ĐBQH: Cần xử lý nghiêm bảo mẫu bạo hành trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng

Admin
Các ĐBQH cho rằng, khi nhắc đến tên "Mái ấm Hoa Hồng" nhiều người nghĩ ngay đến ý nghĩa nhân đạo lớn lao, nhưng lại xảy ra bạo hành thương tâm các em nhỏ là không thể chấp nhận.

Thanh kiểm tra để kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh

Vụ việc nhiều trẻ nhỏ bị hành hạ tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP.HCM) đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. 

Theo đó, báo chí phản ánh tại Mái ấm Hoa Hồng đã xảy ra tình trạng ngược đãi, bạo hành nhiều trẻ em được nuôi dưỡng tại cơ sở này. 

Đây là một mái ấm tình thương tư nhân nhận nuôi trẻ em mồ côi do bà Giáp Thị Sông Hương làm chủ, mở cửa từ 8h - 20h hàng ngày. Nhiều nhà hảo tâm đã đến thăm các em nhỏ và đóng góp hỗ trợ.

Liên quan đến vụ việc đang gây bức xúc dư luận, sáng 5/9 trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc tổ chức từ thiện để nuôi nấng, dạy dỗ các trẻ mồ côi, bị bỏ rơi là điều hết sức nhân văn, rất cần thiết và trân trọng những tấm lòng nhân ái.

"Dù là một tổ chức, công ty hay cá nhân đứng ra làm và huy động lòng hảo tâm của mạnh thường quân để có cơ sở vật chất, tài chính để nuôi những đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi được ăn học đến nơi đến chốn là điều rất đáng trân trọng", đại biểu khẳng định.

ĐBQH: Cần xử lý nghiêm bảo mẫu bạo hành trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng- Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Văn Hòa.

Tuy nhiên, "sự việc xảy ra mới đây tại Mái ấm Hoa Hồng, khi chính những người nuôi dạy trẻ lại bạo hành trẻ là điều không thể chấp nhận. Hơn hết, đây là nơi nuôi dạy trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, hoàn cảnh các em thương tâm hơn, người làm từ thiện càng cần có tâm có đức hơn thì lại xảy ra vụ việc gây phẫn nộ như vậy", vị đại biểu xót xa.

Dưới góc độ là ĐBQH, ông Phạm Văn Hòa cho rằng các cơ quan chức năng cần vào cuộc, thanh kiểm tra không chỉ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng mà còn nhiều cơ sở khác để kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh.

"Đồng thời, phải xử lý nghiêm với những bảo mẫu đã bạo hành các cháu nhỏ. Nếu đến mức độ gây ra thương tích, ảnh hưởng về mặt tinh thần thì phải xử lý hình sự đối với những bảo mẫu này", ông Phạm Văn Hòa cho hay.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng bày tỏ sự bức xúc, cho rằng đây là một hình thức từ thiện "trá hình" và gây ra dư luận không tốt, ảnh hưởng đến những cơ sở thiện nguyện đã làm tốt và cũng ảnh hưởng đến niềm tin của các mạnh thường quân đã quyên góp để nuôi các cháu nhỏ.

Rà soát các cơ sở làm công tác từ thiện

Theo dõi qua báo chí, PGS. TS. Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khoá XIII biết đến vụ việc đau lòng xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng. Chia sẻ với Người Đưa Tin sáng 5/9, bà An nói, khi nhắc đến tên "Mái ấm Hoa Hồng" đã mang ý nghĩa rất nhân đạo lớn lao để cưu mang những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội.

Bà An cũng bày tỏ sự thắc mắc, không hiểu quy trình tuyển chọn các bảo mẫu vào làm tại đây có những tiêu chí nào mà lại để xảy ra những sự việc vô cùng đáng tiếc.

ĐBQH: Cần xử lý nghiêm bảo mẫu bạo hành trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng- Ảnh 2.

ĐBQH Bùi Thị An bày tỏ sự thắc mắc về việc tuyển chọn các bảo mẫu làm việc tại "Mái ấm Hoa Hồng".

Theo bà An, xử lý là đương nhiên, nhưng xử lý chỉ là biện pháp cuối cùng. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các tổ chức làm công tác từ thiện tương tự.

"Các cơ quan quản lý phải vào cuộc, kiểm tra thường xuyên, nếu xảy ra tình trạng này cần chấm dứt ngay", bà An nhấn mạnh.

Trước đó, vào chiều 4/9, Sở Lao động –Thương binh và Xã hội TP.HCM đã tổ chức họp báo liên quan vụ trẻ em bị bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng.

Bà Nguyễn Thành Phụng - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động –Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng Lao động –Thương binh và Xã hội quận 12 cấp giấy phép hoạt động vào ngày 7/7/2023; 

Với chức năng, nhiệm vụ là trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, sống lang thang; số lượng không quá 39 trẻ; địa bàn hoạt động: Phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM; người đại diện theo pháp luật là bà Giáp Thị Sông Hương (50 tuổi).

Vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng: 85 em được chuyển sang các cơ sở bảo trợ xã hộiTạm giữ bà Giáp Thị Sông Hương và một số bảo mẫu mái ấm Hoa Hồng

Ngay khi nhận được thông tin phản ánh, Sở đã cử tổ công tác gồm Phòng Bảo trợ xã hội, Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới phối hợp với Phòng Lao động –Thương binh và Xã hội quận 12 đến Mái ấm Hoa Hồng để xác minh trực tiếp tại cơ sở và ghi nhận.

Tại thời điểm ghi nhận, tại Mái ấm Hoa Hồng có 15 nhân viên đang làm việc và 86 trẻ, trong đó có 85 trẻ thuộc diện trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, 1 trẻ còn lại là con của nhân viên trong đơn vị này.

Trong số 85 em, có 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi; 36 trẻ từ đủ 12 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi; 30 trẻ từ 36 tháng tuổi đến dưới 72 tháng tuổi (đang đi học tại Trường mầm non Sóc Bông, 18F đường Quán Tre, khu phố 1, phường Trung Mỹ Tây, quận 12); 3 trẻ từ đủ 6 tuổi đến 12 tuổi; 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện.