Tin liên quan
“Việt Nam giang sơn gấm vóc”: Khích lệ tình yêu thương, sự chia sẻ của người Việt
Nhiều giọng ca tài năng, xúc cảm trong đêm chung kết cuộc thi “Tiếng hát Hà Nội” năm 2023
Tới tham dự lễ kỷ niệm có: ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân; ông Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Lê Ngọc Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng các lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương.
Về phía Hà Nội, tham dự có: Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải; cùng lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện. Đại diện Hội LHPN Hà Nội, bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội tham dự chúc mừng sự kiện.
Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập đã đưa các đại biểu trở lại hành trình hình thành và phát triển của Đài PT-TH Hà Nội bằng một chương trình nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu, tinh tế. Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, các đại biểu, khán giả đã được thấy chặng đường phát triển của Đài mạnh mẽ kiên cường cùng với những thăng trầm, phát triển của Thủ đô, đất nước.
70 năm trước, ngày 10/10/1954, cùng đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Thủ đô, có những chiếc xe ô tô gắn loa phóng thanh vừa chạy trên đường phố, vừa công bố 8 chính sách của Chính phủ đối với vùng mới giải phóng, cùng những thông báo của Ủy ban Quân chính Thành phố. Đây là những hoạt động phát thanh đầu tiên của Thành phố Hà Nội. Bốn ngày sau khi Thủ đô giải phóng, từ một trạm truyền thanh cố định được lắp đặt tại Nhà Thông tin - Triển lãm Thủy Tạ đã phát đi chương trình đầu tiên, với lời giới thiệu “Đây là buổi phát thanh của Sở tuyên truyền Hà Nội”. Ngày 14/10/1954, đã được lấy là ngày thành lập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
Kể từ đó, tiếng nói Hà Nội đã trở thành một phần không thể thiếu của Thủ đô. Trong chiến tranh, tiếng nói Hà Nội đã “truyền lửa” cho quân và dân Thủ đô. “Đồng bào chú ý! Giặc Mỹ đang thua to. Chúng âm mưu đánh phá điên cuồng vào Hà Nội. Hội đồng phòng không nhân dân Thành phố ra lệnh, khi có còi báo động, mọi người cần bình tĩnh vào hầm trú ẩn…”. Sau hồi còi báo động và mệnh lệnh chiến đấu dõng dạc là những tiếng nhắc nhở bình tĩnh và rắn rỏi của phát thanh viên Đài Hà Nội, động viên tinh thần quân dân Thủ đô. Tiếng nói được truyền đi qua hệ thống loa phát thanh khắp thành phố đã trở thành ký ức hào hùng, thể hiện ý chí quật cường của quân và dân Thủ đô trong 12 ngày đêm, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.
Bước qua chiến tranh, Đài Hà Nội tiếp tục sứ mệnh của mình là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền Thành phố, là diễn đàn của nhân dân Thủ đô. Trong 70 năm xây dựng và trưởng thành, gắn liền với những giai đoạn lịch sử, phát triển của Thủ đô và đất nước, Đài Hà Nội luôn khẳng định vị trí quan trọng trong các cơ quan báo chí của Thành phố. Đài đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phản ánh, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà Nước, Chính phủ, của Thành phố, cập nhật tin tức trên các hạ tầng truyền thông. Đài Hà Nội cũng cung cấp thông tin kịp thời ở nhiều lĩnh vực đời sống. Các nội dung văn hóa - giải trí đậm bản sắc Hà Nội, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Thủ đô.
Đặc biệt, Đài Hà Nội đã tổ chức thành công nhiều chương trình truyền hình trực tiếp, cầu truyền hình, phản ánh những sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng. Gần đây nhất, “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024); 25 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999 – 16/7/2024) diễn ra ngày 6/10/2024 đã được Đài Hà Nội tổ chức truyền hình trực tiếp trên các hạ tầng truyền thông một cách công phu, bài bản, sinh động. Hoạt động này của Đài đã được Lãnh đạo Thành phố biểu dương, nhân dân Thủ đô khen ngợi.
Trước xu thế thay đổi mạnh mẽ của truyền thông trong nước và quốc tế, Đài Hà Nội đang thực hiện chiến lược phát triển thành Tổ hợp truyền thông mạnh, kết nối Đài với công chúng trong một chuỗi cung ứng nội dung số hiện đại, góp phần dần hình thành hệ sinh thái nội dung của Hà Nội, đồng thời vẫn khẳng định bản sắc riêng của Đài Phát thanh - Truyền hình Thủ đô.
