang, ngày 14/8/2021, Nguyễn Văn Thảo, sinh năm 1987, trú tại huyện Tân Yên đã dùng dao đâm chết vợ đang mang thai 4 tháng tuổi. Tại cơ quan điều tra, Thảo khai, do vợ đòi đi làm, trong khi đối tượng lại lo sợ dịch bệnh căng thẳng nên đã ngăn cản. Vợ Hoàng không nghe dẫn đến mâu thuẫn, xung đột xảy ra…

Đại dịch Covid-19 làm gia tăng ‘bạo lực gia đình’-dulichgiaitri.vn
Ảnh minh họa

Đây là ba vụ án nghiêm trọng trong số rất nhiều vụ mâu thuẫn, xung đột gia đình xảy ra do dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội. Các nghiên cứu cho thấy, đại dịch Covid-19 khiến cuộc sống của hàng triệu gia đình đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề. Không chỉ khó khăn về kinh tế, đời sống hôn nhân của nhiều cặp vợ chồng cũng bị rạn nứt.

Chị N.T.M, trú tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội chia sẻ, giãn cách xã hội khiến cuộc sống gia đình chị bị xáo trộn nghiêm trọng. Chồng chị là lái xe công nghệ, bị ngừng việc không lương. Còn chị là giáo viên mầm non trường tư thục, cũng mất thu nhập nhiều tháng nay. Để có thu nhập, chị phải xoay thêm đủ nghề, từ bán hàng online, tư vấn bảo hiểm. Đã thế, lúc rảnh rỗi, chồng chị chỉ chơi game, xem bóng đá, không giúp vợ việc nhà, dạy con học. Chị vừa phải làm việc, vừa chăm sóc con, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng… nên bị quá tải, thường sinh ra cáu gắt. “Trước đây, chồng đi làm từ sáng sớm đến tối muộn, mình tôi lo liệu mọi việc không sao. Thế mà giờ chồng ở nhà, một người nằm chơi, một người làm việc không ngơi tay khiến tôi vô cùng bức xúc. Nhưng hễ tôi góp ý là anh ấy cấm cảu” – chị M thở dài. Còn anh N.V.T (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng bày tỏ khó chịu bởi không thể tập trung làm việc tại nhà. “Mỗi lần ngồi vào bàn làm việc là tiếng vợ quát tháo, tiếng con quấy khóc… khiến tôi xao nhãng. Tôi góp ý thì cô ấy cáu bẳn: “Anh giỏi thì ra mà làm” khiến tôi rất bức xúc” – anh T nói. Anh thừa nhận, không ít lần anh quát con, cau có với vợ vì không kiểm soát được cảm xúc của mình.

Cùng cảnh ngộ, chị H.T.N (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, chị rất ít khi phàn nàn về cuộc sống hôn nhân của mình cho tới khi hai vợ chồng phải nghỉ dịch giãn cách ở nhà. Vợ chồng chị N vừa mở cửa hàng ăn thì dịch Covid-19 ập tới, thành phố thực hiện giãn cách nên phải đóng cửa cả năm nay. Kinh doanh đình trệ, tiền mặt bằng vẫn phải trả, trong khi thu nhập không có mà mọi thứ vẫn phải chi tiêu, cộng thêm khoản nợ ngân hàng chồng vay để mở cửa hàng khiến gia đình chị càng bí bách hơn. Áp lực kinh tế khiến vợ chồng chị thường xuyên lời qua tiếng lại. “Tôi bắt đầu tiết kiệm trong chi tiêu sinh hoạt, nhưng anh ấy vẫn giữ thói quen ăn uống phải đầy đủ, nhiều món ngon. Tôi góp ý thì chồng tôi lại nói ngang cho xong. Hai vợ chồng nói qua nói lại, mỗi người một câu rồi chiến tranh lạnh suốt mấy ngày”- chị N ngán ngẩm.

