“Đòn” thuế quan xuyên Đại Tây Dương của ông Trump: “Không phải lời đe dọa suông”

Admin
Đây sẽ không phải là lần đầu tiên EU thấy mình bị lôi kéo vào một cuộc chiến thương mại với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Phàn nàn về mức thâm hụt thương mại với cán cân nghiêng về phía châu Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra dấu hiệu rằng hàng xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU) sang "xứ cờ hoa" sẽ là mục tiêu tiếp theo của "đòn" thuế quan.

Khi nói với các phóng viên vào cuối ngày 2/2, ông Trump đã mô tả một khoản thâm hụt thương mại khổng lồ giữa Mỹ và EU, đầu tiên mô tả nó là 300 tỷ USD, và sau đó là 350 tỷ USD, chỉ trong vòng 2 câu.

Theo ước tính chính thức của chính phủ Mỹ, thâm hụt hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ và EU chỉ hơn 131 tỷ USD vào năm 2022.

"Họ không mua ô tô của chúng ta, họ không mua sản phẩm nông nghiệp của chúng ta, họ hầu như không mua gì cả – và chúng ta mua mọi thứ từ họ", ông Trump nói, cảnh báo rằng bây giờ, khối 27 quốc gia này "chắc chắn" sẽ phải đối mặt với thuế quan của Mỹ.

“Đòn” thuế quan xuyên Đại Tây Dương của ông Trump: “Không phải lời đe dọa suông”- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Politico EU

Mối đe dọa treo lơ lửng

Xét đến các diễn biến trong vài ngày qua, thì đó "không phải lời đe dọa suông". Ông Trump đã công bố mức thuế 25% đối với gần như tất cả hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại chính của Mỹ là Mexico và Canada, và mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mặc dù vào phút chót, mức thuế quan mới đối với hàng hóa của Mexico và Canada đã được hoãn thi hành trong một tháng, nhưng mối đe dọa về một cuộc chiến thương mại toàn diện vẫn đang treo lơ lửng trên đầu Bắc Mỹ. Ông Trump cũng tuyên bố rằng châu Âu sẽ là mục tiêu tiếp theo.

Ông Aurélien Saussay, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Grantham về Biến đổi khí hậu và Môi trường, cho biết không có gì là bí mật khi Mỹ nhập khẩu nhiều hàng hóa từ châu Âu hơn là xuất hàng sang "lục địa già".

"Việc thâm hụt có tồn tại và ở mức khá lớn là sự thật, có thể xác minh và đo lường được", ông Saussay nói.

"Về cơ bản, nó chỉ phản ánh sự khác biệt về chi phí sản xuất và chất lượng của các sản phẩm được cung cấp và người tiêu dùng Mỹ thích lựa chọn châu Âu cho một số sản phẩm được cung cấp ở cả hai bờ Đại Tây Dương", vị chuyên gia chỉ ra.

EU luôn xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ hơn là nhập khẩu. Vào năm 2023, EU đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 502 tỷ Euro sang Mỹ trong khi nhập khẩu 344 tỷ Euro, tạo ra thặng dư 158 tỷ Euro cho EU, dữ liệu từ Eurostat cho thấy.

Ngược lại, châu Âu nhập khẩu nhiều hơn nhiều về mặt dịch vụ so với xuất khẩu sang Mỹ, ghi nhận mức thâm hụt 104 tỷ Euro trong lĩnh vực đó.

Tuy nhiên, con số thâm hụt thực sự là bao nhiêu có quan trọng hay không lại là một câu hỏi khác.

Ông Uri Dadush, nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Bruegel của châu Âu và là giáo sư nghiên cứu tại Trường Chính sách Công của Đại học Maryland, cho biết ông Trump đã nhiều lần tuyên bố nhu cầu bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ khỏi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài thông qua thuế quan.

Thậm chí các tuyên bố như vậy đã có từ rất lâu trước khi ông Trump phát động chiến dịch tranh cử Tổng thống đầu tiên của mình, ông Dadush nói, cho rằng mục tiêu thực sự của ông Trump… có thể là khuyến khích các công ty quốc tế đầu tư vào Mỹ, sản xuất tại Mỹ và vì Mỹ.

Thuế quan là một loại thuế áp dụng đối với hàng hóa từ nước ngoài mà các doanh nghiệp phải trả cho chính phủ của quốc gia tiếp nhận. Mặc dù mang lại doanh thu khiêm tốn, nhưng thuế quan phần lớn được các quốc gia sử dụng để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài.

“Đòn” thuế quan xuyên Đại Tây Dương của ông Trump: “Không phải lời đe dọa suông”- Ảnh 2.

Ô tô mới nhập khẩu được nhìn thấy tại một địa điểm ở Wilmington, California, Mỹ. Ảnh: NY Times

Ông Saussay của Viện nghiên cứu Grantham cho biết, lời hứa khôi phục việc làm trong ngành sản xuất thông qua thuế quan thương mại đã là một phần chính trong cả 2 chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Trump – và là một phần quan trọng trong lời kêu gọi của ứng cử viên Đảng Cộng hòa đối với cử tri ở các tiểu bang "dao động" trong "Vành đai rỉ sét" (Rust Belt) đang trải qua sự suy giảm công nghiệp.

