Độc đáo văn hóa ẩm thực truyền thống của người Mường

Admin
"Ngày hội văn hóa, ẩm thực các dân tộc xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) năm 2024" đã mở ra một không gian văn hóa đậm bản sắc dân tộc Mường. Ngày hội đã thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham gia, ghi lại những ấn tượng đẹp.

Những món ngon - sản vật của rừng núi

Trong tiết xuân mát mẻ của những ngày đầu xuân, trên khắp các nẻo đường từ sườn đồi núi, các ngõ xóm của 7 thôn ở xã Tiến Xuân tấp nập người đi xe, người đi bộ trong những trang phục dân tộc người Mường nô nức đổ về trụ sở UBND xã để tham gia ngày hội.

Với nét hồ hởi trên gương mặt, bà Tạ Thị Tâm (55 tuổi) ở thôn 3 cho biết bà tham gia đội thi ẩm thực cùng với các ông, các bà, các chị em của thôn 3. Mặc dù thời gian chuẩn bị chỉ trong vài ngày, nhưng các thành viên đều hăng hái góp của, góp sức, mang đến những loại rau rừng, rau trong vườn nhà, các loại cá, thịt từ đánh bắt hoặc nuôi trồng. Rồi họ cùng nhau chế biến những món ăn đặc trưng của người Mường, cùng mang đến những vật dụng rất đỗi thân thương từ trên gác bếp, dưới hiên nhà để trang trí gian hàng.

Độc đáo văn hóa ẩm thực truyền thống của người Mường - ảnh 1
Điệu múa chiêng của phụ nữ dân tộc Mường.

Không thể thiếu đó là những chiếc chiêng Mường được xuất hiện nổi bật hai bên gian hàng của thôn 3. Trong trang phục người Mường là bộ cánh màu xanh, ông Đinh Công Hồng (66 tuổi) giới thiệu: Nước này được pha từ thứ lá cây, rễ của người Mường, uống vào có tác dụng mát gan, tăng sức đề kháng.

“Tại hội thi, chúng tôi tái hiện lại không gian sinh sống của người Mường vào khoảng thời gian 40-50 năm trước để con cháu thời nay biết và ý thức về việc cần gìn giữ văn hóa tốt đẹp truyền thống của dân tộc mình”- ông Hồng chia sẻ và cho biết thêm: “Ngày nay, chúng tôi đang gìn giữ nét văn hóa của người Mường như: Tiếng nói, trang phục, chơi chiêng và giữ gìn những món ăn truyền thống”.

Tiếp lời ông Hồng, bà Nguyễn Thị Mai (thôn 3) chia sẻ về việc đội thi của thôn trong hội thi mùa đầu tiên - năm 2023 đã đoạt giải Nhất, năm nay tiếp tục giữ ngôi “Quán quân”. Đội thi thôn 3 đã mang đến 36 món ăn theo chủ đề riêng, nổi bật nhất là mâm cỗ Ta Oeng cúng ngày 30 Tết.

Tại hội thi, có thể điểm một vài món ăn rất riêng có của người Mường như món rau ngũ vị được đồ (hấp) từ 5 loại rau khác nhau gồm lá đu đủ non, măng, rau chuối, rau sắn, rau ngót. Bà Đinh Thị Anh ở thôn 4 cho hay, để làm món ăn này ngon cần phải biết trộn sao cho 5 loại rau hoà quyện thành một. Khi ăn, rau cũng có đủ các vị ngọt, đắng, chua, bùi.

Món dế mèn chua cay, bui bù (dễ trũi) nấu măng chua, nhộng ong xào của đội thôn 6 cũng khiến nhiều người trầm trồ khen ngon khi thưởng thức. Các món của thôn 4 được chế biến từ các loại rau rừng như cá gỏi với nhiều loại rau tái nhỏ như đinh lăng, lá mơ, lá sung, lá sắn…; hay món lòng gà xào lá lốt, tôm rang lá gừng, thịt lợn thui hấp lá bưởi, cá trạch nấu rau bóng…

Cô Nguyễn Thị Hồng Toan, Hiệu trưởng Trường mầm non Tiến Xuân cho biết, mang đến hội thi ẩm thực năm nay 37 cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường đã làm 54 món ăn từ truyền thống đến hiện đại, nhất là các món ăn rất riêng có của dân tộc Mường như xôi ngũ sắc, bánh uôi, cá nướng, cá ốt đồ (làm từ cá và măng)...

