Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội 2022, Diễn đàn Du lịch quốc gia "Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới" được tổ chức hôm nay (1/4) đã thu hút đông đảo sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; các nhà hoạch định chính sách; các doanh nghiệp du lịch, hiệp hội du lịch; các trường đào tạo về du lịch để cùng tìm những giải pháp, hành động mới giúp du lịch Việt Nam có thể nhanh chóng phục hồi và phát triển.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm cho ngành du lịch cùng nhiều ngành kinh tế khác bị thiệt hại nặng nề trong suốt 2 năm qua. Cũng như việc phục hồi kinh tế-xã hội của đất nước sau đại dịch, việc phục hồi cơ sở vật chất kỹ thuật trong ngành du lịch, phục hồi các sản phẩm, dịch vụ du lịch và nguồn nhân lực trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đòi hỏi sự nỗ lực, thời gian lâu dài cũng như sự đầu tư lớn của toàn ngành.
Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo ngành du lịch toàn cầu sẽ cần từ 3-4 năm để có thể phục hồi lại hoạt động như mốc năm 2019. Đây cũng là nhiệm vụ và thách thức đối với du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Vì vậy, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị Diễn đàn cần tập trung thảo luận, đưa ra được những giải pháp cụ thể, trước hết là các định hướng mới cho du lịch Việt Nam trong thời gian tới như các định hướng về chính sách, định hướng về đầu tư, về sản phẩm và thị trường, định hướng về huy động nguồn lực và phát triển nguồn nhân lực. Đây là các điều kiện quan trọng cho việc phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Thứ hai, cần các giải pháp và hành động cụ thể cho việc khôi phục và phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Đâu là các giải pháp cốt lõi, đâu là giải pháp trước mắt, đâu là các giải pháp lâu dài và các hành động chúng ta cần thực hiện ngay để phục hồi ngành du lịch nhanh nhất trong điều kiện bình thường mới.
Thứ ba, là các đề xuất cụ thể đối với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các cơ quan quản lý du lịch các cấp để có thể nhanh chóng hành động, triển khai thực hiện các giải pháp cho việc phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Những xu hướng mới của du lịch thế giới
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã phân tích về một số xu hướng du lịch trên thế giới qua đó Việt Nam có thêm thông tin để định hướng và xây dựng những sản phẩm mới phù hợp với xu hướng và thị trường du lịch.
Về sản phẩm du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, năm 2022 có xu hướng tăng lên về nhu cầu sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, nhu cầu về du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, nhu cầu về phục hồi sức khỏe và du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch chữa bệnh sẽ tăng lên trong năm 2022 và những năm tiếp theo do các triệu chứng hậu COVID-19.
Theo Global Data, đây là thị trường khách du lịch có tốc độ phục hồi nhanh nhất và có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2022 với số lượng khách du lịch chữa bệnh bằng năm 2019. Một số quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng xúc tiến quảng bá ngay các sản phẩm du lịch này cùng với khi mở cửa du lịch quốc tế như Ấn Độ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ…
Về hành vi tiêu dùng của khách du lịch, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, xu hướng lựa chọn các điểm đến du lịch an toàn, du lịch xanh, du lịch sinh thái và các điểm nghỉ dưỡng cách biệt tăng lên sau đại dịch. Xu hướng đi du lịch đến các điểm đến gần, đi theo nhóm nhỏ hoặc nhóm gia đình tiếp tục là lựa chọn của nhiều khách du lịch trong năm 2022.
Theo Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), 80% khách du lịch đặt phòng và dịch vụ du lịch trong vòng 2 tuần trước chuyến đi, ngắn hơn nhiều so với trung bình 36 ngày ở thời điểm năm 2019. Xu hướng "staycation" được ưa chuộng trong năm 2021 và sẽ tiếp tục phổ biến trong trong năm 2022. Đối với các chuyến đi đến các điểm đến xa, khách có xu hướng lựa chọn ít điểm hơn trong một chuyến đi và thời gian lưu trú cũng dài hơn trong một điểm đến.
Về ứng dụng công nghệ trong kinh doanh và quản lý du lịch: Thời gian qua, nhiều ứng dụng đã được sử dụng để quảng bá và bán sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm của khách du lịch đối với các sản phẩm, dịch vụ và điểm đến du lịch như công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) giúp khách hàng trải nghiệm các điểm đến trước chuyến du lịch. Trong bối cảnh COVID-19, các công nghệ này càng được các doanh nghiệp du lịch sử dụng nhiều hơn để thúc đẩy nhu cầu và bán sản phẩm trực tuyến.
Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo (AI), robot, các dịch vụ không chạm cũng được sử dụng triệt để trong việc quản lý và phục vụ khách hàng của doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý du lịch cũng đang tận dụng các ưu thế của công nghệ thông tin để đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý du lịch, tạo ra các ứng dụng di động về du lịch an toàn, về hộ chiếu vaccine điện tử...
Về phía khách du lịch, theo thống kê của Roller Software (Công ty chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ du lịch) thì tỉ lệ đặt dịch vụ của khách du lịch tăng vọt trong thời gian đại dịch COVID-19 vừa qua với tỉ lệ tăng trưởng ở khu vực Bắc Mỹ là 90%, khu vực châu Âu và châu Á Thái Bình Dương lên đến 130%. Lợi nhuận trên đầu khách đặt dịch vụ trực tuyến các doanh nghiệp thu được cũng tăng khoảng 10-15% so với khách đặt trực tiếp tại đại lý.
4 yêu cầu đối với phục hồi, phát triển du lịch Việt Nam
Trước bối cảnh và các xu hướng phát triển của du lịch thế giới, Tổng cục Du lịch xác định một số yêu cầu đối với việc phục hồi và phát triển ngành du lịch Việt Nam.
Trước hết việc phục hồi và phát triển du lịch cần được triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ và nhanh chóng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và trong khu vực đang diễn ra gay gắt trong việc thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại.
Đồng thời, phải thích ứng với các nhu cầu và xu hướng du lịch mới trong khu vực và trên thế giới trong điều kiện bình thường mới.
Mặt khác, trong bối cảnh các nguồn lực còn khó khăn, việc phục hồi và phát triển du lịch vừa đòi hỏi bảo đảm an toàn vừa phải bảo đảm hiệu quả về mặt kinh tế, tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng cao hơn so với trước đại dịch.
Bên cạnh đó, cần không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, đổi mới cách làm trong việc tiếp cận thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; đầu tư mạnh vào công nghệ trong phát triển du lịch.
Với việc mở cửa du lịch hoàn toàn, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cần có những định hướng về thị trường, sản phẩm, xúc tiến, quảng bá, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực… một cách cụ thể.
Cần khôi phục chính sách visa như trước đại dịch
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, về thị trường, trước mắt, du lịch Việt Nam cần tập trung khai thác tốt các thị trường truyền thống, các thị trường đã phục hồi kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa như trước đại dịch, các thị trường đã cho phép công dân đi du lịch nước ngoài.
Một số thị trường cụ thể tại Đông Bắc Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), chuẩn bị kế hoạch xúc tiến thị trường Trung Quốc khi điều kiện cho phép; thị trường Nga, các thị trường Tây Âu và Bắc Âu đã được miễn visa đơn phương; thị trường Australia, Newzealand và thị trường Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, Bắc Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ cũng là các thị trường đã hầu như mở hoàn toàn đối với du lịch quốc tế. Tuy nhiên, việc kết nối đường bay cần thời gian để phục hồi và phát triển.
Phát triển các sản phẩm du lịch về chăm sóc sức khỏe
Về sản phẩm du lịch, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, ngoài các sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là những sản phẩm được ưa chuộng trong bối cảnh chung sống cùng dịch bệnh COVID-19 thì Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển mới hoặc đẩy mạnh phát triển và khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh như du lịch nghỉ dưỡng biển dài ngày với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc, phục hồi sức khỏe về thể chất và tinh thần sau COVID-19, sử dụng các dược liệu và các liệu pháp điều trị theo y học cổ truyền dân tộc.
"Đây là những sản phẩm du lịch có triển vọng phát triển, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch cả trong nước và quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển du lịch trên thế giới trong thời gian tới", ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Đẩy mạnh các hoạt động E-marketing
Đối với định hướng về xúc tiến, quảng bá du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh đề nghị, trong thời gian tới, các địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý điểm đến tiếp tục đẩy mạnh hoạt động E-marketing để phát huy tối đa hiệu quả cho việc phục hồi và phát triển du lịch.
Ngành du lịch cần tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để phục hồi du lịch trong bối cảnh đại dịch.
Để có được nguồn nhân lực chất lượng cần tiếp tục tăng cường tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực để bảo đảm đủ số lượng và chất lượng đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Chú trọng đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề du lịch cho người lao động, bảo đảm sự chuyên môn hóa và thành thục trong các kỹ năng phục vụ của người lao động.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong việc cung cấp các dịch vụ và phục vụ khách du lịch, đặc biệt ở các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch cần nhiều lao động. Có chính sách và chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho người lao động trong ngành để họ yên tâm công tác, đặc biệt là lao động chất lượng cao, đảm nhiệm các công việc đặc thù trong ngành.
Diệp Anh