"Những khu vực đó đã bỏ phiếu chủ yếu cho ông Trump trong cả 3 cuộc bầu cử Tổng thống trước đây", ông Saussay nói. "Vì vậy, có mối liên hệ trực tiếp giữa vận may chính trị của ông Trump và quan điểm bảo hộ của ông ấy. Ông ấy là một trong những tiếng nói chính trị đầu tiên ở Mỹ nhận ra rằng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang không ngừng mở rộng không phải là điều tốt đẹp hoàn toàn cho mọi người Mỹ".

Thiệt hại là điều chắc chắn

Đây không phải là lần đầu tiên Brussels thấy mình bị lôi kéo vào một cuộc chiến thương mại với Washington. Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump, EU là một trong những đối tác thương mại của Mỹ bị đánh thuế 10% đối với nhôm xuất khẩu sang Mỹ và thuế 25% đối với thép.

Khối 27 quốc gia đã phản ứng bằng cách nhắm vào một loạt các mặt hàng xuất mang tính biểu tượng của Mỹ, từ các tiểu bang Cộng hòa, như xe máy Harley-Davidson, rượu bourbon, vải denim và nước cam ép.

Ông Robert Basedow, Phó giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Viện Kinh tế và Khoa học Chính trị London thuộc Viện châu Âu, cho biết ông sẽ không ngạc nhiên nếu EU thấy mình bị nhắm mục tiêu bởi cùng loại thuế quan cố định áp dụng đối với Trung Quốc, Mexico và Canada.

"Nó sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu của EU, dẫn đến căng thẳng hơn đối với ngân sách công và tỉ lệ thất nghiệp, và làm chậm lại thêm tốc độ tăng trưởng GDP của EU", ông Basedow nói.

Các nhà phân tích của Deutsche Bank hôm 3/2 cho biết, mức thuế quan cố định 10% đối với EU có thể làm giảm 0,5-0,9% GDP của toàn khối. Để so sánh, tăng trưởng GDP của EU dự kiến chỉ đạt 1,5% vào năm 2025, và 1,8% vào năm 2026.

Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia đều phải chịu thiệt hại như nhau. Ông Dadush của tổ chức tư vấn Bruegel cho biết, "đòn" thuế quan của ông Trump sẽ tác động mạnh hơn đến một số lĩnh vực của nền kinh tế châu Âu chứ không phải tất cả.

"Tôi nghĩ rằng hầu hết tất cả các nước châu Âu đều bị ảnh hưởng, nhưng quốc gia hứng chịu nhiều hơn cả sẽ là Đức, vì họ có thặng dư lớn nhất và xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ – và những mặt hàng xuất khẩu đó tập trung vào ô tô, máy móc, dược phẩm và hóa chất", ông Dadush nói.

Theo dữ liệu của Eurostat, vào năm 2023, hàng hóa sản xuất được xuất khẩu nhiều nhất từ EU sang Mỹ là máy móc và phương tiện, chiếm 41%, tiếp theo là hóa chất, chiếm 27%. Đức là nước xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ vào năm 2023, theo sau là Italy và Ireland.

Các nhà sản xuất ô tô của Đức như Volkswagen, nơi sản xuất số lượng lớn xe ô tô được chuyển đến biên giới phía Nam nước Mỹ, sẽ phải chịu tổn thất lớn khi mức thuế quan của ông Trump đối với hàng nhập khẩu từ Mexico có hiệu lực.

Ông Dadush cảnh báo rằng nếu những mức thuế quan tương tự được áp dụng cho châu Âu, toàn bộ các ngành công nghiệp được xây dựng xung quanh hàng xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Saussay của Viện nghiên cứu Grantham cho biết, chiến lược tăng trưởng kinh tế dựa trên xuất khẩu của Đức đã khiến nước này dễ bị tổn thương trước các biện pháp bảo hộ mà ông Trump đề xuất.

"Trường hợp của Đức là ví dụ cụ thể, bởi vì toàn bộ mô hình phát triển của nước này đã bị thách thức rất nghiêm trọng kể từ năm 2022", ông Saussay nói. "Toàn bộ nền kinh tế của họ hướng tới xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc – và Trung Quốc thì ngày càng ít phụ thuộc vào nhập khẩu đối với các máy công cụ mà Đức đang xuất khẩu. Họ đang tự sản xuất ngày càng nhiều những mặt hàng này trong nước".

Trong nhiều tháng nay, các quan chức châu Âu đã nói với các nhà báo rằng họ đã lập danh sách các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ để nhắm mục tiêu trong trường hợp chiến tranh thương mại xuyên Đại Tây Dương nổ ra.