Và còn một số độc đáo khác như món bánh uôi được làm bằng gạo nếp trộn đậu nho nhe… Hay như món xôi bởi rởi làm từ gạo nếp và sắn, cá ốt đồ làm từ cá và măng, chổ nổ lóng làm từ ốc và thân cây chuối, cá nướng, cua rang, lợn quay…

Độc đáo văn hóa ẩm thực truyền thống của người Mường - ảnh 2
Các đội thi mang đến không gian văn hóa dân tộc Mường đặc sắc.

Tăng kết nối, tinh thần đoàn kết

Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng ban tổ chức hội thi cho biết: "Thông qua ngày hội, 7 thôn và trường Mầm non đã tổ chức thi nấu những món ăn được lưu truyền từ tổ tiên, cha ông đến con cháu ngày nay. Có những món ăn mà người trẻ xa quê trở về phải ngỡ ngàng vì chưa được biết đến.

Bởi các món ăn chỉ có ở vùng núi, có theo mùa, là sản vật địa phương và do chính người dân tộc Mường tìm hái lượm, chế biến và lưu truyền từ đời này sang đời khác”. Bên cạnh ẩm thực, ngày Hội còn có chương trình văn nghệ, múa, biểu diễn trang phục dân tộc, màn đồng diễn Chiêng Mường, vũ điệu kết đoàn của hơn 400 phụ nữ xã Tiến Xuân trong trang phục dân tộc Mường; các môn thể thao, trò chơi dân gian như kéo co, bắn nỏ, ném còn…

Chị Bùi Thị Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân chia sẻ: Ngày hội được diễn ra trong không khí vui tươi, bà con nhân dân rất nhiệt liệt hưởng ứng và tham gia rất đông. Đây cũng là cơ hội để người dân tộc Mường, dân tộc Kinh ở xã có không gian vui chơi, gắn kết với nhau hơn.

Độc đáo văn hóa ẩm thực truyền thống của người Mường - ảnh 3
Các cô giáo đến từ Trường mầm non Tiến Xuân tham gia hội thi với 54 món ăn từ truyền thống đến hiện đại.

Tiến Xuân là xã miền núi có diện tích rộng 3.457,74ha; có 1.735 hộ dân, với 7.879 nhân khẩu trong đó 68,6% là người dân tộc Mường, còn lại là dân tộc Kinh và các dân tộc khác. Những năm gần đây, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc đã được Đảng ủy, UBND xã Tiến Xuân coi là nhiệm vụ quan trọng, là sự nghiệp của toàn dân.

Vì vậy, xã đã có nhiều nỗ lực trong việc duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường từ ngôn ngữ, trang phục, những nét cơ bản về phong tục, tập quán, cách làm trong sinh hoạt hằng ngày… góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hiện, toàn xã Tiến Xuân có 7 Câu lạc bộ chiêng Mường, hơn 300 hội viên thường xuyên tập luyện và biểu diễn trong những ngày lễ, hội nghị thôn và xã tổ chức.

Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Đinh Công Tuân cho biết, việc tổ chức hội thi “Ngày hội văn hóa, ẩm thực các dân tộc xã Tiến Xuân” đã được thống nhất và đưa vào Nghị quyết hội nghị đại biểu nhân dân xã, ấn định thời gian tổ chức vào các ngày 17 và 18 tháng 1 hằng năm. Hội thi nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày đầu xuân, khơi dậy, lưu giữ, quảng bá những nét đẹp văn hoá đời sống, ẩm thực, bản sắc của dân tộc. Đặc biệt là giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, nông sản của xã Tiến Xuân.

“Từ việc được nhân dân ủng hộ rất cao qua 2 mùa tổ chức ngày hội văn hóa, ẩm thực dân tộc, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động nhằm khôi phục, duy trì và phát huy những phong tục, tập quán lành mạnh, tốt đẹp để bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống và tăng tính đoàn kết các dân tộc Việt Nam”- ông Tuân chia sẻ.