Đại dịch Covid-19 làm gia tăng ‘bạo lực gia đình’-dulichgiaitri.vn
Ảnh minh họa

Đến… bạo lực, án mạng gia đình

Vợ chồng mâu thuẫn, tranh cãi trong hôn nhân không phải là chuyện hiếm gặp. Nhưng trong đại dịch Covid-19, đặc biệt là giãn cách xã hội, tình trạng này càng nghiêm trọng hơn. Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), từ đầu năm đến nay số cuộc gọi đến Trung tâm tư vấn, hỗ trợ tăng 130%. Trong 6 tháng đầu năm 2021, số cuộc gọi tư vấn đến đường dây nóng 1900969680 của Ngôi nhà Bình yên (Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Hội LHPN Việt Nam) tăng 140%, trong đó số ca tư vấn về bạo hành gia đình tăng 51%. Số lượng nạn nhân được Ngôi nhà Bình yên hỗ trợ cũng tăng 110% với cùng kỳ năm trước.

Bạo lực gia đình đến từ rất nhiều nguyên nhân, ở mọi đối tượng. Phần lớn, nạn nhân là phụ nữ. Họ phải chịu cảnh bạo lực tình dục, bạo hành thể chất, ngôn ngữ và nhiều cách thức tra tấn tinh thần khác.

Theo các chuyên gia, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong cuộc sống: Người lớn bị mất việc hoặc làm việc tại nhà, trẻ em chuyển sang hình thức học online, các tương tác trực tiếp với người ngoài bị hạn chế, thậm chí là bị cấm, làm gia tăng những lo lắng căng thẳng, trầm cảm. Ngay cả khi kinh tế ổn định thì vợ chồng cũng gặp phải vấn đề xung đột như mâu thuẫn về chia sẻ trách nhiệm gia đình hay chấp nhận thói quen của đối phương. Cha mẹ có thể cảm thấy mất cân bằng giữa việc chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái… Điều này tiềm ẩn các nguy cơ làm gia tăng bạo lực gia đình cả về thể chất và tinh thần.

Đại dịch Covid-19 làm gia tăng ‘bạo lực gia đình’-dulichgiaitri.vn
Ảnh minh họa

Các yếu tố gây căng thẳng lớn từ bên ngoài như thiên tai hoặc đại dịch không chỉ tác động đến tâm lý của mỗi cá nhân mà còn làm gia tăng nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, căng thẳng, tác động đến những mối quan hệ mật thiết trong gia đình như vợ - chồng, cha mẹ - con cái. Ths Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ Trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá Thể thao và du lịch lý giải, thời gian giãn cách xã hội, tình trạng bạo lực gia đình tăng lên, đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em. Khi phải giãn cách xã hội, thu nhập của gia đình bị giảm sút, kinh tế bị ảnh hưởng đã góp phần dẫn tới bạo lực gia đình. Mặc khác, thời gian vợ/chồng gần nhau nhiều hơn, những “thói xấu” cũng được thể hiện rõ ràng. Nếu một trong hai người không chấp nhận, hoặc cố tình thay đổi người kia theo ý mình thì xung đột vì thế cũng sẽ dễ xảy ra. Không những thế, do mất việc, chán nản, nhiều ông chồng đắm chìm trong rượu rồi trút ấm ức lên vợ, con, thậm chí tấn công tình dục vợ…

Do đó, để phòng, chống bạo lực gia đình, về mặt chính quyền, cần lồng ghép vấn đề bạo lực gia đình vào các chương trình Covid-19. Phụ nữ được lắng nghe, tham gia quyết định liên quan đến công tác phòng dịch cũng như giải pháp khắc phục hiệu quả để làm sao phòng ngừa được dịch bệnh mà cũng phòng được đại dịch âm thầm trong gia đình; Nâng cao nhận thức của cộng đồng về bạo lực đối với phụ nữ bởi bạo lực không phải là vấn đề của cá nhân mà của xã hội. Ngoài ra, cần phát triển và tăng cường các dịch vụ đa dạng hỗ trợ nạn nhân để giải quyết vấn đề bạo lực trong bối cảnh đặc thù như Covid-19…

“Để phòng chống bạo lực gia đình, giúp gia đình vượt qua đại dịch an toàn, bên cạnh nỗ lực, ý thức trách nhiệm, tình cảm yêu thương, chia sẻ của mỗi thành viên trong gia đình, thì những giải pháp như: Nhà nước tiếp tục quyết liệt thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nhằm đảm bảo đời sống cho người dân, phấn đấu hướng tới mọi người dân đều được tiêm vắc-xin phòng, chống Covid-19, chú trọng trang bị kỹ năng sống nhằm giúp các gia đình có thể giải quyết các mâu thuẫn, xung đột” – Ths Hoa Hữu Vân nói.

QUỲNH NHƯ/baophunuthudo.vn