Ông Basedow của Viện Kinh tế và Khoa học Chính trị London cho biết, EU có một "kho tàng rộng lớn" bao gồm các biện pháp để sử dụng – nhưng chỉ khi các quốc gia thành viên có thể đưa ra một mặt trận thống nhất chống lại Mỹ.

"EU đã ban hành một số quy định cho phép khối này hành động nhanh chóng để chống lại thuế quan cưỡng chế", ông Basedow nói.

"Tôi cũng mong đợi rằng một số quốc gia thành viên và EU có thể thúc đẩy các biện pháp đáp trả khác đối với các công ty Mỹ – điều tra các hoạt động chống cạnh tranh, tiêu chuẩn lao động, sửa đổi luật thuế quốc gia để thu được nhiều lợi nhuận hơn từ các công ty đa quốc gia Mỹ, các biện pháp bảo vệ môi trường để buộc các công ty Mỹ áp dụng các phương pháp sản xuất nghiêm ngặt hơn, hoặc hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của họ…"

"Thuế quan chỉ là một trong nhiều công cụ mà EU và các quốc gia thành viên có thể sử dụng để ứng phó", ông Basedow lưu ý.

“Đòn” thuế quan xuyên Đại Tây Dương của ông Trump: “Không phải lời đe dọa suông”- Ảnh 3.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo EU tại cuộc họp không chính thức của khối này ở Brussels, ngày 3/2/2025. Ảnh: NST

Điều tốt nhất được mong đợi

Lãnh đạo của các cường quốc hàng đầu EU, như Đức và Pháp, tuyên bố khối này "đủ mạnh" để đáp trả bất kỳ đòn tấn công nào về kinh tế.

"Nếu lợi ích thương mại của chúng ta bị tấn công, châu Âu, với tư cách là một thế lực cường đại thực sự, sẽ phải khiến mình được tôn trọng và do đó phải phản ứng", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết khi ông đến dự một cuộc họp quốc phòng không chính thức với các nhà lãnh đạo khác tại Brussels hôm 3/2.

Những "lựa chọn và tuyên bố" mới nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ mới đang "thúc đẩy EU đoàn kết hơn và tích cực hơn để ứng phó với các vấn đề an ninh tập thể", ông cho biết.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, EU đủ mạnh để phản ứng với bất kỳ khoản thuế quan mới nào của Mỹ, nhưng "mục tiêu là mọi thứ phải dẫn đến sự hợp tác".

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của khối Kaja Kallas cho biết, sẽ "không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại". Bà cho biết, châu Âu và Mỹ cần có nhau.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết, chiến tranh thương mại là "một sai lầm", và mọi biện pháp có thể phải được thực hiện để ngăn chặn các đồng minh xung đột với nhau.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết nước này sẽ "không bao giờ ủng hộ các đồng minh chiến đấu chống lại nhau, nhưng nếu chính quyền Trump áp đặt thuế quan cứng rắn đối với châu Âu, chúng ta cần một phản ứng tập thể và mạnh mẽ".

Điều tốt nhất được mong đợi là kịch bản thương chiến không xảy ra. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã nhiều lần nhấn mạnh rằng bà thích đàm phán hơn là đối đầu, hy vọng rằng, việc Mỹ kêu gọi EU mua thêm vũ khí và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) do Mỹ sản xuất là những dấu hiệu cho thấy ông Trump chỉ đang cố gắng gây áp lực lên ban lãnh đạo của khối.

"Những dấu hiệu ban đầu không thực sự khả quan", ông Saussay của Viện nghiên cứu Grantham cho biết. "Bà von der Leyen đã tuyên bố rằng bà đã chuẩn bị đầy đủ để tăng khối lượng LNG nhập khẩu vào châu Âu như một cách để xoa dịu nỗi lo của ông Trump, hoặc về cơ bản là một thỏa thuận nghe có vẻ giống như EU nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Mỹ để đổi lấy việc Mỹ duy trì các đảm bảo về an ninh và an toàn cho châu Âu".

Về phần mình, ông Dadush của tổ chức tư vấn Bruegel cho biết, cuối cùng, người tiêu dùng bình thường trên toàn thế giới sẽ phải trả giá hàng ngày cho cuộc chiến thương mại do Nhà Trắng dưới thời ông Trump phát động.

"Một số quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi thương mại hơn nhiều so với Mỹ – có nhiều quốc gia như vậy", ông Dadush nói. "Mỹ đang tự bắn vào chân mình, nhưng các quốc gia khác thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại như Mexico, Canada, Đức, Hà Lan – những quốc gia đó sẽ bị ảnh hưởng thậm chí còn tồi tệ hơn".

Minh Đức (Theo France24, The Guardian)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm thửa riêng cho tiêm kích tàng hình Su-57Thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm thửa riêng cho tiêm kích tàng hình Su-57
Tham khảo thêm
Điểm khiến hệ thống tên lửa PULS “toả sáng” lấn át pháo binh Lockheed MartinĐiểm khiến hệ thống tên lửa PULS “toả sáng” lấn át pháo binh Lockheed Martin