Cùng với đổi mới truyền hình, Đài Hà Nội đã đổi mới 2 kênh phát thanh, gắn nội dung và hình thức của mỗi kênh với những nét đặc trưng của Thủ đô, với đời sống người Hà Nội. Trong đó, Kênh FM90 định hình là kênh chuyên biệt "Tin tức và Giao thông Hà Nội". Kênh FM96 được nhận diện là kênh "Tin tức và Âm nhạc" của Thủ đô. Đài Hà Nội cũng đã cho ra mắt ứng dụng nội dung đa phương tiện HanoiOn vào tháng 7/2024. Đây là nền tảng phân phối nội dung của hệ sinh thái báo chí kỹ thuật số, nằm trong chiến lược hoàn thiện tổ hợp truyền thông đa phương tiện hiện đại của Hà Nội. Cũng trong năm 2024, Đài Hà Nội cũng đã khởi động lại việc sản xuất phim truyền hình với Dự án phim dài tập “Vì tình yêu Hà Nội” đã phát sóng đúng dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô.
Với sự quyết liệt đổi mới của đội ngũ lãnh đạo, sự chung sức của tập thể, Đài Hà Nội đã những bứt phá rõ rệt. Tin tức của Đài Hà Nội nhanh hơn, phong phú hơn; nhiều chương trình được đổi mới tạo ra sức sống mới; các nền tảng số phát triển mạnh mẽ. Năm 2023, Đài Hà Nội đã nhanh chóng lấy lại vị thế là Top 10 kênh truyền hình được xem nhiều nhất ở khu vực Hà Nội. Đặc biệt, Đài Hà Nội đã có những bước chuyển đổi số tích cực. Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “Đài Hà Nội đã có những bước chuyển đổi số mạnh mẽ, mở rộng không gian phục vụ khán thính giả trên môi trường số. Theo kết quả đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí, Đài Hà Nội đứng trong Top 10 cơ quan báo chí chuyển đổi số xuất sắc nhất”.
Đánh giá về những đổi mới gần đây của Đài Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh: “Đài Hà Nội là một trong những đơn vị trên địa bàn tiên phong trong công tác chuyển đổi số và phát triển công nghiệp văn hóa. Điều này khẳng định Đài đã và đang thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là Hà Nội phải đi đầu, đẩy mạnh chuyển đổi số. Đồng thời, Đài Hà Nội cũng thực hiện theo tinh thần và quan điểm của Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu phục vụ nhân dân Thủ đô lên hàng đầu”.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Kim Khiêm, Tổng Giám đốc, Tổng biên tập Đài Hà Nội, bày tỏ: “Sau 70 năm, tập thể lớn Đài Hà Nội lại đang bắt đầu bước trên một con đường mới, đầy khó khăn và áp lực, nhưng đích đến là rõ ràng. Đó là con đường mới về mục tiêu, mới về sản phẩm truyền thông, mới về hạ tầng phân phối, mới về công nghệ, mới về phương thức quản trị, mới về cách tiếp cận công chúng và mới về tầm nhìn. Đó là con đường rất không dễ dàng, nhưng chúng tôi quyết tâm hướng tới, để tiếp tục thực hiện những tâm huyết của các thế hệ đi trước, tiếp tục thực sự là một giá trị và sự tự hào mang tên Đài Hà Nội, hoàn thành xuất sắc vai trò là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội.
Chúng tôi đang được tiếp thêm rất nhiều cảm hứng cho quá trình đổi mới của mình khi Thủ đô đang chuyển mình và phát triển mạnh mẽ.
Chúng tôi đã được củng cố mạnh mẽ niềm tin cho quá trình đổi mới khi nhận được sự quan tâm thường xuyên của lãnh đạo thành phố, của cả hệ thống chính trị Thủ đô, cũng như sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý trung ương.
Chúng tôi có thêm rất nhiều động lực khi mỗi sản phẩm mới, mỗi chương trình mới, mỗi thay đổi dù nhỏ, đều nhận được sự động viên, ghi nhận từ công chúng Thủ đô và cả nước”.
Ông Nguyễn Kim Khiêm cũng khẳng định, tiếng nói Hà Nội đã được nhiều thế hệ của Đài gìn giữ và phát huy. Hôm nay, trách nhiệm phải tiếp tục gìn giữ tiếng nói Hà Nội, đưa Đài Hà Nội lớn mạnh, xứng tầm cùng Thủ đô phát triển, xứng đáng với sự kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân Hà Nội lại càng lớn lao.
70 năm qua, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý, đặc biệt đã hai lần vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Nhất./.